Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 31/1/2016 16:5'(GMT+7)

Cập nhật tình hình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia

Các chuyên gia của JEPIC giới thiệu về quản lý môi trường khi xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhânvào vận hành. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Các chuyên gia của JEPIC giới thiệu về quản lý môi trường khi xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhânvào vận hành. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)


Theo IAEA, một quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân phải dựa trên cam kết sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, điều này đòi hỏi phải thiết lập cơ sở hạ tầng quốc gia bền vững gồm chiến lược, chính sách quốc gia, luật pháp, pháp quy, quản lý, công nghệ, nhân lực và công nghiệp hỗ trợ cho chương trình năng lượng hạt nhân suốt cả vòng đời của nhà máy điện hạt nhân.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết theo hướng dẫn của IAEA, cơ sở hạ tầng điện hạt nhân gồm 19 vấn đề cơ bản, mỗi vấn đề đều có tầm quan trọng và cần được xem xét cẩn thận. 

Việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân có những hoạt động phải hoàn thành phù hợp với 3 pha tiến độ của một dự án điện hạt nhân. 

Theo đó, pha 1 là nghiên cứu, cân nhắc, xem xét trước khi quyết định đưa ra thực hiện chương trình điện hạt nhân; pha 2 là những công việc chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau khi đã có quyết định về chính sách quốc gia; pha 3 là vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. 

Những khuyến dẫn, khuyến cáo của IAEA được đúc kết từ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các quốc gia thành viên qua hàng chục năm. 

Tuy nhiên, IAEA cũng lưu ý, để phát triển tốt cơ sở hạ tầng điện hạt nhân cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan và mỗi quốc gia tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, thời điểm và kịch bản của chương trình điện hạt nhân của mình để có thể vận dụng phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân một cách hiệu quả nhất cho quốc gia.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm, thời gian cho mỗi pha phụ thuộc vào mức độ cam kết và nguồn lực cần thiết phải có của quốc gia và tại Việt Nam các pha kéo dài từ 10-15 năm. 

Thuật ngữ “cột mốc cơ sở hạ tầng” để chỉ những điều kiện cần thiết chứng tỏ rằng pha đó đã được hoàn thành. 

Hiện Việt Nam đã hoàn thành cột mốc cơ sở hạ tầng số 1 và đang thực hiện pha 2 để tiến tới hoàn thành cột mốc số 2 là sẵn sàng cho việc mời thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Theo đánh giá của IAEA, trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, Việt Nam có nhiều bước tiến đáng ghi nhận nhưng hiện Việt Nam còn nhiều việc phải làm trước khi hoàn thành giai đoạn 2.

IAEA cũng đưa ra các khuyến cáo và đề xuất để Việt Nam tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2, trong đó tập trung vào 7 vấn đề trọng tâm gồm hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan; khuôn khổ pháp quy; kế hoạch phát triển nhân lực; hệ thống quản lý; vốn và tài chính; quản lý nhiên liệu đã sử dụng và chất thải phóng xạ; kế hoạch ứng phó sự cố quốc gia để giúp Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.

Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2241/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hoàn thành phê duyệt các dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; đảm bảo các điều kiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đảm bảo an toàn, an ninh, hiệu quả. 

Theo kế hoạch, Việt Nam cần thực hiện 12 dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt cho cơ sở hạ tầng điện hạt nhân sẽ được tiếp tục đến năm 2020 và 19 dự án, nhiệm vụ bổ sung cho cơ sở hạ tầng điện hạt nhân được thực hiện đến năm 2020. 

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách phục vụ phát triển điện hạt nhân, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, số lượng, chất lượng cho xây dựng, kỹ thuật và vận hành nhà máy điện hạt nhân đang được thực hiện.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân theo Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 15/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết​ để Việt Nam nhanh chóng hoàn thành cột mốc số 2, cần triển khai kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2020 theo đúng tiến độ. 

Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì các nhiệm vụ thuộc kế hoạch tổng thể cần tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án, nhiệm vụ. 

Đồng thời, Việt Nam đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA và các nước trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia, phù hợp với hướng dẫn của IAEA và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bảo đảm an toàn, an ninh, hiệu quả./.

THU HÀ (TTXVN/VIETNAM+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất