Cầu truyền hình trực tiếp được kết nối tại năm điểm Khu di tích lịch sử
rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng), Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng
trường Biển - Bảo Ninh (tỉnh Quảng Bình), Khu di tích Chiến khu D (tỉnh
Đồng Nai) và Hội trường Thống Thất (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tối 12/12, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Đài
Phát thanh-Truyền hình các tỉnh Cao Bằng, Quảng Bình, Đồng Nai, Truyền
hình Quốc phòng và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện cầu
truyền hình đặc biệt mang tên “Vinh quang Bộ đội Cụ Hồ."
Cầu truyền hình trực tiếp được kết nối tại năm điểm Khu di tích lịch sử
rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng), Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Quảng
trường Biển - Bảo Ninh (tỉnh Quảng Bình), Khu di tích Chiến khu D (tỉnh
Đồng Nai) và Hội trường Thống Thất (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại năm điểm cầu tuyền hình, khán giả đã được nghe các nhân chứng lịch
sử kể lại một thời “khói lửa” của mình. Là một trong ba người làm công
tác giao liên cho Bác Hồ và các đồng chí trong Đội Việt Nam Tuyên truyền
giải phóng quân ở Cao Bằng trong giai đoạn đầu mới thành lập, cụ Hoàng
Thị Khìn (94 tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh
Cao Bằng), chia sẻ từ nhỏ, cụ đã tham gia các tổ chức cách mạng của Việt
Minh. Năm 1941, cụ được tổ chức phân công nuôi một cán bộ cao cấp tại
hang Pác Bó và sau này mới biết là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, cụ đều
thắp hương trên bàn thờ Bác Hồ tại nhà.
Đội viên còn lại duy nhất của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân,
cụ Tô Văn Cắm (93 tuổi) rất vui mừng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày
nay lớn mạnh và trưởng thành.
Nguyên Đại đội trưởng Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình), bà Ngô
Thị The, cho biết với truyền thống bất khuất “Giặc đến nhà, đàn bà cũng
đánh” của dân tộc, sau khi thành lập, đơn vị đã bắt tay ngay vào công
việc của một pháo thủ. Lúc đầu tuy có khó khăn lắm, nhưng họ vẫn quyết
tâm học, không chỉ điều khiển được những khẩu pháo to đùng một cách
thành thạo mà còn bắn giỏi.
Một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy là
chiến thắng trận đầu ra quân. “Ngày 7/2/1968, Đại đội pháo binh Ngư Thủy
đã dùng pháo 85 ly đã bắn cháy khu trục hạm mang số hiệu 013, trở thành
đơn vị nữ dân quân đầu tiên trên miền Bắc bắn cháy tàu chiến của Mỹ,"
bà The xúc động chia sẻ.
Trong không khí đầy ắp những kỷ niệm hào hùng các giai đoạn ra đời,
chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Trần
Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu , chia sẻ các thế hệ cán
bộ, chiến sỹ Quân khu 7 tự hào được sinh ra và trường thành trên mảnh
đất Miền Đông gian lao mà anh dũng. Để xứng đáng với thế hệ đi trước, từ
sau khi năm 1975 cán bộ, chiến sỹ Quân khu 7 đã kế thừa, nối tiếp và
phát huy một cách xuất sắc truyền thống oanh liệt của Quân Giải phóng
Miền Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bảo vệ Tổ quốc; tham gia
tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng, thực hiện chính sách đền
ơn đáp nghĩa; tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, tích cực huấn luyện sẵn sàng
chiến đấu cao…
Xen lẫn phần giao lưu, khán giả đã được thưởng thức nhiều giai điệu ca
múa nhạc đặc sắc đi cùng năm tháng ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng
quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Quân đội Nhân dân Việt Nam do các nghệ sỹ, ca
sỹ tập thể Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc, Nhà hát nghệ thuật Đương
đại Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Quân khu 4, Đoàn nghệ thuật Quân khu 5,
Đoàn nghệ thuật Quân khu 7, Đoàn văn công Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Văn
hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng
biểu diễn.
Nhân dịp này, tại các điểm cầu, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê
Thanh Hải đã trao lẵng hoa chúc mừng 70 năm thành lập Quân đội nhân dân
Việt Nam tặng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí
thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trung tướng Lương
Cường, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đón nhận câu đối mừng 70 năm
thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam của giáo sư Vũ Khiêu trao tặng./.
Nguyễn Cường (TTXVN)