Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 28/11/2008 11:39'(GMT+7)

Rất cần những cái “bắt tay” giữa Nhà nước và tư nhân

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Chính phủ Việt Nam đã coi phát triển cơ sở hạ tầng là một ưu tiên chính để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và đạt tăng trưởng cân bằng, hiện đang thực hiện các bước đi cần thiết với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới nhằm xây dựng một hệ thống theo định hướng thị trường để thu hút vốn tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Có thể nói, trong khi Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức do lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn… việc nghiên cứu để sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đảm bảo cho phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Với mục tiêu hướng tới một Việt Nam CNH-HĐH vào những năm 20 của thế kỷ 21, thì đòi hỏi cấp thiết đặt ra cơ sở hạ tầng phải phát triển hướng tới mục tiêu hiện đại, biến đổi cơ bản về chất so với hiện nay, đáp ứng những yêu cầu thiết yếu cho phát triển. Vấn đề đặt ra trước tiên vẫn là nguồn nhân lực. Để giải quyết đòi hỏi này, ngoài sự nỗ lực tập trung từ ngân sách Nhà nước, đó chính là nguồn vốn đầu tư tư nhân trong, ngoài nước, là việc áp dụng mạnh mẽ, sâu rộng sự hợp tác đầu tư giữa Nhà nước – Tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, cơ sở hạ tầng đã có những thay đổi quan trọng trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông vận tảị Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp nên mặc dù Chính phủ và các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực nhưng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Việt Nam chủ yếu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, từ nguồn vốn ODA, từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ… Điều này đã hạn chế nhiều đến nhịp độ phát triển cơ sở hạ tầng và hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian quạ

Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2007 của Ngân hàng Thế giới cho biết, đầu tư hàng năm vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam chiếm từ 9-10% GDP (tỷ trọng này được coi là rất cao với tiêu chuẩn quốc tế). Tuy nhiên, cả Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đều cho rằng, để duy trì mức tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam cần tăng thêm đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ 11-12% GDP. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lê Bích Đạt cũng thừa nhận “đầu tư vào cơ sở hạ tầng phải gấp đôi sự phát triển kinh tế, nếu không cơ sở hạ tầng sẽ là lực cản”.

Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, Việt Nam phải xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển. Trong giai đoạn 2007-2008, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng. Hiện nay, nguồn vốn quốc tế tài trợ gần 40% tổng đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó sự tham gia của nguồn vốn tư nhân mới ở mức rất khiêm tốn (chiếm khoảng 15%). Chỉ riêng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2020 cho thấy trung bình hàng năm cần 117.744 tỷ đồng, tương đương 7,4 tỷ USD, trong khi đó khả năng đáp ứng của các nguồn vốn hiện có cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải như vốn ngân sách, ODA, trái phiếu Chính phủ chỉ vào khoảng 2-3 tỷ USD, tương đương 20-30% nhu cầụ

Thực tế, khối tư nhân đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực hạ tầng. Ví dụ, ở lĩnh vực năng lượng, nhiều nhà máy thủy điện cỡ trung bình và lớn (trên 100 MW) trước đây chỉ có các doanh nghiệp nhà nước với tiềm lực vốn hùng hậu và kỹ thuật công nghệ tiên tiến mới đảm đương được, nay đã được xây dựng bởi nhiều doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, sự tham gia của kinh tế tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng còn khiêm tốn, tính chung, tư nhân chỉ chiếm 15% tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng.về số lượng và giá trị đầu tự Hiện Việt Nam chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế... đang cần một lượng vốn lớn để xây dựng và thực hiện các dự án nàỵ Trong khi đó, kinh tế tư nhân có thể lấp đầy khoảng cách giữa nhu cầu và khả năng cung cấp vốn.

Theo tính toán của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), trong lĩnh vực giao thông, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm cần tới 165.938 tỷ đồng để đầu tự Hàng loạt dự án quan trọng cần phải đầu tư như: trục dọc Bắc - Nam (hoàn thành nâng cấp đường sắt Thống Nhất, xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam), khu vực phía Bắc (xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc thuộc 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, mở rộng các cảng Cái Lân, Đình Vũ, xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện)...

Từ trước tới nay, hầu hết các công trình lớn đều sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn ODA, trái phiếu của Chính phủ, trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ. Tính đến nay cả nước đã có 16 dự án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), một số dự án điện cũng được tư nhân tham gia đầu tư.Tuy nhiên ở Việt Nam, do một số khó khăn, các nhà đầu tư cá nhân còn e dè đầu tư cơ sở hạ tầng. Phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng do tư nhân tham gia đều có quy mô không lớn, số lượng ít. Một trong những nguyên nhân, của tình trạng trên là hầu hết các dự án có tính khả thi cao được giao doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận trực tiếp dự án. Cụ thể như: trong lĩnh vực thủy điện, các dự án quy mô vừa trở lên được phân cấp đầu tư cho Tập đoàn Điện lực và một số tổng công ty nhà nước. Về vốn để thực hiện các dự án, các doanh nghiệp tư nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể khẳng định, việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ đem lại hiệu quả cao do sự quản lý vốn của khu vực này chặt chẽ, nhạy cảm hơn với những chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Việc tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ góp phần chống tham nhũng lãng phí, bởi nguồn vốn của tư nhân luôn được quản lý chặt chẽ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Các chuyên gia cho rằng, nếu có cơ chế pháp luật tốt, các chính sách ưu đãi phù hợp, các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân sẽ làm tốt hơn các nhà cung cấp dịch vụ thuộc khu vực công. Đó là lý do vì sao cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua hình thức đầu tư BOT hoặc góp vốn trực tiếp. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần được quy hoạch cụ thể, mang tính dài hạn, đồng thời cần thiết lập đầu mối liên kết giữa Nhà nước và tư nhân.

Theo Phó tổng giám đốc BIDV Nguyễn Khắc Thân, để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà nước phải giải quyết được hai vấn đề quan trọng: Phải cân bằng giữa lợi nhuận mà nhà đầu tư thu được từ dự án và những mục đích xã hội mà dự án đạt được. Dự án bỏ vốn lớn nên nhà đầu tư muốn biết họ bỏ tiền ra sẽ có lợi gì và được những ưu đãi cụ thể nào khi tham gia.Mọi chính sách, thông tin phải được minh bạch hóá. Các nhà đầu tư đòi hỏi họ phải được quyền bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước. Phải tạo ra được "môi trường thuận lợi", bao gồm môi trường cạnh tranh, khung pháp lý hoàn thiện và một nền kinh tế ổn định. Một dự án có thời gian 20 - 30 năm, do vậy đòi hỏi phải có thể chế, quy định pháp luật cụ thể để phân bổ trách nhiệm một cách rõ ràng trong tất cả các giai đoạn của dự án.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, ông Kamran M.Khan, đại diện Ngân hàng thế giới - WB, kiến nghị: "Chính phủ phải hỗ trợ tài chính để dẫn dắt thị trường, các quy định phải rõ ràng, tạo động cơ khuyến khích nâng cao chất lượng cho dự án. Điều quan trọng là phải tập trung vào phát triển thị trường tài chính. Cụ thể hơn, doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế, các khoản vay ưu đãi cần được mở rộng cho khối tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho phép nhà đầu tư cơ sở hạ tầng được hưởng các ưu đãi như cung cấp vốn, ưu đãi thuế...

Ông Tống Quốc Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cũng cho rằng, việc nghiên cứu ứng dụng mô hình hợp tác Nhà nước-Tư nhân sẽ góp phần hoàn chỉnh một bước về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; tập trung xây dựng các công trình quan trọng, thiết yếu, quy mô lớn hiện đại kết hợp với nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có; Phát triển giao thông địa phương, xóa đói giảm nghèo; Cải thiện tình hình giao thông đô thị thông qua việc nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn (có thể đạt tới 50% nhu cầu đi lại của nhân dân bằng hệ thống đường sắt nội đô và xe buýt).

Để triển khai được mô hình hợp tác đầu tư công ở Việt Nam, bên cạnh việc nghiên cứu mô hình các nước đã và đang triển khai, các bộ, ngành liên quan (Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính) cần phối hợp nghiên cứu khả năng triển khai áp dụng mô hình hợp tác đầu tư công tại Việt Nam, nghiên cứu sửa đổi, hướng dẫn các quy định pháp lý tạo oôi trường thuận lợi trong việc triển khai các dự án PPP. Một trong những giải pháp quan trọng để huy động vốn ngoài ngân sách đó là việc hoàn thiện khung pháp lý, thể chế và chính sách. Chính phủ phải có hành lang pháp lý cần thiết để hạn chế và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, nhất là các rủi ro mang tính chủ quan khi đưa công trình vào hoạt động./.

Hải  Văn (Cục Tài chính-Doanh nghiệp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất