Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 21/10/2008 16:44'(GMT+7)

Việt Nam đã vận dụng tốt các nguồn lực trong công tác phòng chống lao

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ

Hội nghị quốc tế lần thứ 39 về phòng chống bệnh lao vừa được tổ chức tại Paris (Pháp), với sự có mặt của nhiều chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước trên thế  giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều nội dung quan trọng liên quan tới tình hình bệnh lao và chiến dịch phòng chống bệnh lao trên thế giới được đưa ra thảo luận. Phó Giáo sư -Tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Viện lao và Bệnh phổi Trung ương, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị này đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí về một số vấn đề liên quan đến hội thảo cũng như những kinh nghiệm phòng chống lao ở Việt Nam.

PV: Thưa Phó Giáo sư, Việt Nam đã đóng góp những kinh nghiệm và sáng kiến gì tại Hội nghị quốc tế về phòng chống bệnh lao lần này?

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ : Việt Nam mang tới hội nghị những kinh nghiệm của mình trong những năm thực hiện công tác phòng chống lao tại Việt Nam. Một điều đáng lưu ý là, năm nay, chúng ta vừa kết thúc một cuộc điều tra về dịch tễ lao toàn quốc. Điều đó đóng góp một phần rất lớn cho công tác chống lao toàn cầu để nhìn nhận một cách chính xác và đưa ra những giải pháp thích hợp trong những tình huống của từng quốc gia.

Việt Nam là một trong 22 nước có rất nhiều bệnh nhân lao. Trong những năm trước, khi chỉ dựa vào con số ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì thấy rằng, sau một thời gian hoạt động tích cực Việt Nam đã từng đạt được tiêu chí của WHO đặt ra.

Tuy nhiên, sau khi điều tra, chúng ta vẫn nhận thấy, lượng bệnh nhân lao của chúng ta trong cộng đồng còn rất nhiều. Điều đó cho thấy cần có những hoạt động tích cực hơn, cụ thể hơn để làm sao chúng ta duy trì được thành quả ấy và phát hiện được nhiều bệnh nhân lao. Việt Nam có những kinh nghiệm thực tế đặt ra để Tổ chức Y tế thế giới hoặc các nước rút ra kinh nghiệm thực sự trong công tác này. Đó là vấn đề chung về dịch tễ.

Ngoài ra, Việt Nam mang tới Hội nghị những đóng góp về nghiên cứu khoa học, cả những nghiên cứu của Việt Nam cũng như việc Việt Nam tham gia các nghiên cứu mang tính chất đa trung tâm, đa quốc gia. Các chuyên gia của Việt nam cũng mang sang đây những kết quả nghiên cứu của mình.

Tại Hội nghị này, Việt Nam cũng trình bày những bước sắp tới, trong đó có những hoạt động mới, như việc chúng ta kiểm soát lao ở trẻ em. Đây là vấn đề khó mà tại nhiều quốc gia chưa thực hiện. Chỉ có 8 quốc gia có thể triển khai vấn đề này. Việt Nam cũng đang bắt đầu việc quản lý lao kháng thuốc (Việt Nam là 1 trong 27 quốc gia có tình trạng lao kháng thuốc khá cao, tuy nhiên việc triển khai còn chậm do ngồn lực ít, và còn là vấn đề khá mới mẻ), cùng với đó là vấn đề kiểm soát lao và HIV, quản lý những người đồng nhiễm lao và HIV…

PV: Thưa PGS, trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam đã và đang có những biện pháp gì, hay có sự hợp tác, phối hợp như thế nào với các nước và các tổ chức quốc tế để thực hiện các chương trình phòng chống lao hiệu quả hơn?

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ : Lao là vấn đề luôn gắn với nghèo đói, gắn với những khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ Việt Nam đã có một cam kết rất mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế là tập trung nguồn lực cho công tác chống lao. Điều đó đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Thể hiện ở những nội dung cụ thể, đó là nguồn nhân lực, nguồn tài lực cho công tác chống lao và những hỗ trợ từ những tổ chức chính phủ cũng như là các chính sách xã hội đối với công tác chống lao.

Vấn đề thứ hai là nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Từ nhiều năm qua, Chương trình chống lao quốc gia đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Chính phủ Hà lan, Mỹ, một số Quỹ, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức như: Hiệp hội chống lao của Hà lan, Trung tâm phòng chống bệnh của Mỹ, một số tổ chức của Nhật bản, Australia, Hàn quốc. Đó là nguồn lực rất tốt trong điều kiện chúng ta thiếu về kinh phí và chuyên gia kỹ thuật. Bộ Y tế và Chính phủ đánh giá rất cao sự hỗ trợ của quốc tế đối với công tác chống lao tại Việt Nam.

Trong tương lai, Chính phủ tiếp tục đầu tư cho công tác chống lao, đó là tập trung đủ thuốc cho người bệnh, hỗ trợ cho các cán bộ y tế làm công tác chống lao và tập trung hỗ trợ cho những bệnh nhân lao. Đó là ba nội dung quan trọng về nội lực.

Chúng ta cũng đang tiếp tục hoạt động để mở rộng hợp tác quốc tế để có thể nghiên cứu những thuốc mới, đưa những chiến lược mới hoặc ứng dụng những kết quả hiện đại, những thành công từ các quốc gia khác vào công tác chống lao ở Việt Nam, cùng góp phần với mục tiêu thiên niên kỷ là đến năm 2050, Việt Nam có thể loại trừ bệnh lao ra khỏi xã hội.

PV: WHO và quốc tế đánh giá như thế nào vê những kết quả mà chúng ta đạt được trong thời gian qua, cũng như sự tham gia của Việt Nam đối với công tác phòng chống lao toàn cầu, thưa Phó Giáo sư ? 

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ : Trong những năm qua, chúng ta có hai dấu ấn để thấy rằng, chúng ta có đóng góp lớn vào công tác phòng chống lao toàn cầu. Đó là nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Hiệp hội chống lao Hoàng gia Hà lan- tổ chức đã giúp chúng ta từ nhiều năm, Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam đã được nhận phần thưởng. Đó là đánh giá về mặt kỹ thuật. Thứ hai là về đánh giá về mặt tổ chức của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta đã được trao thưởng về việc “Duy trì bền vững thành quả đạt được” cùng với 6 quốc gia khác./.

Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất