Chủ Nhật, 3/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Ba, 6/12/2022 19:23'(GMT+7)

Cảnh báo và phòng ngừa thiên tai do sạt lở đất đá gây ra ở Việt Nam

Sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm. (Ảnh: Nhất Phong)

Sạt lở đất là loại hình thiên tai nguy hiểm. (Ảnh: Nhất Phong)

Nhằm tăng cường cảnh báo sớm, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra.

Ở nước ta, những năm gần đây, các loại hình thiên tai này xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, điển hình ở các tỉnh miền núi như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An...

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, an toàn tính mạng cho người dân

 Trong những năm qua, nhiều trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, đặc biệt ở khu vực các tỉnh miền núi nước ta. Điển hình như trong các ngày 15-16/11/2021, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi ở Bình Định. Đặc biệt, khu vực núi Cấm, xã Cát Thành, huyện Phù Cát còn xảy ra sạt lở, hơn 10.000m3 đất đá đổ xuống, tràn vào nhà dân khiến người dân hoảng hốt tháo chạy. Hai trận sạt lở đã khiến đất đá và bùn non bị nước cuốn trôi bồi lấp khoảng 70 nhà người dân, có một số nhà dân bị đất bồi sâu gần 1m. Chính quyền xã Cát Thắng đã phải huy động 2 xe múc giúp người dân khơi thông dòng chảy tại những khu vực xung yếu, nơi đọng nước để tránh tình nước lũ ngập trở lại.

Cũng trong tháng 11/2021, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra đầu đường Khe Sanh, P.10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khiến cơ quan chức năng phải thông báo di dời khẩn cấp 7 hộ gia đình trong vùng nguy hiểm. Vị trí đất sạt lở nằm ngay vòng cua đầu tiên của đường Khe Sanh, đất sạt trượt kéo theo 2 ngôi nhà sau các khách sạn xuống thung lũng sâu hơn 10m. Khối lượng đất sạt trượt cả hàng nghìn khối. Các khách sạn cao tầng lộ ra móng chơi vơi sau vụ sạt trượt đất.

Tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, chỉ tính ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trên địa bàn 15 tỉnh được điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc các núi tạo hướng chắn gió dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; như ven sông, suối khu vực hạ lưu; các nhà ở, công trình do đào chân núi nằm dọc theo các đường giao thông.

Phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi

Dù là một loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra nhưng để dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là “bài toán khó” không chỉ với Việt Nam mà cả các nước có công nghệ dự báo tiên tiến trên thế giới. Với Việt Nam, khó khăn này là do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Trong bối cảnh đó, mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi. TS. Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho biết, phân tích ảnh viễn thám cho phép nhận dạng các khối trượt và các yếu tố chính phát sinh trượt lở đất đá. Đó là các yếu tố cấu trúc địa chất, đới phá hủy kiến tạo, thảm phủ thực vật và những biến động của lớp thảm phủ thực vật…

Cần ưu tiên nguồn lực cho công tác di dời, tái định cư khu vực ảnh hưởng bởi sạt lở đất

Cần ưu tiên nguồn lực cho công tác di dời, tái định cư khu vực ảnh hưởng bởi sạt lở đất

Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh, với công nghệ viễn thám, các thông tin được chiết xuất từ ảnh viễn thám chủ yếu thông qua các dấu hiệu ảnh: dấu hiệu trực tiếp như tôn ảnh, màu sắc ảnh, hoa văn ảnh, kiến trúc ảnh, hình dạng đối tượng ảnh và gián tiếp như những yếu tố lớp phủ, địa hình, địa mạo, thành phần vật chất trên bề mặt địa hình.... Trên cơ sở đó, các nhà khoa học thành lập được các sơ đồ giải đoán các khối trượt và các yếu tố thành phần. Các sơ đồ kết quả giải đoán các khối trượt và các yếu tố thành phần sẽ được sử dụng làm các dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho công tác đánh giá, phân vùng dự báo và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trong các bước tiếp theo.

Thừa nhận Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng), Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Trần Hồng Thái cho biết, trước mắt, Tổng cục sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi. Xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét. Cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.

Một số khuyến cáo, hướng dẫn người dân về sạt lở đất:

Sau đây là một số khuyến cáo, hướng dẫn của Tổng cục Phòng, chống thiên tai về dấu hiệu, những việc nên làm, không nên làm nhằm giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở đất gây ra.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng sạt lở:
- Mưa nhiều ngày/mưa lớn.
- Vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông, suối từ trong chuyển màu thành nước đục… 
- Mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất. 
Những việc nên làm để phòng tránh sạt lở và giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở.
- Theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu. 
- Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Cần bảo vệ tính mạng trước tiên. 
- Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường. 
Những việc nên tránh khi có sạt lở
Một là, không được đi qua hoặc lại gần quanh khu vực sạt lở đất. 
Hai là, không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần.
Ba là, không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh. 

Nhật Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất