Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 4/12/2014 23:38'(GMT+7)

Hà Nội: Phát hiện một dạng thành lũy bên dưới thành Cổ Loa

Theo tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học, dạng thành lũy này hình thành sớm hơn thành Cổ Loa nằm bên dưới thành Trung thuộc văn hóa cư dân Đông Sơn. 

Hình thái cụ thể, chiều rộng-dài của thành lũy chưa được xác định rõ. Như vậy, có thể khẳng định, thành Cổ Loa do vua An Dương Vương đắp đã kế thừa tòa thành có trước đó. Thành do vua An Dương Vương đắp có quy mô to lớn gấp nhiều lần, khối lượng công việc tương ứng với một chế độ xã hội cao cấp dạng nhà nước sơ khai.

Cũng theo kết quả nghiên cứu 3 vòng thành, các nhà khảo cổ học phát hiện kỹ thuật đắp thành Nội và Ụ hỏa hồi phía đông bắc thành Nội hoàn toàn khác với kỹ thuật đắp thành Ngoại, thành Trung , khu vọng gác; xuất lộ gốm Đông Sơn, đồ sắt và di tích bếp lửa nằm dưới lũy thành Trung. Cụ thể, kỹ thuật đắp thành Nội và Ụ hỏa hồi cho thấy các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất. Đó là tạo mặt phẳng chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất như kỹ thuật đắp thành Trung.

Vật liệu được sử dụng để đắp thành lũy được khai thác từ hào nằm bên ngoài thành. Thông qua địa tầng thành cho thấy thành có cột địa tầng đảo ngược so với hào. Phần lớn bức tường thành đất được xây dựng liên tục trong một khoảng thời gian tương đối nhanh. Sự kết hợp của các đồ tạo tác, tương phản kỹ thuật xây dựng và niên đại các bon phóng xạ cho thấy đa số các lũy được xây dựng bởi một xã hội địa phương bản địa.

Kết quả khai quật thành Trung cho thấy lần đắp thứ 5 (giai đoạn 3) và giai đoạn đắp thêm lần thứ 2 ở phía Bắc, phía Nam thành Ngoại bước đầu khẳng định thời Lê Sơ.

Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử, có thể khẳng định thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ 3- 2 trước Công nguyên. Đây là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ nhà vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ chắc chắn.

Tại hội nghị, các nhà khoa học cho rằng, kết quả nghiên cứu về thành Cổ Loa có một bước tiến về phương pháp khai quật, phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên nhiều vấn đề cần làm rõ về các giai đoạn đắp thành; làm rõ thêm di vật ngói, gốm thuộc thời kỳ nào của văn hóa Đông Sơn; cần kết hợp phương pháp luận giữa địa tầng, di vật và niên đại. 

Giáo sư Hán Văn Khẩn cho rằng: “Cuộc khai quật mang lại nhiều kết quả nhưng việc xác định thời kỳ không thể căn cứ vào lớp địa tầng vì mỗi thời kỳ có thể có nhiều lớp địa tầng và cần kết hợp với các di vật”.

Kết quả nghiên cứu cũng giải đáp những băn khoăn dấu tích nào của vua An Dương Vương, dấu tích nào của nhà Hán và cũng rõ hơn những dấu tích của An Dương Vương được kế thừa từ văn hóa, tập quán của nhà Hán. Một số ý kiến cũng cho rằng, nghiên cứu thành hào Cổ Loa cần mở rộng thêm trên cả thành và dưới mặt nước.

Từ kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học kiến nghị lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của di tích Cổ Loa còn để lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng nhất của thành Cổ Loa để nghiên cứu, phục hồi và trên cơ sở đó giúp du khách trong và ngoài nước có thể nhận diện toàn bộ di tích.

Tiến hành khai quật lũy phía Tây Nam thành Ngoại, lũy phía Tây Nam thành Trung, lũy và Ụ hỏa hồi phía Tây Nam thành Nội và hào thành Ngoại. Sau khi kết thúc sẽ làm mái che bảo vệ di tích giới thiệu đến khách tham quan. 

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia cũng kiến nghị bảo tồn và phát huy giá trị di sản là trách nhiệm của địa phương nhưng cũng là trách nhiệm của các nhà di sản và cần có quy hoạch khảo cổ học để bảo vệ tốt di sản./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất