Chiều ngày 21/4, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức Hội thảo "Cập nhật xét nghiệm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị vô sinh", với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Phụ sản đầu ngành tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; cùng hàng trăm bác sĩ lâm sàng là đối tác của MEDLATEC.
Trước sự tiến bộ của khoa học và các kỹ thuật tiên tiến, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC không ngừng cập nhật đầy đủ các kỹ thuật mới, hiện đại góp phần chẩn đoán vô sinh như: xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng, các bất thường trong dự trữ buồng trứng hay các vấn đề chẩn đoán trước sinh,… Vì vậy, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức Hội thảo: "Cập nhật xét nghiệm trong chẩn đoán và theo dõi điều trị vô sinh".
Thời đại ngày nay, những tiến bộ trong việc cho ra đời các loại thuốc kích thích sinh sản ở cả nam và nữ cùng với tiến bộ trong chẩn đoán vô sinh – hiếm muộn ở nam giới đã đem lại hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng. Thông qua việc chẩn đoán chính xác chứng bệnh nan giải này, khả năng điều trị bệnh khỏi hoàn toàn cũng sớm trở thành hiện thực.
Nguyên nhân vô sinh ở nam giới có thể được tìm thấy ở các trường hợp tinh dịch có ít hoặc không có tinh trùng như bất thường cấu trúc và số lượng nhiễm sắc thể, bao gồm cả nhiễm sắc thể giới tính. Khi tinh dịch đồ bình thường, đột biến đứt gãy DNA ở tinh trùng là nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn ở nam giới. Đột biến mất đoạn AZF trên nhiễm sắc thể Y - đoạn gen quy định tổng hợp tinh trùng - đang là đề tài được các nhà di truyền học quan tâm.
|
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh lý sản - phụ - nam khoa trên hệ thống xét nghiệm
đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012. |
Theo TS, BS Nguyễn Khắc Hân Hoan, Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, có khoảng 50% cặp vô sinh do nam giới, trong đó nguyên nhân do gen và nhiễm sắc thể chiếm 10-15% vô sinh nam. Vô sinh nam do gen Y gây xóa gen AZF, rối loạn phát triển tinh bào, giảm hoặc không tạo tinh trùng... TS, BS Nguyễn Khắc Hân Hoan đưa ra những trường hợp cần chỉ định xét nghiệm AZF như không có hoặc ít tinh trùng trong tinh dịch, trước khi phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh, anh trai hoặc em trai ruột có tiền sử phát hiện bất thường đoạn AZF.
Với báo cáo “Đánh giá tỉ lệ đứt gãy DNA tinh trùng ở nam giới vô sinh”, PGS. TS Phan Thị Hoan, Bộ môn Y Sinh học - Di truyền, Đại học Y Hà Nội cho biết: có khoảng 10% nam giới vô sinh có kết quả tinh dịch đồ bình thường, nguyên nhân vô sinh do đứt gãy DNA tinh trùng. Đứt gãy DNA tinh trùng làm giảm khả năng thụ tinh, giảm chất lượng phôi thai, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị vô sinh.
Hiện nay, xét nghiệm Halosperm được dùng để đánh giá độ đứt gãy và từ đó tiên lượng cho các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Khi chỉ số DFI (chỉ số đứt gãy DNA tinh trùng) > 30% thì nếu để phôi thai phát triển thì nguy cơ sẩy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh ... rất cao. Đồng thời khi chỉ số DFI > 30% thì khi thụ tinh nhân tạo, IUI, IVF ... khả năng thành công rất thấp. Cơ hội duy nhất của bệnh nhân là thụ tinh trong ống nghiệm bằng tiêm tinh trùng trực tiếp vào noãn để tạo phôi (ICSI).
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu trên 300 bệnh nhân vô sinh hiếm muộn nam giới, có độ tuổi từ 18 tuổi và có tinh dịch đồ bình thường thì thấy: trường hợp nam giới có DFI > 30% chiếm tỷ lệ khá cao là 41%. Do vậy, PGS.TS Phan Thị Hoan khuyến cáo: cần phổ biến xét nghiệm Halosperm và ứng dụng xét nghiệm này trong tìm nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở nam giới có tinh dịch đồ bình thường và cả bất thường.
Tại hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Quế, Trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cũng đã báo cáo tổng quan xét nghiệm trong chẩn đoán bệnh lý sản - phụ - nam khoa đang được thực hiện hằng ngày trên hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012.
Tại hội thảo, nhiều bài báo cáo cũng đã phân tích được những nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn, cùng những khuyến nghị của các chuyên gia cho những trường hợp bất thường nên làm xét nghiệm để tăng cơ hội có thai./.
Duy Phong