Chủ Nhật, 6/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 26/10/2008 9:47'(GMT+7)

“Xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội”- một hướng đi đúng

Xã, phường là đơn vị hành chính cấp cơ sở, có tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội. Ngoài việc tuân thủ, thực thi luật pháp, cộng đồng còn gắn bó với nhau trong truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, quan hệ gia đình, dòng họ, hương ước, quy ước tôn giáo, tình làng nghĩa xóm. Vì vậy, nếu huy động được tâm-lực của cộng đồng thì đây sẽ là sức mạnh tiềm tàng góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Thực tế những năm vừa qua, cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, trong đó có ma tuý và mại dâm diễn ra hết sức khó khăn, phức tạp. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cũng đã thể hiện quyết tâm, đề ra nhiều giải pháp để đẩy lùi, hạn chế tới mức tối đa tệ nạn này. Nhưng chỉ riêng chính quyền với những biện pháp hành chính và luật pháp cũng chưa hẳn là giải pháp duy nhất để loại trừ những tệ nạn xã hội. Có nhiều nguyên nhân, do kinh phí đầu tư cho công việc và do lực lượng chuyên trách còn quá mỏng để thực thi nhiệm vụ.

Do vậy “tệ nạn xã hội nảy sinh từ cộng đồng thì phải được giải quyết ngay từ cộng đồng” có thể hiểu là phải “xã hội hoá” việc giải quyết các tệ nạn xã hội; là chuyển một phần quyền dân sự cho cá nhân, cộng đồng, để họ có thể tổ chức các hình thức quản lý, ngăn ngừa tệ nạn xã hội cũng như giáo dục, cảm hoá những người lầm lỗi.

Từ chủ trương, để có kinh nghiệm chỉ đạo triển khai xây dựng xã, phường lành mạnh, từ những năm 1995-1996, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đã phối hợp với 42 tỉnh, thành phố tiến hành thí điểm ở 163 phường, xã, thị trấn, bao gồm: 34 xã, phường về cai nghiện, phục hồi ở cộng đồng; 14 xã, phường về chữa trị, giáo dục, phục hồi cho gái mại dâm; 115 xã, phường thí điểm toàn diện.

Trong bối cảnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đang được thực hiện ở nhiều nơi, những nơi thí điểm xây dựng xã, phường lành mạnh đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của địa phương và nhanh chóng gắn bó chặt chẽ và trở thành nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Từ kết quả thí điểm, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đã phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong các tỉnh, thành phố, nội dung, nhiệm vụ xây dựng xã, phường lành mạnh. Công tác tập huấn được tiến hành thường xuyên, hàng năm có sơ kết, đánh giá. Những mô hình, điển hình tiên tiến xã, phường lành mạnh được tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Nội dung xây dựng xã, phường lành mạnh được Chính phủ đưa vào chương trình hành động về phòng, chống tệ nạn xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Công an ban hành kế hoạch liên ngành, Nghị quyết liên tịch hướng dẫn nội dung hành động, phân loại, đánh giá công tác xây dựng xã, phường lành mạnh; thành lập tổ công tác liên ngành, giao ban định kỳ, phối hợp chỉ đạo; hàng năm tổ chức đi địa phương kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Chỉ tiêu xây dựng xã, phường lành mạnh được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xác định hàng năm từ 800-1.200, trung bình mỗi tỉnh, thành là 10%.

Nhằm tăng cường lực lượng hỗ trợ cho chính quyền và các đoàn thể, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thành lập và hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã. Từ năm 2005 đến 2007, tại 29 tỉnh, thành phố đã có 1.152 đội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn được thành lập với 10.039 tình nguyện viên, là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng xã, phường lành mạnh.

Theo phân loại, đánh giá, tới năm 2007 ở 54/67 tỉnh, thành, công tác xây dựng xã, phường lành mạnh trên cả nước đã có kết quả đáng khích lệ. Số xã, phường đạt tiêu chuẩn lành mạnh (không có tệ nạn ma tuý và mại dâm) là 4.185 (chiếm 41,93%). Trong số 5.796 xã, phường có tệ nạn xã hội (chiếm 58,07%) thì có 630 xã, phường không có tệ nạn ma tuý (nhưng có tệ nạn mại dâm), bằng 6,3% tổng số xã, phường có báo cáo; 3.596 xã, phường không có tệ nạn mại dâm (nhưng có tệ nạn ma tuý), bằng 36% tổng số xã, phường có báo cáo; 1.570 xã, phường có cả tệ nạn ma tuý và mại dâm, bằng 15,7% tổng số xã, phường đã báo cáo.

Cũng tới thời điểm này, 4.185 đơn vị vẫn duy trì được xã, phường lành mạnh. Đặc biệt trong đó có 1.761 xã, phường, chiếm 37%, duy trì từ trước tới nay không có tệ nạn xã hội. Đáng chú ý là các tỉnh duyên hải miền Trung, một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây Nam bộ, có tỷ lệ xã, phường lành mạnh chiếm tỷ lệ cao trong tổng số xã, phường của địa bàn như: Quảng Trị: 85%; Thừa Thiên-Huế: 69%; Quảng Ngãi: 73%; Gia Lai: 90%; Đăk Lăk: 71%; Cao Bằng: 56%; Hà Giang: 68%; Lạng Sơn: 75%; Tiền Giang: 65%; Sóc Trăng: 66%... Ngược lại, một số tỉnh, thành phố lớn, khu đông dân cư, khu kinh tế-du lịch và một số tỉnh miền núi, nơi tệ nạn xã hội phức tạp thì số xã, phường lành mạnh chiếm tỷ lệ thấp như: Hà Nội (cũ): 10%; Hải Phòng: 27%; Quảng Ninh: 28%; Sơn La: 5%; Thái Nguyên: 7%; Nam Định: 23%.

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng xã, phường lành mạnh, một thực tế diễn ra rất đáng mừng là đã xuất hiện nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân điển hình về tinh thần trách nhiệm, về lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, góp phần tích cực xây dựng xã, phường lành mạnh cũng như giúp đỡ những người lầm lỡ làm lại cuộc đời của mình. Đó là mô hình xây dựng xã, phường lành mạnh kết hợp với công tác cai nghiện gia đình và cộng đồng của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hoà Bình; cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng ở TP.Nam Định; điển hình về giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ người mại dâm hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống ở thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai); công tác tuyên truyền vận động, giúp đỡ đối tượng hoàn lương kết hợp với đấu tranh triệt phá tụ điểm mại dâm ở thị trấn Thốt Nốt, huyện Thốt Nốt-Cần Thơ; mô hình “Câu lạc bộ Phụ nữ vươn lên” ở quận 8, TP.Hồ Chí Minh; “Câu lạc bộ Nhân ái” của Hội phụ nữ phường 6, TP.Mỹ Tho; của các “Đội hoạt động xã hội tình nguyện” phường Nguyễn Trung Trực (Hà Nội), thị trấn Việt Quang (Bắc Quang, Hà Giang), phường Phúc Tân, TP.Nha Trang, xã Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội)… Có thể dẫn ra một vài điển hình về xây dựng xã, phường lành mạnh:

Phường 14, quận 4, TP.Hồ Chí Minh là địa bàn đông dân cư (16.728 người) và phần lớn là người lao động nghèo, lao động giản đơn, buôn bán nhỏ. Có lúc trên địa bàn phường có tới 365 đối tượng có tiền án, tiền sự cần quản lý (chưa kể hàng trăm đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng nghiện hút ma tuý đang ở trong trại giam hoặc đi cải tạo). Vì thế, những năm trước đây, phường 14 luôn là địa bàn tiềm ẩn tội phạm.

Xác định địa bàn có nhiều phức tạp, quân số công an còn thiếu nên cấp uỷ, chính quyền chủ trương: Việc gì dân có thể làm được thì tổ chức cho dân làm. Từ chủ trương đó, kế hoạch phòng chống tệ nạn xã hội được triển khai đồng bộ trong Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và tổ dân phố. Ngoài sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị, xã hội, phường 14 đã phát huy vai trò tích cực của các tổ dân phố, vì đây chính là tai mắt của quần chúng, của chính quyền trước những diễn biến phức tạp diễn ra hàng ngày. Lực lượng an ninh cơ sở như Ban điều hành khu phố, nhóm trưởng, dân phòng chuyên trách và dân phòng bán chuyên trách luôn được củng cố; ngoài ra còn xây dựng 2 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc gồm: 01 tổ bảo vệ chợ 5 người do Hội Cựu chiến binh quản lý; 03 tổ thanh niên phòng chống tội phạm gồm 36 người do Đoàn Thanh niên quản lý; có quy chế hoạt động và tổ chức tập huấn chu đáo.

Từ tình yêu thương cộng đồng, trách nhiệm với việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội đường phố, từng tổ chức, cá nhân đã chủ động sáng tạo trong quản lý địa bàn, nắm bắt đối tượng, phân loại giáo dục người lầm lỡ, trấn áp tội phạm… và cả việc vận động quỹ quốc phòng an ninh để có kinh phí hoạt động. Vai trò của tổ dân phố được phát huy nên từ 2002 - 2007, an ninh trật tự của phường 14 đã dần ổn định; kinh tế-xã hội, văn hoá phát triển. Tội phạm hình sự hàng năm đều giảm; tỷ lệ phá án trên 75%; tội phạm ma tuý giảm mạnh. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phường 14 hàng năm luôn đạt thành tích cao, đặc biệt năm 2004 được Bộ Công an tặng bằng khen, năm 2005 được UBND Thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc.

“Câu lạc bộ nhân ái” của Hội phụ nữ phường 6, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang cũng là nơi dễ gần gũi, thu hút nhiều chị em lầm lỡ, người có nguy cơ cao và các chị có con trong độ tuổi thanh thiếu niên. Là địa bàn đông dân cư, lại nằm trên tuyến Quốc lộ 60 nên phường 6 là “điểm nóng” của Thành phố với nhiều tụ điểm hoạt động mại dâm trá hình như: Cà-phê đèn mờ, mát-sa, cắt tóc gội đầu, “bia ôm”, nhà nghỉ… Từ đó kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, thanh thiếu niên không chịu học hành, gây rối trật tự công cộng.

“Câu lạc bộ nhân ái” ra đời từ năm 2003 với Ban Chủ nhiệm gồm 5 người, trong đó có 1 là người mại dâm hoàn lương. Câu lạc bộ đã phối hợp với công an phường, Ban Văn hoá-Thông tin tổ chức các buổi sinh hoạt phù hợp với chị em. Có lúc CLB mời cả những chị em là chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các tiếp viên cùng tham gia sinh hoạt; được nghe phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về sự cần thiết giữ gìn nếp văn hoá truyền thống của người Việt Nam; về vai trò của người phụ nữ… CLB còn tổ chức các cuộc thi “Nét đẹp mùa xuân” về trang phục và kiến thức, thi khéo tay nữ công gia chánh, thi tìm hiểu pháp luật liên quan đến HIV/AIDS, về sức khoẻ sinh sản…

CLB còn thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng của chị em, kịp thời thăm hỏi lúc ốm đau, hỗ trợ những thành viên đặc biệt khó khăn, hỗ trợ vốn cho chị em làm ăn ổn định…

Sau hơn 3 năm hoạt động, CLB đã giúp chị em nâng cao nhận thức về tác hại của TNXH, giúp được nhiều chị vượt qua mặc cảm trở thành những người mẹ, người vợ tốt. Từ đó, chị em nhận thức được vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, biết giữ gìn và phát huy những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam…

Trên địa bàn cả nước còn có thể kể tới hàng ngàn nam, nữ thanh niên trong các “Đội hoạt động xã hội tình nguyện”. Họ là những thanh niên tình nguyện được chọn lọc từ ở địa phương, nhiệt tình, vô tư hoạt động “Xây dựng xã, phường lành mạnh”, vì sự bình yên và phát triển của cộng đồng. Không hưởng lương, phụ cấp của Nhà nước hay địa phương, nhưng những thanh niên “Hoạt động xã hội tình nguyện” sẵn sàng ngày đêm lăn lộn với công việc: bảo vệ an ninh trật tự, cùng cơ quan chức năng phát hiện, tham gia tuyên truyền chống tệ nạn xã hội; vận động những người chót mắc tệ nạn xã hội sớm hoàn lương; tham gia tổ chức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, tham quan, dã ngoại cho chị em “hồi gia”, người sau cai nghiện… Những hoạt động đó đã góp phần cùng chính quyền, đoàn thể giúp nhiều người từ bỏ tệ nạn xã hội, tái hoà nhập cộng đồng.

Kết quả đạt được hơn 10 năm qua cho thấy “Xây dựng xã, phường lành mạnh” không có tệ nạn xã hội là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Cách làm đó đã thu hút, quy tụ được những tấm lòng nhân ái, sẻ chia của biết bao người mong muốn được chung vai gánh vác xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của mọi nhà, của cộng đồng. Vì vậy, các ngành, các cấp, hàng năm cần có chương trình sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt nhằm duy trì, phát triển ngày càng có nhiều “xã, phường lành mạnh” góp phần vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đất nước phát triển toàn diện./

 Mạnh Tiến

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất