Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 24/5/2017 20:59'(GMT+7)

Cảnh báo nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Ảnh minh họa: Lực lượng chức năng kiểm đếm và đưa lợn bị bệnh đi tiêu hủy ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Ảnh minh họa: Lực lượng chức năng kiểm đếm và đưa lợn bị bệnh đi tiêu hủy ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Đại diện Cục Thú y cũng nhận định, một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

“Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời,” đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.
 
Bên cạnh đó, hiện nay trên cả nước không có ghi nhận xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh trên lợn và gia súc. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian qua giá thịt lợn hơi giảm mạnh có thể dẫn tới việc nhiều hộ dân và cơ sở chăn nuôi không chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc không thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn làm giảm sức đề kháng của lợn; không tiêm phòng vắcxin, vứt xác lợn chết ra môi trường... làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên gia súc, đặc biệt trên đàn lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái.
 
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc như: lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn... và tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh ở gia súc bùng phát trên diện rộng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và ngân sách của nhà nước.

Riêng đối với dịch bệnh tai xanh trên lợn, đại diện Cục Thú y cũng cho rằng, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

“Do đó, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan,” đại diện Cục Thú y yêu cầu.

Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành virus cúm gia cầm, lở mồm long móng, xai xanh và hướng dẫn sử dụng vắcxin năm 2016 để tổ chức mua đúng loại vắcxin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất./.

Theo thông tin từ Cục Thú y, hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi trên địa bàn hai tỉnh chưa qua 21 ngày gồm:

Tại tỉnh Đắk Lắk xảy ra 1 ổ dịch cúm A/H5N1tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Ea Tmốt, huyện Ea Súp (đã qua 18 ngày). Đã có 600 con vịt mắc bệnh phải tiêu hủy.

Tại tỉnh Đắk Nông xảy ra 1 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 4 hộ chăn nuôi thuộc xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (đã qua 20 ngày). Tổng số vịt mắc bệnh và chết là 250 con, số tiêu hủy là 1.800 con./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất