Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 28/7/2013 21:50'(GMT+7)

Tỷ giá, lãi suất: “Dậy sóng” sau động thái mới?

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

Động thái mới…

Sau nhiều cân nhắc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh hạ lãi suất chủ chốt và tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND/USD từ ngày 28/6/2013. Quyết định này được NHNN lý giải là qua theo dõi các cân đối thu chi ngoại tệ chủ yếu trong nền kinh tế vẫn diễn biến khá bình thường.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, cán cân thanh toán quốc tế diễn biến thuận lợi, nhập siêu chỉ ở mức 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong khi đó chỉ riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đã ở mức 5,7 tỷ USD, các nguồn thu ngoại tệ khác như kiều hối, đầu tư gián tiếp vẫn tiếp tục ở mức cao và dự kiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 thặng dư ở mức 5 tỷ USD. Trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng và doanh số giao dịch với khách hàng cũng không có đột biến.

Trong ngày 28/6/2013, ngày đầu tiên áp dụng mức tỷ giá mới, thị trường ngoại tệ và tỷ giá giao dịch diễn biến khá ổn định. Tuy nhiên, sau đó vào những ngày đầu tháng 7/2013, tỷ giá có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng được yết ở mức cao. Cụ thể, tại ACB, tỷ giá niêm yết phiên giao dịch cuối tuần là 21.110 - 21.230 đồng/USD (giá mua vào - bán ra); tại Techcombank cũng bán ra mức giá tương tự, nhưng giá mua vào rẻ hơn 10 VND/USD; tại Eximbank là 21.140 - 21.220 VND/USD; tại Vietcombank là 21.130/21.200 VND/USD... Như vậy, mức giá bán USD cao nhất tại các ngân hàng thương mại vẫn dưới mức trần 16 VND/USD. Giá USD trên thị trường tự do phổ biến 21.400 - 21.430 VND/USD.

Cùng với đó, có thể khẳng định, việc hạ lãi suất huy động thêm một lần nữa, đặc biệt lãi suất trần huy động từ mức 7,5% xuống trần 7%, lãi suất cho vay DN ở mức  9-10% là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Việc điều chỉnh giảm này nhằm thực hiện các mục tiêu kép đã được đề ra là đảm bảo sự phát triển của thị trường tiền tệ và giảm sức ép về vốn, lãi suất cho DN.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa: Thời gian qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu rất sát. Lạm phát vẫn ổn song cũng phải thấy rằng dù đã bơm ra nhưng tổng cầu vẫn rất yếu. Do đó, hạ lãi suất có thể xem là một động thái nỗ lực hơn nữa để tăng sức cầu nội địa, giảm sức ép vốn và lãi suất cho DN. Việc giảm giá  VND cuối tháng 6 vừa qua nằm trong lộ trình mà NHNN đã công bố năm nay không phá giá quá 2-3%. Thực tế, ta đang có đủ nguồn lực, tiềm lực để giữ được tỷ giá ở mức này, tránh cho nền kinh tế xáo trộn (xét trên dự trữ ngoại hối quốc gia). Bên cạnh đó, việc phá giá tiền đồng, tăng sức mạnh thêm cho USD là một trong những yếu tố khiến NHNN phải giảm lãi suất, để trợ sức khối kinh doanh. Lãi suất, cả huy động lẫn cho vay đều giảm, trong khi nếu USD phá giá mà không có điều chỉnh tương ứng, thì sẽ lệch pha. Vì thế lãi suất ngoại tệ và cả tỉ giá được neo vào USD cũng phải giảm và DN xuất khẩu sẽ được hưởng lợi kép, từ lãi vay USD thấp lẫn việc nguồn thu từ USD tăng.

Nhìn nhận về về tác dụng của việc điều chỉnh tỷ giá và lãi suất, HSBC cho rằng, “việc giảm trần lãi suất tiền gửi có thể tạo ra một cú hích cho tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ là một cú hích nhỏ. Có ý nghĩa hơn cả là những cải cách nhằm giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và nâng cao mức độ hiệu quả của các DN quốc doanh”. Cùng quan điểm trên, Capital Economics nói rằng “chỉ cắt giảm lãi suất sẽ là không đủ để vực dậy nền kinh tế. Cho tới khi giải quyết được những vấn đề trong hệ thống ngân hàng và dòng vốn tín dụng được khơi thông, tăng trưởng sẽ còn ở mức thấp”.

Cho thị trường những tháng cuối năm?

Phân tích, dự báo về diễn biến tỷ giá trong những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nguồn thu USD của các ngân hàng phụ thuộc khá nhiều vào động thái bán USD của các DN xuất khẩu hoặc đặt mua từ ngân hàng bạn. Còn NHNN thì liên tục bán vàng dự trữ nên phải chuẩn bị khá nhiều ngoại tệ để mua lại vàng ở nước ngoài, bù số vàng đã bán khiến nguồn cung USD từ NHNN gần như bằng không. Vì thế, nếu trong thời gian tới, nhu cầu USD tăng mạnh, NHNN không bán USD cho các NHTM thì thị trường ngoại tệ sẽ diễn biến rất khó lường.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của NHNN được tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra các yếu tố cơ bản sẽ tạo ra đường cong lãi suất và tỷ giá trên thị trường tiền tệ Việt Nam những tháng cuối năm 2013. Cụ thể: Với mục tiêu, lãi suất được điều hành linh hoạt theo lạm phát mục tiêu. Do đó, NHNN khó có khả năng hạ thêm lãi suất chủ chốt trong 6 tháng cuối năm và đây đã là mức hạ lãi suất... kịch kim, khi chỉ số giá tiêu dùng đo lường lạm phát dự báo sẽ ở mức 6,5-7%. Bên cạnh đó, nền kinh tế hiện vẫn đang gặp khó khăn và điều đó thể hiện ở khối DN giải thể, phá sản cũng như sức mua giảm trong nền kinh tế. Thực tế này đặt ra câu hỏi, liệu có dẫn đến một chính sách “hỗ trợ tăng trưởng mới” với nỗ lực cải thiện nguồn vốn giá rẻ, rẻ hơn được nữa hay không? Thực tế cho thấy, điều này là rất khó. Bởi lãi suất hiện đang được đánh giá là đã giảm về đáy khó có thể giảm xuống nữa.

Do vậy, nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, đường cong lãi suất và tỷ giá trong những tháng cuối năm khó có sự đột biến. Tuy nhiên, trong giai đoạn này NHNN vẫn cần phải thực hiện rất nhiều việc nhằm đưa thị trường về thế ổn định hpn, bền vững hơn. Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao lòng tin của thị trường đối với các tín hiệu chính sách; chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ cùng với việc củng cố vững mạnh các định chế tài chính để tạo nền tảng cơ bản cho việc hình thành lãi suất trên thị trường dựa trên quan hệ cung cầu, qua đó có thể hình thành đường cong lãi suất chuẩn; tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các NHTM phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy nhanh dòng chu chuyển vốn; Xử lý nghiêm những hành vi sai phạm giữ nghiêm kỷ luật thị trường./.

PV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất