Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 27/11/2008 11:42'(GMT+7)

Tiếp tục kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã, đang và sẽ tác động như thế nào đến lĩnh vực tài chính nước ta?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng ở Mỹ nổ ra vào tháng 7-2007, khiến cho các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại ở một số quốc gia phát triển lâm vào tình trạng rất khó khăn. Cuộc khủng hoảng đó nhanh chóng lan rộng sang các nước phát triển khác, rồi đến các nước đang phát triển và có nguy cơ đưa kinh tế thế giới vào suy thoái trên quy mô toàn cầu. Với mức độ hội nhập khá sâu, rộng với kinh tế thế giới, cho nên kinh tế nước ta  cũng chịu tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng hiện rõ.

Ngay từ đầu năm 2008, thế giới đã chứng kiến những dấu hiệu bất thường như giá dầu thô tăng cao liên tục và đạt mức kỷ lục vào tháng 7-2008, đồng thời với tăng giá dầu thô là giá lương thực, thực phẩm tăng cao đột biến, giá cả các nguyên, nhiên vật liệu khác cũng tăng theo, khiến cho lạm phát diễn ra trên toàn thế giới. Tình hình này đã tác động đến kinh tế nước ta, biểu hiện ở một số chỉ tiêu vĩ mô thiếu ổn định: bốn tháng đầu năm 2008, nhập siêu bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát tháng 4-2008 tăng 11,6% so với tháng 12-2007. Trước diễn biến của kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để triển khai đồng bộ tám nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Nhờ thực hiện tám nhóm giải pháp này, đến nay tình hình kinh tế vĩ mô đã được ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhập siêu được kiềm chế, tỷ giá hối đoái giữ ổn định, thể hiện trên các chỉ tiêu như: chỉ số giá tiêu dùng  (CPI) tháng 9 chỉ tăng 0,18% so với tháng 8, tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9, tháng 11 giảm 0,76% so với tháng 10 (trong khi năm tháng đầu năm có tốc độ tăng giá bình quân 3%/tháng), tỷ lệ nhập siêu trung bình từ tháng 6 trở lại đây chỉ còn dưới 1 tỷ USD/tháng so với bình quân hơn hai tỷ USD/tháng của năm tháng trước.

Ðánh giá mức độ tác động của khủng khoảng tài chính toàn cầu và chiều hướng suy thoái của kinh tế thế giới đến kinh tế nước ta, tôi cho rằng đến thời điểm này, cụ thể như sau:

- Xuất khẩu khó khăn hơn: tháng 10 là tháng thứ ba liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, nhưng xuất khẩu sang Mỹ- thị trường lớn nhất của Việt Nam đạt mức cao nhất từ đầu năm với kim ngạch 1,24 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu mười tháng 2008 của cả nước đạt 53,74 tỷ USD, tăng 36,6% (tương ứng trị giá là 14,41 tỷ USD). Với quy mô xuất khẩu chiếm hơn 70% GDP, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đang giảm, khi xuất khẩu gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu và gián tiếp đến các doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho xuất khẩu, từ đó làm suy giảm nguồn thu ngân sách.

- Nguồn thu từ dầu thô chiếm khoảng 20% trong tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước nên việc giá dầu thô đang giảm dần tạo ra sức ép rất lớn đối với bảo đảm nhiệm vụ chi ngân sách ngày càng lớn.

- Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả quan trọng: số vốn thực hiện và đăng ký mới năm 2008 tiếp tục tăng cao, ước cả năm đạt 10-11 tỷ USD (trong đó phần vốn nước ngoài khoảng 8,5 tỷ USD), tăng 10,6% so với năm trước.

- Ngành kinh tế du lịch nước ta bị tác động: mười tháng năm 2008, khách du lịch quốc tế chỉ tăng 3,5% so với 18,6% năm 2007.

- Ðầu tư gián tiếp nước ngoài có giảm nhưng lượng kiều hối chuyển về nước năm 2008 ước tăng khoảng 13% so với năm 2007.

Sang năm 2009, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chỉ đạt 2,2% so với năm 2008 (năm 2008 ước đạt 3,7%), giảm 0,75% so với dự báo hồi tháng 10-2008, cộng với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Ðức... đã lâm vào suy thoái. Tình hình này, theo tôi sẽ khiến cho xuất khẩu nước ta chịu tác động trực tiếp và lớn nhất, các lĩnh vực đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, vay nợ, du lịch... có thể sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Tuy nhiên, với sự hợp tác của các nước trên thế giới để cùng thực hiện các giải pháp tài chính, tiền tệ sẽ góp phần thu hẹp mức độ suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Bộ Tài chính cùng các cơ quan tham mưu của Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước để chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

PV: Như Bộ trưởng vừa nêu trên, thời gian gần đây nhất là từ tháng 9-2008 đến nay, việc kiềm chế lạm phát, kéo giá thị trường xuống, đã đạt kết quả tích cực rõ rệt. Theo Bộ trưởng, những biện pháp chủ yếu nào trong lĩnh vực tài chính đã góp phần đắc lực vào kết quả đó?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh:  Phải khẳng định rằng trong thời gian qua, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và nhân dân tổ chức thực hiện có hiệu quả tám nhóm giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó có các giải pháp về tài chính đã góp phần đắc lực vào kết quả kiềm chế lạm phát, cụ thể như sau:

1. Kiểm soát chặt chẽ đầu tư công và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, tăng cường kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách:

- Ðối với chi đầu tư phát triển: Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã đình hoãn, ngừng triển khai và giãn tiến độ thực hiện trong kế hoạch năm 2008 là 1.968 dự án, với tổng số vốn khoảng 5.992 tỷ đồng. Ðiều chỉnh giảm 25% kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi và nâng cấp bệnh viện tuyến huyện.

- Ðối với chi thường xuyên: đã cắt giảm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong tám tháng cuối năm 2008 của các bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương  để bổ sung dự phòng ngân sách các cấp.

Nguồn vượt thu, tiết kiệm chi của NSNN năm 2008 được tập trung sử dụng bảo đảm các nhu cầu chi an sinh xã hội, các nhu cầu cấp bách về thiên tai, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ phát sinh đột xuất khác.

2. Tập trung làm tốt công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu thuế, nợ thuế, điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu góp phần giảm nhập siêu:

Ðiều chỉnh tăng thuế nhập khẩu tối đa trong phạm vi cam kết WTO đối với các mặt hàng tiêu dùng chưa thật sự cần thiết, mặt hàng xa xỉ.

Tăng thuế xuất khẩu đối với một số tài nguyên khoáng sản, góp phần khuyến khích chế biến tinh ở trong nước, bảo vệ tài nguyên quốc gia. Ðồng thời, để tạo điều kiện phát triển sản xuất, chưa áp dụng thuế đối với xăng, dầu nhập khẩu khi giá dầu thế giới ở mức cao, tiếp tục giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và một số nguyên liệu khác là đầu vào cho sản xuất.

Thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế đối với doanh nghiệp: Trong tám tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 29.074 đơn vị với tổng số thuế phải nộp phát hiện qua thanh tra, kiểm tra đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Tăng cường công tác quản lý nợ thuế: toàn ngành thuế tích cực triển khai các biện pháp thu nợ thuế, trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành các khoản nợ tồn đọng phát sinh trước thời điểm thực hiện Luật Quản lý thuế (1-7-2007), từng bước triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới... do vậy khoản nợ thuế khó thu đã giảm so với thời điểm ngày 31-12-2007.

3. Tăng cường chỉ đạo, điều hành đối với công tác quản lý giá, chấp hành pháp luật về giá, gian lận thương mại: Thực hiện giữ ổn định giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (xăng, dầu, điện, than, thép, xi-măng, giấy các loại, phân bón, bưu chính viễn thông, thuốc chữa bệnh, nước sạch, mức thu học phí và viện phí, cước vận chuyển đường không, đường sắt, vận chuyển bằng xe buýt công cộng...) trong sáu tháng đầu năm để hạn chế và giảm thiểu tác động của lạm phát đến đời sống của người dân.

Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý giá của Nhà nước; kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hình thành mức giá bán hợp lý: giá kê khai tăng giá thuốc, cước vận tải, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng hoặc trợ giá, tổ chức kiểm tra thuế gắn với giá của 1.453 doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về quản lý giá, phát hiện các trường hợp nâng  giá không hợp lý, đề nghị biện pháp xử lý. Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, phát hiện và xử lý hơn 10 nghìn vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại... trị giá hơn 600 tỷ đồng.

PV: Thưa Bộ trưởng, có một thực tế khiến nhiều bạn đọc băn khoăn là: trong khi sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa khó khăn, chỉ số giá thị trường chững lại, nhưng kết quả thu thuế lại vượt dự toán khá cao! Phải chăng trong thực hiện chính sách tài khóa có xu hướng thiên về tăng thu ngân sách nhà nước mà chưa chú ý hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Năm 2008, kinh tế nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng khả quan. Quý I-2008, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, sáu tháng đạt 6,5%, chín tháng đạt 6,52%, cả năm ước đạt 6,7% (Quốc hội quyết nghị tốc độ tăng GDP năm 2008 là khoảng 7%). So với tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2007 là 8,48% thì mức tăng trưởng năm 2008 sẽ thấp hơn. Giá cả thị trường từ tháng 9 có chững lại, tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9 nhưng tăng 21,65% so với tháng 12-2007; chỉ số giá tiêu dùng mười tháng 2008 vẫn tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2007. Do vậy, kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách kinh tế của Chính phủ trong năm 2008.

Nhờ tăng trưởng kinh tế khả quan và thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý thuế, chống gian lận thương mại, trốn lậu thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2008 ước đạt 399 nghìn tỷ đồng, vượt cao so dự toán (vượt 23,5%), trong đó chủ yếu vượt thu về dầu thô do yếu tố tăng giá (từ mức dự toán 64 USD/thùng tăng lên 102 USD/thùng); vượt thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu chủ yếu do chính sách thu để hạn chế nhập siêu; vượt thu tiền sử dụng đất là 5.500 tỷ đồng. Số vượt thu từ sản xuất kinh doanh trong nước dự kiến 5,9% so dự toán, chiếm 13,4% tổng số vượt thu năm 2008. Như vậy, số thu năm 2008 vượt dự toán khá cao là do số vượt thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu. Ðây là những khoản thu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, diễn biến phức tạp và khó dự báo. Thí dụ giá dầu thô: có thời điểm giá dầu thô đạt mức kỷ lục 147 USD/thùng (tháng 7-2008), có lúc xuống dưới 60 USD/thùng; IMF từ ngày 30-5-2008 đến nay đã bốn lần thay đổi dự báo về giá dầu thô, các tổ chức quốc tế, ngân hàng có uy tín khác cũng có nhiều dự báo khác nhau về biến động giá dầu thô trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, thu ngân sách cũng gặp khó khăn, ảnh hưởng cân đối ngân sách Nhà nước do tốc độ tăng thu có xu hướng giảm dần: năm tháng đầu năm tốc độ tăng thu bình quân 44% so cùng kỳ năm 2007, từ tháng 6 đến nay, tốc độ tăng trung bình chỉ còn khoảng 20%.

Thời gian qua, Ðảng và Nhà nước chủ trương thực hiện chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp tích luỹ đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích người dân lao động làm giàu chính đáng, cụ thể như:

- Giảm dần mức động viên về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Luật Thuế TNDN năm 2003 giảm mức động viên từ 32% xuống 28% (áp dụng từ ngày 1-1-2004). Luật Thuế TNDN sửa đổi (áp dụng từ ngày 1-1-2009) tiếp tục hạ thuế suất từ 28% xuống 25%.

- Cho phép doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo nguồn cho việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất.

- Thuế thu nhập cá nhân được giảm trừ gia cảnh ở mức cao (bốn triệu đồng cho bản thân người nộp thuế và 1,6 triệu cho người phụ thuộc), áp dụng mức thuế suất khởi điểm 5% thay cho mức 10% hiện hành; hạ mức thuế cao nhất từ 40% xuống 35%.

- Nhiều khoản phí, lệ phí liên quan lĩnh vực xuất khẩu, vận tải, cầu đường, cảng biển, hải quan, cấp phép, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa... đã được bãi bỏ hoặc điều chỉnh giảm mức thu, góp phần làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

-  Thực hiện ưu đãi, miễn, giảm thuế cao nhất cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh công nghệ cao, sản xuất phần mềm, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng; đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, văn hóa... (xã hội hóa).

- Trong năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN đối với các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử để giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn về vốn, cải thiện sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cùng với chính sách động viên được điều chỉnh giảm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nhiều thủ tục hành chính về tài chính, nhất là thuế và hải quan đã được cải thiện đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá cao, góp phần giảm bớt thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, như áp dụng cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế; quản lý theo quy trình rủi ro; giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ trong quản lý thuế, hải quan, loại bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà doanh nghiệp và người dân...

PV: Những nội dung và giải pháp chủ yếu trong chính sách tài khóa từ nay đến cuối năm và năm 2009 liên quan mật thiết đến đời sống cán bộ, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Từ nay đến hết năm 2008 thời gian còn lại không nhiều, do vậy để phát triển sản xuất kinh doanh, cần tập trung xử lý, tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức tốt thị trường nội địa để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trong nước; giữ vững cân đối cung- cầu các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh để dự trữ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu trong những dịp lễ, Tết. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2008; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành để góp phần ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, mưa lớn gây úng lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của đối với một số tỉnh ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Ðể khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng bị thiên tai, Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí, gạo và giống rau cho các địa phương để cứu đói, triển khai sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân và khôi phục các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ðối với năm 2009, mục tiêu tài chính - ngân sách đặt ra là "Bảo đảm mức động viên NSNN tích cực; cơ cấu lại chi NSNN, ưu tiên chi cho con người và an sinh xã hội, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, giảm dần bội chi NSNN, góp phần tiếp tục kiềm chế và giảm dần lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế với tốc độ hợp lý và bền vững", góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm năm 2006 - 2010 mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ X đã đề ra. Ðể đạt được mục tiêu này, cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, thực hiện đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, vừa thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa  ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, nhưng điều hành chủ động và linh hoạt; từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn. Ðiều hành chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm, cả trong đầu tư và chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.

Thực hiện giảm, giãn nộp thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực đang gặp khó khăn; tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí để bãi bỏ các khoản thu không hợp lý, giảm các khoản thu còn cao, qua đó giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới và trong nước để điều hành hợp lý về chính sách thuế nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; chú trọng mở rộng và phát triển các thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Hai là, chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từng địa phương thực hiện soát lại quy hoạch sử dụng đất, có giải pháp bảo đảm quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách thuế, tài chính hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi... Nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về công tác thú y, bảo vệ thực vật, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ nhằm phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.

Ba là, đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội. Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách đã có, đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng, nhất là đối với 61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Thực hiện trợ cấp khó khăn cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp, người hưởng lương hưu, người có công.

Bốn là, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính doanh nghiệp, duy trì vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã đề ra. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động và ngăn ngừa thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển đồng bộ các thị trường, đẩy mạnh việc thực hiện quản lý giá cả theo nguyên tắc thị trường. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với các loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá (điện, nước sinh hoạt, vé máy bay,...) theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi liên kết lợi dụng các biến động về nguồn hàng, giá cả trên thị trường để đầu cơ, nâng giá, nhất là đối với các loại vật tư quan trọng. Ðẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chống đưa tin thất thiệt ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân.

Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước; tăng cường công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo Nguyễn Anh Dũng (Báo Nhân dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất