Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 30/11/2010 21:32'(GMT+7)

Phát triển du lịch văn hoá: Giàu tiềm năng, nghèo ý tưởng

Huế là điểm đến du lịch hấp dẫn với những di tích có một không hai tại Việt Nam.

Huế là điểm đến du lịch hấp dẫn với những di tích có một không hai tại Việt Nam.

Quả ngọt bị lãng quên

Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục..., gần đây, du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Có thể khẳng định, tài nguyên du lịch văn hoá của Việt Nam hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc. Hiện nay cả nước có khoảng trên 40.000 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, hơn 5000 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Việt Nam có những di sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị quốc tế nổi bật. Từ 1993-2009, UNESCO đã tôn vinh 6 di sản di sản văn hoá và thiên nhiên nước ta là di sản thế giới. Ngoài ra, một số văn hoá phi vật thể cũng được tôn vinh như: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù.

Bên cạnh đó là phong phú về lễ hội, đặc sắc về văn hoá nghệ thuật, tinh tế về nghệ thuật ẩm thực, tinh sảo về các nghề thủ công truyền thống cùng với sự đa dạng văn hoá của 54 dân tộc anh em. Những lễ hội dân gian mang màu sắc nông nghiệp, các công trình kiến trúc, ẩm thực, văn hoá ngệ thuật cũng mang đặc trưng riêng. Đến nay, cả nước có trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ và hàng ngàn làng nghề thủ công truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay, các di sản văn hoá ở Việt Nam mặc dù đã được chú trọng đầu tư để phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, tuy nhiên so với tiềm năng thì việc khai thác chưa đạt hiệu quả chưa cao. Một câu hỏi được đặt ra: Mặc dù rất giàu tiềm năng về du lịch văn hoá, nhưng tại sao Việt Nam vẫn chưa thể là “điểm đến”?

Nỗi lo thành hiện thực

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển phần lớn không dựa vào những đầu tư để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc.

Những nguồn lợi trên không tạo ra giá trị lớn cho ngành du lịch, nhưng lại đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những quốc gia phát triển mạnh du lịch văn hóa là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ.... Nhưng ở nước ta, không những du lịch văn hoá chưa được khai thác tốt, mà nguy cơ “mất tiềm năng” lớn này lại rất cao khi chưa được quan tâm đúng mức.

Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, đến giữa tháng 3/2009, qua báo cáo của 38 tỉnh, thành phố, có 9 làng nghề phá sản; 124 làng nghề sản xuất cầm chừng, khoảng 2.166 hộ kinh doanh và 2 doanh nghiệp phá sản, 468 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, nhưng thực tế có thể khó khăn hơn nhiều.

Thực tế, theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, nhiều di sản có giá trị nhưng chưa biết kết hợp hài hoà giữa bảo tồn và khai thác nên đã bị xuống cấp nặng. Ngay cả các di sản đã được công nhận là di sản thế giới, việc đầu tư phát triển du lịch cũng lộn xộn, thiếu kế hoạch và cần phải xem xét một cách tổng thể. Nhiều làng nghề truyền thống bị mai một, chưa được khôi phục và phát triển do chưa biết gắn kết với phát triển du lịch.

Cần thấy rõ một điều, du lịch văn hóa là xu hướng của nhiều nước. Loại hình du lịch này rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, rất tốt cho hoạt động xóa đói giảm nghèo quốc gia, vì vậy phải được xem là hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Dẫu biết là vậy, nhưng sức bật của du lịch văn hoá vẫn còn rất èo uột và bài toán này phải có một lời giải đầy đủ./.

(Theo: Ngọc Thành/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất