Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 29/7/2013 17:37'(GMT+7)

Cấp bách tái cấu trúc nông nghiệp phát triển ĐBSCL

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Ngày 29/7, tại Thành phố Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương do ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ về tình hình công tác 6 tháng đầu năm 2013 cũng như các vấn đề có tính chiến lược để phát triển nhanh, bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vương Đình Huệ đã thông báo tóm tắt những hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương vừa mới tái lập cũng như một số công tác sắp tới của ban, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của cả nước.

Ông cũng thống nhất với các giải pháp của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất, đó là cấp bách tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tái cấu trúc ngành nghề, tái cấu trúc khu vực, tạo điều kiện phát triển cho cả vùng. Ông mong muốn Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần phối hợp chặt chẽ trong việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng cơ chế hợp tác với từng chương trình hoạt động cụ thể như việc triển khai các nội dung, đề án, cơ chế chính sách đặc thù để phát triển đảo Phú Quốc. Ban Kinh tế Trung ương có cơ chế huy động các chuyên gia giỏi, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án trọng điểm của cả nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho những nông dân trồng lúa, nuôi cá tra, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các ngành, địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới cần tích cực hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hướng đến người tiêu dùng trong nước; triển khai các chương trình tránh thất thoát sau thu hoạch; chuyển đổi đất nông nghiệp từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác.

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho thấy: tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá, tình hình chính trị xã hội trong vùng giữ ổn định. Tuy nhiên, trong khu vực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: sản xuất nông nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là giá nông sản thấp, khó tiêu thụ, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động còn cao, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, thị trường bất động sản phục hồi chậm.

Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại chưa đạt yêu cầu, chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều địa phương chưa đạt kế hoạch. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất, kiến nghị với Trung ương cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường liên kết vùng, tăng cường đầu tư vốn để thực hiện các dự án trọng điểm nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, thành lập mới Tổng công ty Thủy sản do nhà nước quản lý để hạn chế rủi ro cho nông dân./.

Ngọc Thiện
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất