MÔI TRƯỜNG GIÚP CÁC EM TRƯỞNG THÀNH
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) hàng năm có tỷ lệ học sinh giỏi khá cao. Các em không chỉ học giỏi mà còn tích cực tham gia hoạt động phong trào, công tác xã hội...
Từ năm học 2016 - 2017 nhà trường đã thành lập “Tổ tu dưỡng”, lúc đầu chỉ có 3 học sinh, nhưng nay đã có 12 em là cán bộ chi đoàn các lớp đến sinh hoạt. “Đây chính là những “hạt giống” tốt mà đoàn trường, chi bộ trường ươm mầm nuôi dưỡng để các em được đứng vào hàng ngũ của Đảng”, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Vốn có máu phong trào, ngay khi thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du, Trần Gia Huy và Dương Minh Thành được bạn bè, thầy cô tin tưởng bầu làm Bí thư Chi đoàn lớp. Không chỉ tiên phong đi đầu ở các hoạt động đoàn trường, hoạt động xã hội, Huy và Thành còn “rủ rê” được bạn bè tham gia.
Niềm vui vỡ òa khi Huy biết mình được chi bộ trường chọn để phát triển Đảng. Những buổi tham gia “Tổ tu dưỡng”, Huy cảm thấy lớn hơn rất nhiều từ suy nghĩ đến hành động. Sau quá trình phấn đấu, Huy và Thành vinh dự được nhà trường giới thiệu tham dự lớp cảm tình Đảng.
Không ít người băn khoăn, liệu với tuổi đời còn khá nhỏ, các em học sinh THPT đã có đủ nhận thức, đủ bản lĩnh để tự tin đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhưng theo thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) không phải ai khi đứng vào hàng ngũ của Đảng cũng phải ưu tú về mọi mặt.
Mà tổ chức đảng chính là môi trường ưu tú giúp các cá nhân, trong đó có các em đang còn trong độ tuổi cắp sách đến trường hoàn thiện, phát triển bản thân. “Tất nhiên khi bước chân vào hàng ngũ của Đảng, các em đã trải qua quá trình được quan sát, giúp đỡ, rèn luyện, thử thách cũng như đủ tư cách một quần chúng ưu tú”, thầy Ngọc Minh nêu quan điểm.
Ngày nay, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, cống hiến và trưởng thành. Ngoài kiến thức chuyên môn, thì thông qua hoạt động phong trào, các câu lạc bộ đội nhóm tại nhà trường, địa phương, các em đã có điều kiện nâng cao nhận thức, học cách ứng xử, tự tin trước các hoạt động xã hội, giao tiếp.
Đến khi được phát hiện, giúp đỡ, giáo dục, nhận thức chính trị của các quần chúng ưu tú là học sinh đã dần hình thành và ngày thêm chín chắn.
CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG
Chia sẻ về vai trò của người trẻ khi đã là đảng viên, Phó Bí thư Đoàn Khoa Luật Hình sự, Đại học Luật TPHCM Nguyễn Chế Thanh trăn trở, làm sao để những người trẻ giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với Đảng và tổ chức Đảng nơi mình học tập, sinh hoạt.
“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ phải cống hiến và nỗ lực hết mình với những phong trào mà bản thân tham gia. Trường THPT Ngô Quyền (quận 7) là mái nhà thứ hai để tôi bước sang một trang mới của cuộc đời.
Bên cạnh đó, tôi không đồng ý với quan điểm của nhiều người, xem việc vào Đảng là một lợi thế khi ra trường, hay để có bất cứ quyền lợi nào khác. Các bạn hãy xem đó là điều vinh dự, sự ghi nhận và thành quả mà chúng ta xứng đáng với những nỗ lực của bản thân. Chỉ có như vậy ta mới hết lòng với những gì đang theo đuổi và cố gắng nhiều hơn”, Thanh bày tỏ.
Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên trong học sinh phổ thông còn nhiều hạn chế. Những năm qua, số lượng phát triển đảng trong học sinh có tăng nhưng chưa đạt so với mong muốn và nguồn học sinh.
Nguyên nhân, nhiều nơi chưa thực sự làm tốt công tác phát triển đảng viên. Phần đông học sinh chưa có ý thức phấn đấu, còn mơ hồ về lý tưởng, động cơ vào đảng. Trên địa bàn quận 7 hiện có 3 trường THPT, nhưng hàng chục năm, Đảng bộ Quận 7 chưa kết nạp Đảng cho học sinh nào.
Đến năm học 2015 - 2016, lần đầu tiên Đảng bộ Quận 7 và Đảng bộ cơ sở Trường THPT Ngô Quyền mới kết nạp được 1 học sinh. Đây là trường duy nhất của quận 7 thực hiện được nhiệm vụ phát triển Đảng trong học sinh.
Theo thầy Lê Xuân Nguyên, Bí thư Đảng bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Đảng bộ nhà trường đã đề ra nghị quyết về việc phát triển đảng viên mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong đối tượng học sinh.
Thông qua các hoạt động, đoàn trường mạnh dạn giao việc, thử thách các em từ lớp 10, lớp 11, từ đó tạo nguồn phát triển Đảng. “Năm 2018, chúng tôi tiếp tục phát triển được 3 đảng viên học sinh, hiện các em là sinh viên của các trường đại học”, thầy Nguyên cho biết./.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, từ năm 2013 đến hết 2017, có 25 học sinh được kết nạp Đảng trong trường học. Hàng trăm học sinh được học lớp cảm tình Đảng. Một số khó khăn trở ngại liên quan đến phát triển Đảng trong học sinh đã được tháo gỡ. Theo thầy Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, công tác bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những học sinh ưu tú không nên chạy theo số lượng mà cần nhất là chất lượng mỗi “hạt giống”. Nhà trường cũng cần tạo điều kiện để các em thể hiện năng lực, nhất là tạo nhiều sân chơi giúp các em bộc lộ năng khiếu của bản thân.