Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 30/10/2008 9:31'(GMT+7)

"Câu lạc bộ gia cầm" - một cách làm mới trong việc kiểm soát dịch bệnh

Ngoài các chi hội chăn nuôi, thú y, "Câu lạc bộ gia cầm" như một " sân chơi" mới bổ ích giúp người chăn nuôi nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật mới, các thông tin về thị trường, để tiến tới một nền chăn nuôi bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Mô hình này vừa cụ thể, vừa "sát sườn" với người chăn nuôi, nhờ đó, công tác giám sát, phát hiện ổ dịch ở từng thôn, xóm cũng được kịp thời.

Theo TS Trần Công Xuân, Chủ tịch VIPA, dựa trên nhận thức của nhiều người về tác hại của cúm gia cầm, hình thức "Câu lạc bộ gia cầm" tại địa phương sẽ là cách tiếp cận mới trong việc duy trì công tác phòng, chống dịch".

Dịch cúm gia cầm đến nay đã tạm được khống chế. Chính vì thế, trong Hội nghị toàn thể đối tác phòng, chống dịch cúm gia cầm vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội,  Ðiều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam John Hendra đánh giá "Việt Nam trở thành nước thành công nhất trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên thế giới".

Ðây không chỉ là nỗ lực của cả một hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, mà hơn thế nữa là sự nhận thức đầy đủ hơn của cộng đồng về dịch. Hiệp hội gia cầm Việt Nam đã coi việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho người chăn nuôi là hoạt động xuyên suốt của mình trong thời gian qua.

Vào thời điểm bùng phát dữ dội nhất của dịch cúm gia cầm (2004-2005), Hiệp hội đã tập trung ngay vào hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi hiểu và biết cách phòng, chống bệnh.

Trong năm năm qua, Hiệp hội đã tổ chức 149 lớp tập huấn về "Bệnh cúm - giải pháp phòng, chống" cho các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô vừa và nhỏ tại 12 tỉnh trọng điểm, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước như: Thái Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Gia Lai, Bắc Ninh...

Hàng loạt các cuộc hội thảo cũng được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, cũng như người chăn nuôi chung quanh các chủ đề về cách phòng, chống cúm, làm thế nào để khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm một cách bền vững...

Từ đó, làm cơ sở cho hiệp hội kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp hữu hiệu, ban hành những quyết định, chính sách kịp thời nhằm nhanh chóng khống chế, kiểm soát dịch, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi khôi phục lại sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm gia cầm.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sản xuất, chế biến, giết mổ, thú y, bảo vệ môi trường cho các hội viên thông qua việc phát hành 26 kỳ báo "Thông tin gia cầm" với hơn 30 nghìn bản; xuất bản hơn 10 nghìn cuốn " Sổ tay chăn nuôi gia cầm bền vững"... Nhờ đó, VIPA đã góp phần vào việc phòng, chống dịch cúm gia cầm, vệ sinh an toàn thực phẩm một cách hiệu quả.

Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh dịch cúm gia cầm đang bùng phát, gặp rất nhiều khó khăn nhưng Hiệp hội gia cầm vẫn tập hợp được các hội viên, tạo "tiếng nói chung" đại diện cho quyền lợi của người chăn nuôi với mong muốn phát triển ngành gia cầm.

Ðể thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 theo hướng sản xuất hàng hóa, TS Trần Công Xuân, cho biết: "Hiệp hội sẽ tiếp tục hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế để tăng cường các hoạt động phòng, chống cúm gia cầm, thông tin thị trường con giống, thức ăn, tiêu thụ, phục vụ sản xuất, kinh doanh trong hội nhập WTO".

Hiện tại VIPA đang là thành viên của các tổ chức: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn sản xuất gia cầm ASEAN và Hiệp hội gia cầm thế giới. Hy vọng rằng, việc tăng cường hợp tác quốc tế cũng như việc gắn kết chặt chẽ các thành viên sẽ là động lực thúc đẩy phát triển các hình thức hoạt động mang tính sáng tạo như hình thức "Câu lạc bộ gia cầm", từ đó nhân rộng ở nhiều địa phương./.

(Nhân Dân điện tử) 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất