Vào năm 2017, lượng rác thải điện tử trên toàn cầu sẽ tăng 33% so với
năm 2012 và các nước nghèo sẽ trở thành bãi chứa cho phần lớn lượng rác
thải này. Rác thải điện tử có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng
nghiêm trọng tới sức khỏe con người do thiếu các biện pháp xử lý hiệu
quả và an toàn tại các nước nghèo.
Dự án “Sáng kiến giải quyết rác thải điện tử” (StEP) đưa ra những nhận
định này trong báo cáo công bố ngày 15/12, dựa trên số liệu từ Liên hợp
quốc, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học.
StEP cho biết khối lượng rác thải điện tử trên thế giới mỗi năm sẽ tăng
65,4 triệu tấn trong giai đoạn từ năm 2012-2017, chứ không phải chỉ 48,9
triệu tấn như năm 2012, trong đó các nước đang phát triển chiếm phần
lớn khối lượng gia tăng này.
Năm ngoái, rác thải điện tử từ các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc,
Nga và các một số nước khác đã vượt tổng khối lượng rác thải điện tử từ
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Australia. Đến năm 2017, "đống"
rác thải điện tử toàn cầu - gồm máy giặt, máy tính, tủ lạnh, đồ chơi
điện tử và các thiết bị điện tử dùng pin - sẽ to tương đương 200 tòa nhà
Empire State ở New York (Mỹ) hay 11 Kim tự tháp Giza (Ai Cập).
StEP cho rằng rác thải điện tử rất có giá trị nếu được tái chế bởi lẽ
trong quá trình tái chế 1 triệu chiếc điện thoại di động có thể lọc ra
24 kg vàng, 250 kg bạc, 9 kg palladium và hơn 9 tấn đồng. Tuy nhiên, do
thiết bị điện tử được sản xuất từ hàng trăm vật liệu khác nhau, bao gồm
những thành phần độc hại như chì, thủy ngân, cadmium, arsenic…, nên việc
xử lý các loại rác thải này trong điều kiện không đảm bảo, đặc biệt tại
các nước nghèo và đang phát triển, có thể gây ô nhiễm môi trường đất,
nước, và đe dọa sức khỏe con người.
Tái chế rác thải điện tử không hiệu quả cũng sẽ dẫn đến tình trạng khan
hiếm nguyên liệu đất hiếm để sử dụng cho việc sản xuất các thế hệ hàng
điện tử trong tương lai.
Ông Ruediger Kuehr, Thư ký chấp hành của StEP, cho rằng vấn đề rác thải
điện tử đòi hỏi mức độ quan tâm toàn cầu. Trong khi đó, Cơ quan Môi
trường châu Âu cho biết rất ít nước hiểu được nguy cơ thực sự của vấn đề
này do thế giới chưa có kênh theo dõi toàn bộ khối lượng rác thải điện
tử.
Cơ quan này ước đoán mỗi năm có từ 250.000 tấn đến 1,3 triệu tấn đồ điện
tử đã qua sử dụng được đưa ra khỏi EU và điểm đến của chúng phần lớn là
khu vực Tây Phi và châu Á. Tuần trước, Tổ chức cảnh sát quốc tế
(Interpol) hé lộ gần 1/3 số container rời các cảng châu Âu dưới sự kiểm
tra của cơ quan này có chứa rác thải điện tử bất hợp pháp. Interpol đang
tiến hành điều tra hình sự với 40 công ty liên quan./.
(TTXVN)