Hàng cơm, hàng nước… bán rượu phải xin giấy phép
Từ vụ độc rượu khiến hơn chục người tử vong tại tỉnh Lai Châu đã cho thấy, với địa hình phân tán và những khu vực còn nhiều khó khăn, sự nhận thức của người dân còn hạn chế thì sự buông lỏng của các cơ quan quản lý đã dẫn đến nguy cơ và thực tế là đã có sự mất an toàn và ngộ độc rượu.
Theo đánh giá của Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam, hiện nay, lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường đến chủ yếu từ 3 nguồn: rượu nhập khẩu từ nước ngoài, chính ngạch và đường biên mậu.
Thứ hai là rượu của các doanh nghiệp sản xuất có đăng ký chất lượng và dán tem rượu nội địa. Thứ ba là rượu từ các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, làng nghề, hợp tác xã.
Theo Nghị định 94 của Chính phủ, các cơ sở sản xuất rượu phải đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và sản phẩm phải đăng ký chất lượng với Sở Y tế mới được phép mua tem rượu sản xuất trong nước.
Có một thực tế hiện nay là rất nhiều hộ gia đình nấu rượu thủ công với các sản phẩm không tem, không nhãn mác, không có sự giám sát của ngành chức năng nên họ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cũng như không phải nộp thuế.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam, có tới 80% lượng rượu hiện nay được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế. Hậu quả của việc này là nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn và nguy hiểm hơn, điều này đồng nghĩa với việc 80% lượng rượu được tiêu thụ trong nước không được kiểm soát về mặt chất lượng.
Tiến sỹ Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương được Quốc hội giao nhiệm vụ trong Luật an toàn thực phẩm, theo khoản 2 điều 64, Bộ Công Thương quản lý suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển kinh doanh, trong đó có sản phẩm rượu. Hiện giờ theo quy định, trách nhiệm quản lý chính thuộc về Bộ Công Thương.
Ông Cường chỉ rõ, theo quy định pháp luật, tất cả các sản phẩm rượu đều bắt buộc phải ghi nhãn: tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, giấy tiếp nhận công bố hợp quy… Đối với rượu nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt. Ngoài ra, theo Nghị định 94 của Chính phủ thì muốn sản xuất kinh doanh rượu phải theo quy hoạch và có kiểm soát.
Vì vậy, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại… Như vậy, nếu cơ sở sản xuất rượu không có giấy phép, lại không có công bố hợp quy thì vi phạm pháp luật tới hai lần.
Nói về công tác quản lý rượu hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, các cơ sở sản xuất rượu dưới hình thức thủ công hoặc công nghiệp nhưng để phục vụ mục đích tái chế biến để làm các loại rượu tiêu thụ cho người dân và rượu có đăng ký với những nhãn mác và sản phẩm cụ thể đã có sự quản lý tương đối tốt trong thời gian vừa qua về cả mức độ sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, rượu tự nấu và không nhãn mác là một thực tế và đang tồn tại do được hình thành từ những thói quen, tập quán của một số nơi, quy mô của loại rượu này nhỏ và rất khó để quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, trên thực tế có sự buông lỏng trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, chấp hành pháp luật cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và đặc biệt là thể hiện rất rõ trong khâu chấp hành pháp luật ở địa phương.
Tại cuộc hội thảo "Ngộ độc rượu – Thực trạng và giải pháp" mới được tổ chức gần đây, khi đề cập đến công tác quản lý thị trường rượu hiện nay, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương Phan Chí Dũng thừa nhận thực tế quản lý rượu "tự nấu, tự ngâm" rất khó. Ngoài ra, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu trong nước hiện nay mới chỉ phát huy tác dụng ở khâu sản xuất, bán buôn, còn khâu bán lẻ vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Theo đó, ông Dũng đưa ra đề xuất, tới đây, nơi bán rượu dưới mọi hình thức, từ các quán cơm, quán nước... phải xin giấy phép. Với các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc sẽ tịch thu. Muốn vậy, quy trình cấp phép phải đơn giản hóa để các cơ sở kinh doanh dễ dàng đăng ký với chính quyền việc bán rượu có nguồn gốc, tem nhãn, thành phần rõ ràng.
“Một phần vì còn nhiều đối tượng hay uống rượu ham rượu giá rẻ. Nhưng quan trọng hơn cho thấy công tác đảm bảo an toàn thực phẩmchúng ta làm chưa tốt. Theo tôi, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, kể cả các hộ tự nấu rượu trong dân nhưng nếu có đem bán rượu thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, phải nộp thuế theo đúng quy định pháp luật” – ông Võ Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát đề nghị.
Buộc cồn công nghiệp phải pha màu sặc sỡ
Cồn công nghiệp – thủ phạm có trong rượu gây ra những vụ chết người và ngộ độc nặng trong thời gian gần đây.
Trao đổi về vấn đề này, ông Cường cho hay: “Trước hết cần hiểu rõ Methanol không được định nghĩa là rượu, đây chỉ là một thành phần gây hại không mong muốn có thể có trong rượu. Vì thế quy định pháp luật không có quy định về quản lý rượu Methanol mà là quản lý làm sao để các chất gây hại như Methanol không có trong rượu. Vì thế, vai trò chính là phải từ chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh rượu để bảo vệ người tiêu dùng.”
Thực tế cho thấy, nhiều loại rượu thủ công hiện nay không có tem, nhãn mác tên tuổi và cơ sở sản xuất. Chính vì vậy, những đối tượng kinh doanh khác có thể đã lợi dụng vào kẽ hở này để pha chế Methanol vào trong diện rồi gắn mác rượu quê dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc cho người sử dụng và vô tình đẩy thương hiệu rượu quê đến bờ vực bị tẩy chay.
Chính vì vậy, việc quản lý chặt cồn công nghiệp cũng là yêu cầu đặt ra cấp thiết hiện nay. Trao đổi về vấn đề giải pháp đối với loại hóa chất này, bác sỹ NguyễnTrung Nguyên - Phụ trách Khoa chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, nguyên liệu cồn công nghiệp, cồn y tế đang được bán thoải mái trên thị trường chính là cơ hội cho các cá nhân và cơ sở sản xuất hám lợi sử dụng để pha chế. Do vậy, những chế tài và quy định trong buôn bán loại hóa chất này cần được siết chặt hơn. Các cơ quan quản lý phải làm sao để quản lý chặt những yếu tố tận gốc gây ra ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao - đó là cồn công nghiệp.
Bàn về giải pháp để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, tại hội thảo "Ngộ độc rượu, thực trạng và giải pháp," các đại biểu cho rằng điều cấp bách trước mắt là phải quản lý được cồn công nghiệp hoặc phải có giải pháp tạm thời như bắt buộc cồn công nghiệp phải pha màu sặc sỡ để không thể cho vào rượu được. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần phân cấp, phân loại để quản lý cho phù hợp với rượu thủ công. Chẳng hạn các hộ tự nấu rượu để uống thì chỉ cần báo với xã phường, còn sản xuất để bán nhiều thì phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế…
Hiện nay 70- 80% là rượu trôi nổi, rất khó kiểm soát chất lượng, bàn về giải pháp siết chặt quản lý rượu, thượng tá Đinh Văn Hiếu - Phó Trưởng Phòng Y tế và An toàn thực phẩm - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - cho rằng, ngoài giải pháp tăng cường rà soát các văn bản pháp luật để quản lý cồn y tế, cồn công nghiệp thì việc tăng chế tài, tăng thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Bởi chính quyền cơ sở chính là những người sâu sát nhất, nắm rõ nhất ai là người nấu rượu ở địa phương và họ biết phải làm thế nào để người dân không vi phạm, sẽ thường xuyên nhắc nhở. Chính quyền địa phương được giao thẩm quyền thì họ phải có trách nhiệm, họ sẽ yêu cầu cam kết, vi phạm thì địa phương xử phạt. Chứ cấp trên đi thanh, kiểm tra một năm vài lần thì không xuể," thượng tá Hiếu thẳng thắn.
Cùng quan điểm về vấn đề giải pháp quản lý như trên, ông Cường cũng thừa nhận: Các văn bản quản lý việt Nam ban hành đầy đủ và kịp thời nhưng về triển khai còn có vấn đề. Chẳng hạn như liệu Bộ Y tế có đủ bao nhiêu nghìn người để đi kiểm tra từng hộ, liệu Bộ Công Thương có đủ đầu mối để kiểm tra các hộ sản xuất kinh doanh rượu, cần bao nhiêu nghìn người để đi kiểm tra được hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh rượu?
“Điều này là điều không thể với các Bộ. Vì vậy, vai trò của chính quyền địa phương, của các sở ngành là điều hết sức quan trọng. Nếu như chính quyền địa phương mà không tham gia vào cuộc thì một Bộ Công Thương hay Bộ Y tế, chứ 10 Bộ Công Thương hay Bộ Y tế cũng không thể giải quyết được vấn đề này. Vì vậy, chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở trên địa bàn thì phải thực thi tốt,” ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng cho hay: “Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi điều luật liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong Bộ luật Hình sự theo chiều hướng tăng nặng”./.
Thùy Giang (Vietnam+)