Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 28/11/2008 21:25'(GMT+7)

Cầu nối cho hợp tác doanh nghiệp Việt - Nga

Mục đích của việc thành lập VRBC là nhằm tạo ra một cầu nối giao lưu, tạo một cơ chế liên kết doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nga, đồng thời xúc tiến thương mại đầu tư, tạo cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ, đánh dấu một bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp và quan hệ đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ. Đây cũng là một bước hiện thực hóa sinh động khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Nga năm 2007 về việc Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách, biện pháp cụ thể thúc đẩy tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhanh chóng cùng phía Nga tháo gỡ những trở ngại, hoàn thiện cơ chế nhằm hỗ trợ cho sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên ngày càng phát triển.

VRBC hoạt động dựa trên kế hoạch hành động do ban lãnh đạo VRBC thống

Lễ ra mắt hội đồng kinh doanh Việt-Nga 

nhất xây dựng hàng năm. Mặc dù ban đầu mới được thành lập, song VRBC đã thu hút được 200 doanh nghiệp tham gia thành viên. Tư vấn cho Ban lãnh đạo VRBC là một bộ máy cố vấn gồm các chuyên gia đại diện các Bộ, ngành liên quan của Chính phủ Việt Nam. Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch VRBC khẳng định: “VRCB sẽ sát cánh cùng Hội đồng Kinh doanh Nga - Việt (được phía Nga thành lập cách đây 1 năm) nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nga góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước vốn đã phát triển ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Những ngày còn lại của năm 2008 và sang năm 2009 VRBC sẽ nghiên cứu và tìm cách đáp ứng nhu cầu hợp tác của các doanh nghiệp thành viên, trước mắt là hỗ trợ về thông tin và tổ chức các hoạt động kết nối kinh doanh…”.

Hợp tác đầu tư đang được coi là điểm sáng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga nói chung, cộng đồng doanh nghiệp hai nước nói riêng. Đầu tư của các doanh nghiệp Nga đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó nổi bật là Liên doanh Dầu khí VietsovPetro đã đóng góp quan trọng vào hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Nga còn có nhiều dự án đầu tư khác tập trung trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 8-7-2008, Tổng công ty Viễn thông toàn cầu Gtel của Việt Nam và Tập đoàn Vimpelcom (nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ 2 của Nga) cũng đã ký hợp đồng liên doanh chính thức cho ra mắt Công ty cổ phần Viễn thông di động GTel Mobile.

Ông Mikhaylov Alexander Igorevich - Trưởng đại diện Tập đoàn Kinh tế đối ngoại Zarubezhneft hàng đầu của Nga tại Việt Nam cho biết, trong lịch sử và kinh nghiệm hoạt động 40 năm tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì Zarubezhneft có tới 27 năm hợp tác với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. “Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một trong những hướng ưu tiên đẩy mạnh hợp tác của Zarubezhneft trong thời gian tới. Là những người đi tiên phong đặt nền móng cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Nga - Việt, chúng tôi nhiệt liệt chào mừng sự ra đời của VRBC và coi đó là một công cụ quan trọng phát triển quan hệ giữa hai nước và hai cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng, VRBC sẽ đóng vai trò tích cực điều phối các dự án kinh tế cũng như các cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Nga tại Việt Nam và ngược lại. Về phần mình, Zarubezhneft sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ hoạt động của VRBC” - ông Mikhaylov Alexander Igorevich nói.

Bên cạnh đầu tư của các doanh nghiệp Nga vào Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có 11 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn trên 33 triệu USD trong các lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga hồi quý III năm 2007 của Thủ tướng Việt Nam - Nguyễn Tấn Dũng, các doanh nghiệp Việt Nam và Nga đã ký kết 12 hợp đồng/thỏa thuận hợp tác kinh doanh với tổng trị giá trên 1,1 tỷ USD. Ngoài hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như dầu khí, công nghiệp điện lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Nga đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực chế tạo máy, điện năng, khai khoáng, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, thú y, du lịch và hàng không dân dụng.

Nước Nga có truyền thống văn hóa, tiềm năng phát triển kinh tế của Nga còn nhiều, cơ hội hợp tác làm ăn với phía Nga của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Việt Nam hiện đang có một đội ngũ cán bộ khoa học, doanh nghiệp… từng học tập, công tác tại Nga rất đông và rất am hiểu văn hóa cũng như con người nước Nga, đây là một thế mạnh mà VRBC cần tìm cách khai thác để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước./.

Lan Ngọc

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất