(TG) - Phát biểu kết luận hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hoàng Trung Phong yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Vưà qua, Tỉnh ủy Cao Bằng đã tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Dự hội nghị có các đồng chí Hoàng Trung Phong, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đàm Văn Eng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Công Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, Thành phố.
Thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 12/8/1998 của Bộ Chính trị, về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (NQTW5) khoá VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ban hành kế hoạch số 43-KH/TU ngày 23/8/1998 và các chương trình hành động để tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện NQTW5 (khoá VIII). Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh nghiêm túc triển khai và nhân dân các dân tộc đón nhận thực hiện. Sau 15 năm triển khai, tỉnh Cao Bằng đạt được một số kết quả nổi bật sau:
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống có chuyển biến. Cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nghiêm túc thực hiện 10 nhiệm vụ và 04 nhóm giải pháp mà Nghị quyết đề ra.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với các tiêu chí mới trong hương ước, quy ước của làng xóm, tổ dân phố về nếp sống văn hóa mới dần đi vào đời sống đã tạo nên những chuyển biến tích cực: Tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức vươn lên trong cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được phát huy; Việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức tiết kiệm, văn minh; Ý thức bảo vệ môi trường được cải thiện rõ rệt, tạo thói quen trong bảo vệ môi trường xanh, sạch, văn minh… Từ đó, diện mạo đời sống văn hóa mới được biểu hiện rõ, tỷ lệ số gia đình đạt chuẩn văn hóa, số làng văn hóa, cơ quan văn hóa mỗi năm một tăng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Cụ thể: Số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” tăng từ 25% (năm 1998) lên 77% (năm 2012); tổ dân phố văn hóa từ 30% (năm 2003) lên 47% (năm 2012); số lượng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa từ 22% (năm 2003) lên 88% (năm 2012); nhà văn hóa tổ xóm từ 8,3% (năm 2004) lên 60,1% (năm 2012)...
Sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống trường lớp được mở rộng từ 350 trường mầm non và phổ thông (năm 1998) lên 625 trường mầm non và phổ thông (năm 2012). Đến nay, toàn tỉnh có 79/199 xã (39,7%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; số phòng học kiên cố bao gồm: Cấp tiểu học có 46,15%, cấp THCS có 86,48%, cấp THPT có 94,35%. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, hằng năm tỷ lệ học sinh lên lớp, thi tốt nghiệp các cấp học toàn tỉnh đạt kết quả cao từ 85% - 96%, nhiều trường đạt 100%.
Việc sáng tác văn học, nghệ thuật cũng có nhiều khởi sắc, xuất hiện các tác phẩm hay có giá trị nội dung, nghệ thuật cao. Năm 1998, Hội văn học nghệ thuật tỉnh có 50 hội viên đến năm 2012 đã có 82 hội viên; có 07 chi hội chuyên ngành, sáng tác được nhiều tác phẩm, với nhiều thể loại. Từ 1998 đến nay Hội văn học nghệ thuật tỉnh có 163 tác phẩm, trong đó có 25 tác phẩm đoạt giải thưởng cấp Nhà nước.
Công tác tuyên truyền bảo vệ các khu di tích, danh lam thắng cảnh được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Hiện nay tổng số di tích và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh là: 214 di tích, di tích đã được xếp hạng: 91 di tích, trong đó 29 di tích xếp hạng cấp Quốc gia (có 01 di tích quốc gia đặc biệt), 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá luôn được tỉnh chú trọng thông qua việc các đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu, các giá trị văn hóa, văn học – nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của dân tộc và tăng cường thông qua hoạt động của Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Được thành lập tháng 6/2011 với 75 hội viên, đến năm 2012 Hội đã phát triển được gần 200 hội viên tích cực hoạt động phục vụ quần chúng nhân dân trong các ngày lễ, kỷ niệm trong năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt nghị quyết; rà soát đầu tư kinh phí hỗ trợ xây dựng các nhà văn hóa thôn, bản phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ văn hóa cơ sở, gắn với tăng cường kiểm tra thực hiện nghị quyết và kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân các danh hiệu văn hóa tiêu biểu trong phong trào.
Tại hội nghị 18 tập thể, 25 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Lý Thị Hoa