Thứ Bảy, 28/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 30/1/2012 16:9'(GMT+7)

Cao Bằng triển khai Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”

Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng giai đoạn 2006-2020.

Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng giai đoạn 2006-2020.

Trong những năm qua thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Cao Bằng đã có bước phát triển khá toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của Cao Bằng, như: nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chưa phát huy tốt nguồn lực cho sự phát triển sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo còn cao đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và sự chênh lệch về mọi mặt giữa nông thôn, thành thị còn phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.

Để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn cấp xã; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới, Cao Bằng triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” nhằm phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Cao Bằng gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2015 là: Toàn tỉnh phấn đấu có 30% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó 15% dân số nông thôn tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. 80% xóm có nhà văn hóa, trong đó 20% nhà văn hóa và khu thể thao xã; 50% nhà văn hóa và khu thể thao xóm đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 80% gia đình đạt chuẩn văn hóa, trong đó 60% trở lên giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa” và trên 0,5% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 52% xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, trong đó 50% trở lên giữ vững và phát huy danh hiệu “Làng văn hóa” và trên 15% làng văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới. 100% hộ gia đình thường xuyên vệ sinh sạch sẽ gầm sàn nuôi gia súc, phấn đấu có 50% trở lên hộ gia đình di rời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà. 80% trở lên nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa. 100% cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

Đề án nêu rõ định hướng đến năm 2020 là: Tiếp tục củng cố và nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015; phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về xây dựng văn hóa nông thôn cấp xã, trong đó có 100% xóm có nhà văn hóa và khu thể thao, trong đó 70% nhà văn hóa đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 70% số xóm trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nội dung của Đề án hướng đến việc nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, theo đó nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa gia đình, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”; phổ biến nhân rộng mô hình gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn; nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của gia đình văn hóa. Xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực ở nông thôn hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, kỷ cương, nề nếp, có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, có tinh thần tương thân, tương ái, tính tự quản, dân chủ và năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng.

Đồng thời, Đề án cũng chú trọng việc nâng cao chất lượng làng văn hóa, theo đó nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa văn hóa làng, tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa, ý thức và vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Làng văn hóa”; phổ biến nhân rộng mô hình làng văn hóa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề phụ; huy động được nội lực của người dân nông thôn xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới. Xây dựng làng văn hóa bền vững, thực sự là những điểm sáng về văn hóa ở nông thôn, theo đó thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, thu hút người dân nông thôn tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn; xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Đề án nêu rõ tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã như: Có từ 70% xóm trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 100% xóm có nhà văn hóa và khu thể thao, trong đó 70% nhà văn hóa đạt quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Môi trường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường ... làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Nội dung của Đề án cũng tập trung vào vấn đề đảm bảo diện tích đất sử dụng theo đúng quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; từng bước xây dựng các thiết chế Đài truyền thanh, thư viện, phòng thông tin, các câu lạc bộ, trung tâm học tập cộng đồng, nhà tập luyện và thi đấu thể thao, sân tập ngoài trời thuộc trung tâm văn hóa, thể thao xã... Phát triển nhà văn hóa, khu thể thao ở cấp xóm gắn với phong trào xây dựng làng văn hóa; xây dựng hạt nhân văn hóa, thể thao làm nòng cốt để duy trì thường xuyên các hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao cấp xóm và tăng cường các hoạt động sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, các chương trình tuyên truyền về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; có hình thức tôn vinh các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa dân tộc; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn tham gia sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống; thành lập các đội văn nghệ xã, xóm theo phương thức xã hội hóa; ổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn: liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi các môn thể thao, giải thi đấu các môn thể thao truyền thống,...

Để thực hiện thành công Đề án, nhóm giải pháp cần được thực hiện là:

Thứ nhất là thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” từ tỉnh đến cơ sở

Gắn chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” với chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; phối hợp đồng bộ cùng Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ngành liên quan thực hiện Đề án.

Trước mắt, mỗi huyện, thị cần chỉ đạo thí điểm và nhân rộng mô hình phát triển văn hóa nông thôn cấp xã giai đoạn từ năm 2012 – 2015; tiếp tục củng cố và nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hưởng thụ, tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong quá trình triển khai Đề án, phải tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm hàng năm, để khen thưởng và động viên kịp thời các cá nhân, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt Đề án, tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn

Theo đó, các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và người dân ở nông thôn về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phát huy tình thần chủ động, tích cực nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển văn hóa nông thôn. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn vào Nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đồng thời tăng cường sự phối hợp hoạt động, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; nghiên cứu và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn về phát triển văn hóa nông thôn và đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân ở nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ ba là tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn

Động viên toàn dân tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ” và cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xem đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn. Sử dụng ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) đầu tư 100% kinh phí xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xóm (thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn)...

Thứ tư là tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa về xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn

Tiếp tục tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn của tỉnh theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp luật thuộc chương trình 135 giai đoạn 2; lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn, nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở, tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.

Trùng Khánh





 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất