Những ngày gần đây, một bộ phận cư dân mạng
đang xôn xao chia sẻ một danh sách mang nội dung khá giật gân: “Bảng
xếp hạng giang hồ Việt Nam”. Đáng chú ý, để có mặt trong bảng xếp hạng
“máu mặt” nêu trên, bên cạnh việc chứng minh thành tích bất hảo đã được
kiểm chứng qua tiền án, tiền sự liên quan hành vi gây rối trật tự công
cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, tàng trữ và sử dụng vũ khí
trái phép,... còn có yêu cầu nhân vật phải tạo được ảnh hưởng trên các
mạng xã hội như: Youtube, Facebook... Cá biệt, vài người trong bản danh
sách trên còn sở hữu lượng người hâm mộ không thua kém nhiều ngôi sao
giải trí nổi tiếng trong nước. Theo tuyên bố của Khá “Bảnh” - nhân vật
có “số má” trong bảng xếp hạng giang hồ, chỉ tính riêng thu nhập từ
trang facebook cá nhân cùng hai kênh Youtube của anh ta đã lên đến hàng
trăm triệu đồng một tháng. Nhiều video của Khá “Bảnh” đều thu hút hàng
triệu lượt xem, hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Trong đó, video quay lại cảnh Khá “Bảnh” mãn hạn tù thu hút tới 12
triệu lượt xem. Thậm chí, bộ phim ngắn “Tình anh em” của người này còn
đứng đầu danh sách thịnh hành trên Youtube trong một thời gian với 48
triệu lượt xem. Điều đáng nói, không chỉ riêng Khá “Bảnh” và một số nhân
vật có mặt trong bản danh sách nêu trên, việc quay video và
livestream về các chủ đề bạo lực, tội phạm dường như đang trở thành việc
hái ra tiền của một số thành phần bất hảo trong xã hội.
Đối chiếu từ
những nội dung được các cá nhân, tổ chức này thường xuyên đăng tải trên
mạng xã hội, người xem không khỏi giật mình về các nội dung độc hại của
chúng.
Tự nhận là “giang hồ 4.0” chỉ còn kiếm tiền lương thiện trên mạng xã
hội nhưng qua những gì được thể hiện, có thể thấy bản chất côn đồ, lưu
manh của số người này vẫn không hề thay đổi. Khác với những tội phạm
“non kinh nghiệm”, các tổ chức, cá nhân nói trên không ngang nhiên ghi
lại hành vi gây án của mình như vụ việc 10 thanh niên ngông cuồng cầm
hung khí chặn ôtô xin tiền và thách thức cảnh sát, xảy ra vào cuối năm
2017 để rồi kết cục phải nhận lấy những kết cục thích đáng. Thay vào đó,
ngoài việc công khai “danh tiếng” tù tội và thành tích bất hảo (vốn là
những thông tin mà cả xã hội đã biết) để thu hút sự chú ý của dư luận,
họ tạo dựng danh tiếng cho mình dưới lớp vỏ doanh nghiệp “hỗ trợ tài
chính”, mà thực chất là hành vi cho vay tín dụng đen. Thông qua Youtube,
Facebook và gần đây là Zalo, các tổ chức “hỗ trợ tài chính” này vừa
khẳng định “uy tín” của chúng, vừa đe dọa những con nợ không may rơi vào
vòng xoáy tín dụng đen. Những người không có khả năng thanh toán lãi
suất đã bị họ tìm đến tận gia đình, thản nhiên “livestream” trước cộng
đồng mạng để dằn mặt, xúc phạm danh dự cá nhân và người thân.
Cùng với cho vay tín dụng đen, các nhóm người này còn lợi dụng mạng
xã hội để quảng cáo các hình thức cờ bạc, từ công cụ hỗ trợ gian lận đến
các phần mềm dự đoán. Đáng chú ý, tín dụng đen và cờ bạc chỉ là hai
trong số nhiều chủ đề xấu khác mà các nhóm, các cá nhân giang hồ này
hằng ngày truyền bá, nhằm tiêm nhiễm vào nhận thức của một bộ phận người
theo dõi trên Youtube, Facebook.
Thông qua mạng xã hội, các nhóm và cá
nhân này cũng công khai giới thiệu nhiều công việc, dịch vụ khác mà họ
bảo đảm cung cấp từ kinh doanh đa cấp, buôn bán hàng giả, hàng nhái đến
bảo kê nhà hàng, khách sạn.
Đó là chưa kể hiện tượng trong các nhóm kín
(close group), nhóm riêng tư (private group) trên Facebook, một số nhóm,
cá nhân đã và đang buôn bán, trao đổi những mặt hàng cấm và đặc biệt
nguy hiểm như ma túy, tiền giả, hay vũ khí quân dụng.
Trên thực tế, sự lan truyền cũng như những tác động tiêu cực từ các
thông tin, phát ngôn, hình ảnh chứa yếu tố bạo lực, liên quan các chủ đề
tội phạm, xã hội đen, giang hồ đối với một bộ phận xã hội, vốn từ lâu
đã là một hiện tượng gây nhức nhối trong bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội. Các năm gần đây những nguy cơ đó đang có chiều hướng lan rộng do
được một số mạng xã hội tiếp tay. Bởi lẽ, nội dung của dòng “nhạc tù”,
phim, tiểu phẩm “xã hội đen” trên mạng xã hội chỉ nhằm cổ súy lối sống
lầm lạc, bao biện hành vi phạm tội của các thành phần bất hảo, đổ lỗi
cho các nguyên nhân khách quan, không nhìn thẳng vào sự thật là tội ác
nảy sinh từ sai lầm của chính họ, từ lối sống bất chấp luật pháp, chuẩn
mực xã hội.
Thay vì khuyên nhủ những thân phận lầm lỡ tái hòa nhập với
xã hội, làm lại cuộc đời, những bộ phim, bài hát được đưa lên mạng xã
hội cho thấy những cá nhân này tiếp tục nhìn nhận cuộc đời một cách lệch
lạc, bi quan. Với một bộ phận cư dân mạng còn trẻ, nhất là người trong
độ tuổi vị thành niên, những bộ phim, bài hát ấy chẳng khác nào liều
thuốc độc, ban đầu chỉ là để thỏa mãn sự tò mò, khách lạ, nhưng lâu dần
sẽ là nguy cơ bị dẫn dắt, kích động sa vào con đường lầm lạc.
Tính chất
độc hại, xấu xa và tiêu cực của các sản phẩm này được minh chứng, thể
hiện rất cụ thể qua hiện tượng thanh, thiếu niên phạm tội do tác động từ
phim ảnh bạo lực đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam và trên thế
giới.
Cũng từ lý do ấy, giới tội phạm đang ngày càng quan tâm tới vai
trò, ảnh hưởng của truyền thông với mục đích, hành vi, hành xử xấu của
họ. Với nhiều đối tượng xấu, mạng xã hội là nơi tạo ra cơ hội béo bở
giúp tiếp cận nạn nhân, thu nạp đệ tử, phô trương thanh thế, nhưng lại
không cần mất nhiều thời gian, tiền bạc, vật lực. Thậm chí, đã có người
trong số này còn cộng tác với một số ca sĩ, nghệ sĩ cùng thực hiện các
dự án phim, sản phẩm âm nhạc ca ngợi cuộc đời lưu manh, giang hồ, tù
tội...
Ở chiều ngược lại, với một bộ phận khán thính giả vốn bị tiêm
nhiễm bởi các sản phẩm bạo lực, đồi trụy lại nảy sinh nhu cầu trò
chuyện, giao lưu trực tiếp với những cá nhân, tội phạm bất hảo cụ thể
như để được hiện thực hóa giấc mơ phi nhân tính. Đã có một số người công
khai bày tỏ nguyện vọng được “các anh chị lớn” thu nạp, thành đệ tử,
tay sai trong các băng nhóm, tổ chức xã hội đen.
Hiện tượng băng đảng tội phạm sử dụng mạng xã hội để thực hiện các
hành vi xấu là vấn nạn chung mà Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới
đang phải đối mặt.
Trong bài viết “Các ý kiến chuyên môn về mối liên
quan giữa truyền thông xã hội với hành vi bạo lực của giới trẻ” đăng
trên tờ Guardian (Người bảo vệ) ngày 2/4/2018, Tiến sĩ S. Harding
(S.Ha-đinh) - giảng viên cao cấp về tội phạm học của Trường đại học
Middlesex cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu cảnh báo về việc các băng đảng
sử dụng phương tiện truyền thông xã hội từ bốn năm trước. Kể từ đó, mỗi
năm số lượng băng đảng dùng mạng xã hội lại tăng lên gấp đôi. Thật khó
để ước tính một số liệu cụ thể song tất cả các băng đảng mà tôi biết đều
hiện diện trên mạng xã hội. Nhiều người trẻ tuổi hoàn toàn bị đắm chìm
trong mạng xã hội”.
Tương tự, tờ US News (Tin tức nước Mỹ) thì khẳng
định: “Facebook, Twitter, Instagram và nhiều mạng xã hội khác đang làm
thay đổi hoàn toàn văn hóa băng đảng ở Chicago (…). Theo số liệu từ Ủy
ban Tội phạm Chicago, dùng mạng xã hội để hăm dọa kẻ thù và buôn bán ma
túy là sự thay đổi lớn nhất trong phương thức hoạt động của các nhóm tội
phạm trong 10 năm qua”.
Ở nước ta, vẫn chưa có thống kê cụ thể về số lượng các băng đảng, tổ
chức tội phạm sử dụng mạng xã hội. Nhưng căn cứ vào số lượng người theo
dõi, chia sẻ video hình ảnh của các băng đảng xã hội đen trên mạng xã
hội đã lên đến hàng triệu lượt thì có cơ sở để hết sức cảnh giác cũng
như có biện pháp ngăn chặn hiệu quả mức độ nguy hiểm và khó lường của
chúng.
Với sự hiện diện công khai của các thành phần bất hảo trên mạng
xã hội, thách thức đặt ra với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ
quan cảnh sát là vô cùng lớn. Các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực này
như Facebook, Youtube, Twitter cũng trực tiếp liên đới trách nhiệm, bởi
sự lỏng lẻo trong quản lý nội dung đăng tải, chia sẻ trên các mạng xã
hội là nguyên nhân chính dẫn đến việc giới tội phạm đang làm mưa làm gió
trong “thế giới ảo”.
Hiện nay, trong nhiều trường hợp, các công cụ, bộ
lọc của Facebook, Youtube, Instagram và nhiều mạng xã hội phổ thông khác
đang có vẻ lạc hậu, không theo kịp sự ranh ma của giới tội phạm. Bộ
phận xử lý sai phạm của các mạng xã hội này dường như nhiều khi còn làm
ngơ, bỏ qua các thông báo, cảnh báo của người dùng về hoạt động của
những cá nhân, tổ chức tội phạm. Cùng với những yếu kém này, việc nhiều
thanh niên, đặc biệt là trẻ vị thành niên tự do sử dụng internet mà
không có sự giám sát của cha mẹ, người thân đã khiến cho mức độ nguy
hiểm và ảnh hưởng của giới tội phạm trên mạng xã hội càng khó lường...
Thực tế, cũng như nhiều phương tiện, công nghệ khoa học kỹ thuật
khác, mạng xã hội được tạo ra nhằm mục đích cung cấp các tiện ích, cải
thiện chất lượng cuộc sống của con người. Nhưng khi các phương tiện này
bị các đối tượng tội phạm lợi dụng thì cần phải có biện pháp ngăn chặn
kịp thời. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng,
trách nhiệm của các mạng xã hội, sự quan tâm của gia đình, sự thận trọng
tỉnh táo của mỗi cá nhân khi tiếp xúc các nội dung đăng tải trên mạng
xã hội.