(TCTG)- Từ Luang Prabang, vượt qua khoảng 400 km đường đèo, nhiều “cùi chỏ”, một bên là núi cao, bên là vực sâu, đoàn chúng tôi đến Xiêng Khoảng. Một ngày hanh ánh nắng giữa tháng 11-2010, Xiêng Khoảng thật ấm áp và nhẹ lòng. Trước khi đến thăm Cánh đồng Chum- một di sản văn hoá, đồng thời cũng là một di tích lịch sử thời chiến tranh, chúng tôi đến thắp nén tâm nhang tại Đài tưởng niệm liệt sĩ liên quân Lào - Việt.
Toả theo làn khói hương trầm mặc, nghiêng mình trước anh linh của các liệt sĩ Việt Nam và Lào hy sinh tại chiến trường Xiêng Khoảng, là những xúc cảm về một miền đất từng là “túi đựng bom” trong những năm tháng chiến tranh, về những mất mát hy sinh của những người lính, của người dân Lào cần cù, chất phác, hết lòng che chở cho những người lính quân tình nguyện Việt Nam, và cả tâm tư của người cựu chiến binh trong đoàn về ký ức một tình yêu đầu đời trong những gian khó thời khói lửa, v.v..
|
Đài tưởng niệm liệt sĩ liên quân Việt-Lào tại Xiêng khoảng |
1.Mang theo những hồi ức của quá khứ, chúng tôi đến thăm cánh đồng Chum Bản Ang. Nằm trên một ngọn đồi gió lộng cách Phonesavanh khoảng 5 km, xung quanh là khu rừng trọc thưa, và xa xa là dãy Trường Sơn điệp trùng, thấp thoáng trong ánh bình minh, là bóng những chiếc chum lớn, cái đứng, cái nằm nghiêng nghiêng cô độc, như thách thức với thời gian. Mênh mang trong tầm mắt, huyền hoặc trong suy tưởng, cánh đồng Chum Bản Ang nổi tiếng nhất với 334 chum được tìm thấy, trong đó cái lớn nhất có đường kính 2,5m và cao 2,57m hiện lên thật sinh động. Đã từng đọc, từng được nghe truyền thuyết về Cánh đồng Chum, đó là (tên dịch từ tiếng Lào Thồng Háy Hín), nhưng tôi cũng cùng suy nghĩ giống nhiều người: Điều lạ lùng là những cái chum đá này chỉ có ở địa phận Xiêng Khoảng, mà không xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
|
Toàn cảnh Cánh đồng Chum Bản Ang (Ảnh TD) |
Theo dòng thời gian, cùng với lịch sử của đất nước Lào, truyền thuyết dân gian Lào từng cho rằng, vị vua tên Khun Cheung - đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù thành công. Và để ăn mừng chiến thắng, ông cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo lao lao. Dân tộc Lào Thinh của Lào sinh sống nhiều ở vùng đồi núi Xiêng Khoảng (ở Việt Nam gọi là người Khơ Mú) thì luôn tin rằng những cái chum trên đỉnh núi, là do tổ tiên của họ tạo nên và tổ tiên của họ là người đầu tiên đặt chân trên những đỉnh núi đó, ...Còn theo các nhà khảo cổ học, trong đó có nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani thuộc Viện Viễn đông Bác cổ (École Française d’Extrême Orient), từng nghiên cứu về địa danh lịch sử này thì: nơi đây đã từng có rất nhiều hang động với các di tích, bao gồm cả xương và tro bị đốt, đồ trang sức,v.v.. của con người, đã sống cách đấy khoảng 400-600 năm, nằm gần những chiếc chum. Trong một kết quả nghiên cứu của minh, cuốn Mégalithes du Haut-Laos (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào, năm 1935), bà Madeleine Colani khẳng định những chiếc chum khổng lồ này, không phải dùng để ủ rượu vì chẳng có dấu vết nào chứng minh điều đó. Theo bà, mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết. Giả thuyết này càng được “củng cố” và đến gần với sự thật hơn, khi bà và các nhà khoả cổ học đã phát hiện ra những dấu vết xương, răng người, những vòng tay bằng đồng thau, những chuỗi hạt bằng thủy tinh và đá carnelian... trong những chiếc chum khổng lồ, những nồi đất đựng xương người chôn xung quanh chum.
|
Hang đá vôi trên Cánh đồng Chum |
Bên cạnh đó, một cái động trong đồi đá vôi gần Bản Ang, lòng động xuyên thẳng lên đỉnh đồi như hai ống khói tự nhiên, vết nám đen trên vách.... gần như là một minh chứng “sinh động” của một cái lò hỏa thiêu người chết. Tiếp đó, khi nghiên cứu về các bộ tộc Lào, trong đó có bộ tộc Phuôn, cư dân của vùng đất Siêng Khoảng, bà Madeleine Colani đã phát hiện thêm phong tục chôn người chết trong chum (mộ chum) theo truyền thống của người Phuôn, trùng hợp với thời kỳ Cánh đồng Chum hình thành.
|
|
Bên Cánh đồng Chum |
Cánh đồng Chum Bản Ang nổi tiếng nhất, với 334 chum to nhỏ khác nhau, giống như một bàn cờ, và những cái chum đó giống như những quân cờ, quân thì nghiêng, quân thì dựng đứng, thật kỳ thú... Đi giữa cánh đồng Chum, mỗi người bằng những cảm nhận của riêng mình, tìm về lịch sử mảnh đất này qua dấu tích của những cái chum. Người thì chạm tay, người thì chụp ảnh với những cái chum - với những khối đá sần sù lạnh lẽo, không chỉ nằm yên lặng trên nền đất cháy xám, mà còn câm lặng trước những nguy hiểm luôn rình rập quanh mình (đó là khối lượng lớn những bom mìn Hoa Kỳ đã ném xuống mảnh đát này và chưa thể nào tháo gỡ hết). Và, tôi bỗng ước mong những ý tưởng, những dự định của Bà Julie Van Den Bergh - nhà khảo cổ tham vấn cho tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự án nghiên cứu Cánh đồng Chum, với lịch sử và đất nước, con người Lào rằng: Bà đang chuẩn bị cho việc giới thiệu các di tích của Cánh đồng Chum, với mục đích thực hiện việc bảo tồn Di sản thế giới cho khu vực này. Chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện về nguồn gốc những cái chum chưa có hồi kết lại càng khiến cánh đồng Chum hấp dẫn khách du lịch. Theo dự kiến, đến năm 2015, Lào sẽ đệ trình UNESCO công nhận Cánh đồng Chum là Di sản văn hoá thế giới nhanh chóng trở thành hiện thực. Để bí mật của cánh đồng Chum cũng giống bí mật của các tượng người trên đảo Phục Sinh (Easter, ở Nam Thái Bình Dương, thuộc nước Chile), đó là ai làm ra các chum ấy? Tại sao làm? và làm khi nào? sẽ được giới khoa học nghiên cứu và giải đáp.
2. Những cái chum, đa phần không có nắp, có hình dạng vuông tròn khác nhau, cái đứng hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất, đây đó có những cai đã vỡ, thủng đáy hoặc sứt mẻ; và một hang động đầy những dấu tích của hố bom, đạn pháo phía trước (đã từng là nơi trú ẩn của những lãnh tụ Pathét lào) là dấu tích của một thời “đạn bom” và khát vọng hoà bình của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Xiêng Khoảng xưa từng là một trong những chiến trường khốc liệt và Cánh đồng Chum cũng đã từng là nơi đế quốc Mỹ thực hiện thí điểm học thuyết “Lào hoá chiến tranh”. Mảnh đất nơi đây đã từng hứng hơn 3 triệu tấn bom đạn các loại,
|
|
Chiếc chum duy nhất còn nắp |
Chiến tranh đã lùi xa, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum bây giờ đã đổi thay rất nhiều, nhưng trên mảnh đất ấy, trong lòng đất ấy, vẫn ẩn chứa biết bao sự kiện, con số, và cả những huyền thoại của tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, gắn bó của liên quân Lào- Việt, hàm chứa trong rất nhiều trận đánh. Đó là những chiến dịch mà trong đó liên quân Việt Nam – Lào đã vượt mọi khó khăn, không nề hà hiểm nguy, từng bước đánh lui quân địch, giữ vững thế cách mạng ở Lào, góp phần bảo vệ cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển. Đó là một địa chỉ Đỏ, một trong rất nhiều các Di tích cách mạng, để muôn đời các thế hệ con cháu mai sau của Việt Nam và Lào hành hương, tìm về./.