Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 23/11/2010 21:0'(GMT+7)

Nhân đọc bài “Đặc sắc văn hóa Khmer Nam bộ” (*): Tín ngưỡng xem trọng ông Cả ở chùa

Đua ghe ngo trong lễ hội Ok om bok.

Đua ghe ngo trong lễ hội Ok om bok.

Huyện Trà Cú của tỉnh Trà Vinh có 42 chùa Khmer, mỗi chùa rộng vài ha (vuông đất của chùa) có hàng rào xi măng và cây xanh. Trong chùa đa phần trồng sao, dầu, ít cây ăn trái, một ít bông hoa, vì vậy sân chùa rất rộng.

Theo tập quán của người Khmer, chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của con sóc (phật tử). Trong năm, người Khmer có 3 lễ lớn là: Chol chnăm Thmay (lễ chịu tuổi - giống Tết Nguyên đán ÂL). Đônta (đôntà), giống lễ Vu Lan của Phật giáo Bắc Tông; Ok om bok: mừng lúa mới, có cốm dẹp…
 

Các lễ này, người Kinh, Khmer gì cũng tựu về sân chùa rất vui. Chol chnăm Thmay có cả tắm Phật, Ok om bok có thả đèn gió. Tỉnh tổ chức đua ghe ngo ở sông Long Bình (nằm trong TP Trà Vinh). Tối ở chùa có văn nghệ Khmer, đàn ngũ âm được đánh gần như suốt đêm, thanh niên nam nữ múa Lâm thôn, Dù kê…

Lễ Ok om bok ban ngày tỉnh tổ chức đua ghe ngo, chiều và tối tại ao Vuông (ao Bà Om) lại tổ chức thả đèn gió, dân các huyện về dự chen chân muốn không lọt.

Chùa Khmer là nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của con sóc, chùa là nơi tu học, nơi hình thành nhân cách, cho nam thanh niên (nữ không được đi tu), con trai tới tuổi nào đó cha mẹ đưa vào chùa tu học, có như vậy dân trong sóc mới xem thanh niên đó trưởng thành (các cô gái mới để ý tới, khi hoàn tục dễ dàng cưới được vợ hơn)…

Trong nhà nếu có người thân qua đời (ông, bà, cha, mẹ…) thì phải có một người con trai hay một đứa con trai xuống tóc vào chùa tu, gọi là tu báo hiếu, không ràng buộc thời gian tu (có thể vài ngày, vài tháng hoặc nhiều hơn nữa…).

Chùa cũng là nơi sinh hoạt chính trị, chính quyền địa phương có thể mượn khuôn viên chùa để tập họp dân, tập họp con sóc triển khai chính sách, pháp luật, nghị quyết, chủ trương mới…; họp cử tri để vận động bầu cử, từ bầu cử Quốc hội tới HĐND 3 cấp; để đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gặp gỡ cử tri trước và sau mỗi kỳ họp.

Tôi còn được biết, trước giải phóng, chính quyền Sài Gòn vào chùa bắt quân dịch trong sư sãi, chỉ cần một sư ra đánh một hồi trống thì con sóc tụ vào chùa và sẽ vô hiệu việc bắt quân dịch trong các sư sãi. Hoặc nếu có kẻ xấu vào chùa sách động, quấy nhiễu thì sư sẽ đánh trống cầu cứu, con sóc sẽ tụ lại giải vây, bảo vệ chùa (trống đánh cầu cứu khác hơn trống đánh trong dịp các lễ hội).

Vào những lễ hội lớn của dân tộc Khmer hoặc gia đình có người qua đời, sau khi đưa đi hỏa thiêu về, gia đình có làm đám phước. Đám phước tùy theo gia cảnh mỗi nhà mà quy mô lớn nhỏ, kéo dài từ 1 đến 2, 3 ngày; mọi người quen thân có thể đến dự đám dùng cơm, cúng tiền cúng quà. Cuối cùng xong đám, gia đình gom hết tiền quà đã nhận được đem dâng hết vào chùa.

Có nhiều Việt kiều gốc Khmer về nước thăm quê, bỏ vài trăm đến vài ngàn USD làm đám phước tại nhà cha mẹ đẻ và sau đó mọi thứ nhận được dâng hết vào chùa. Phong tục này không thể thiếu được khi gia đình làm ăn khá giả hoặc khi trúng mùa vụ. Sau khi thu hoạch, gia chủ đến gặp ban quản trị chùa xin ngày giờ để tổ chức đám phước, ban quản trị chùa sẽ cho biết chính xác thời gian (thường thì một hay hai năm sau hoặc nhiều hơn, mới đến lượt gia đình mình). Đã có lịch cho gia đình làm phước rồi, dù làm ăn có thuận lợi hay không, cũng tổ chức đúng ngày.

Phật giáo Khmer là Phật giáo theo phái Nam Tông, tiểu thừa (người nào tu thì người đó hưởng phước). Chỉ có con trai mới đi tu, ngày đưa con vào chùa tu học, gia đình và chùa làm lễ quy y, trong đó có “dâng y cà sa”.

Thời gian đầu chú tiểu này tập dùng cơm (ăn) mỗi ngày một bữa, rất vất vả vì chưa quen (dễ bị các sư huynh phạt vì lén dùng thêm một bữa). Sau giờ Ngọ, các sư sãi chỉ có thể dùng thức uống (uống sữa, uống nước cam, uống cà phê…). Cơm các sư dùng là con sóc dâng, gọi là các sư “đi bát” (như khất thực của phái Khất sĩ Bắc Tông vậy). Phật tử dâng thức ăn gì thì dùng nấy (không nhất thiết chay lạt). Trong chùa chỉ có nấu nước pha trà, pha sữa thôi.

Nữ không được vào chùa quy y, nhưng nữ có thể “đi thiếp”. Khách tham quan vào chùa Khmer thấy những thum bằng lá, cất như nhà sàn, vừa khít một vạt tre, thì đó là nơi để các nữ phật tử đi thiếp (nữ đến tuổi trưởng thành là đi thiếp được). Phần lớn là các cụ lớn tuổi - và người nào đã đi thiếp xong đều được mọi người trong sóc rất trân trọng và gọi là “Dầy”.

Đối với người dân Khmer, Ông Cả, các sư trong chùa rất có uy tín và được mọi người vâng lời. Do đó khi xuống dân vận động, phổ biến chủ trương gì đấy, cán bộ thường đến chùa gặp sư cả trước để vận động sư hưởng ứng và giúp nói với dân trong sóc. 12 năm dạy học tại huyện Trà Cú (huyện đông dân tộc Khmer sinh sống nhất), tôi học được câu nói từ các cán bộ các xã: “Lời nói của bí thư xã thua lời nói của ông Cả ở chùa”.

(*) Báo SGGP đăng ngày 3-11-2010. 

VƯƠNG NGƯƠN ĐÁN-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất