Ngày 7/2/2022, dư luận xôn xao trước sự việc một thiếu
niên có hành động kéo, bắt ép một cô bé với mục đích bắt về nhà làm vợ
theo tục “Chắt Pò Nỉa” (tục kéo vợ). Nhờ sự giải cứu kịp thời của các
chiến sĩ công an địa phương, thiếu nữ này đã trở về nhà an toàn. Tuy
nhiên sau khi video ghi lại sự việc được đăng tải lên mạng xã hội, lại
có ý kiến trái chiều cho rằng cơ quan chức năng “can thiệp quá sâu vào
phong tục, tập quán” của đồng bào dân tộc.
Cơ sở để các ý kiến này dựa vào là chi tiết “hai thiếu niên đã quen
biết nhau trên mạng xã hội”, “đám đông chung quanh không can thiệp” để
kết luận cả hai đã chấp nhận trở thành vợ chồng nên phải được tôn trọng!
Thực tế, những ý kiến như vậy đã vô tình bỏ qua hoặc tảng lờ một sự
thật là cả hai nhân vật trong vụ việc nói trên đều dưới 18 tuổi (nam
thiếu niên sinh năm 2006, nữ nạn nhân sinh năm 2008). Tức là dù cả hai
“chấp nhận” thì hành vi đó cũng vi phạm các quy định trong Luật Trẻ em,
Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự hiện hành.
Không những vậy, theo quan điểm của các cán bộ địa phương, nhà nghiên
cứu văn hóa dân tộc thiểu số và đại diện của cộng đồng người H’Mông ở
Hà Giang, sự việc này là hành vi biến tướng, khiến xã hội hiểu sai về
bản chất của tục “kéo vợ”. Mặt khác, việc người chưa thành niên tự ý kết
hôn trái pháp luật thông qua hành vi “bắt vợ” và những hành vi cưỡng
hôn khác còn là một nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn hiện nay.
Thí dụ trên không phải là hiện tượng đơn lẻ, hi hữu, mà là một loại
hiện tượng đáng báo động. Theo Báo cáo sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và
Gia đình năm 2014 (được Bộ Tư pháp thực hiện năm 2019), tình trạng tảo
hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tảo
hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59% (nam 26,04% và nữ 27,12%).
Tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) - nơi diễn ra vụ việc “bắt vợ” vừa qua,
trong năm 2021 có 21 cặp tảo hôn.
Báo cáo 5 năm thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn
nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”
tại một số địa phương cho biết không chỉ người dân mà có nơi cán bộ,
đảng viên ở cấp xã cũng vi phạm, từ đây tạo ra sự nể nang, né tránh
trong công tác xử lý vụ việc. Điều đáng nói là một bộ phận người dân vẫn
lấy lý do duy trì phong tục, tập quán để thực hiện hành vi “tảo hôn”,
“hôn nhân cận huyết” vi phạm pháp luật Việt Nam, đi ngược sự phát triển
văn hóa, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kéo lùi sự
phát triển của kinh tế-xã hội.
Thực tế cho thấy cho đến nay, không ít phong tục, tập quán đang tồn
tại trong đời sống vật chất và tinh thần của 54 dân tộc Việt Nam đã trở
thành lỗi thời, lạc hậu hoặc bị biến dạng, mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban
đầu. Trong đó, phải kể đến các hình thức đưa tiễn, tưởng nhớ người đã
khuất của nhiều dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Thí dụ: cá biệt ở một số
địa phương thuộc tỉnh Sơn La, Yên Bái vẫn xuất hiện hình thức treo thi
thể người chết ở giữa nhà, mổ nhiều gia súc với mong muốn người đã khuất
được ấm no, hạnh phúc, không gây hại cho con cháu, người thân.
Vì thế, chi phí dành cho tang lễ của một số gia đình lên đến hàng
trăm triệu đồng, không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng đến môi
trường, nhất là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hoặc tục đốt vàng mã cũng
là hiện tượng khác gây nhức nhối trong xã hội nhưng chưa có biện pháp
giải quyết triệt để. Theo một thống kê chưa đầy đủ: trung bình mỗi năm
người Việt Nam chi khoảng 5.800 tỷ đồng để đốt 60.000 tấn vàng mã với
mục đích tưởng nhớ người đã khuất, cầu an, cầu tài. Tình trạng rải, đốt
vàng mã ở khắp nơi từ cơ sở tâm linh đến địa điểm công cộng còn gây mất
mỹ quan, ô nhiễm không khí và nhiều tác hại khác.
Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện tượng biến
tướng lễ hội đã tạm thời lắng xuống. Song không vì thế mà chúng ta được
phép lơ là, chủ quan với loại hiện tượng này, nhất là khi cả nước đang
bước vào giai đoạn bình thường mới, nhiều địa phương đã sẵn sàng mở cửa
các khu di tích lịch sử, tổ chức các hoạt động lễ hội.
Chưa kể, nếu không chấn chỉnh kịp thời, hình ảnh, danh tiếng của một
số lễ hội nguy cơ sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có bởi nhiều nguyên nhân, mà nổi
bật là xu hướng thương mại hóa, nạn “buôn thần, bán thánh”, nhận thức
sai lầm và hành vi lệch lạc của ban tổ chức lễ hội lẫn một bộ phận du
khách. Đó là chưa tính, một số lễ hội cần phải thay đổi, thậm chí có thể
loại bỏ, vì có hình ảnh dã man, phản cảm, kích động bạo lực, mô tả đâm
chém như “đâm trâu”, “chém lợn”, “cướp phết”, “tranh lộc”...
Ngày 17/3/2022 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành
Công văn 861/BVHTTDL-VHDT về việc chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm
không phù hợp với văn hóa truyền thống. Công văn chỉ rõ hiện tượng “cướp
vợ”, “bắt vợ” không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, gây bức
xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống
tốt đẹp của đồng bào dân tộc H’Mông. Đồng thời qua sự việc này, Bộ Văn
hóa-Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các Sở Văn hóa-Thể thao và Du
lịch:
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và
triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Văn
hóa-Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa
truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam;
2. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chấm dứt những hiện tượng phản cảm
không phù hợp với văn hóa truyền thống trong công tác quản lý văn hóa,
các vấn đề hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán, đời
sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử
lý vi phạm theo thẩm quyền;
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói
chung, công tác văn hóa dân tộc nói riêng trong cộng đồng các dân tộc
sinh sống trên địa bàn.
Đây có thể xem là một hành động đúng đắn, kịp thời của Bộ Văn hóa-Thể
thao và Du lịch nhằm chấn chỉnh, loại bỏ những hiện tượng phản cảm
không phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên cần xác định
đây là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của
nhiều cơ quan chức năng. Việc loại bỏ, chấm dứt những tập tục không còn
phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển cần phải được nghiên cứu, kiến
giải hợp lý, kết hợp giữa điều chỉnh pháp luật với vận động, nâng cao
nhận thức của nhân dân trong xây dựng nếp sống mới.
Qua đó, hướng người dân đến những lợi ích thiết thực, dễ nhận thấy mà
đời sống văn minh mang lại khi thay thế cho các hủ tục. Việc nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng, góp
phần giải quyết triệt để, tận gốc vấn nạn này. Thực tế, xây dựng đội ngũ
trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch luôn là một công tác được
Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và phát
triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực
văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa,
có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
đặt ra.
Tuy nhiên việc tuyển dụng và đào tạo cán bộ về văn hóa còn nhiều khó
khăn, chính sách dành cho cán bộ là người dân tộc thiểu số vẫn còn những
bất cập. Tại nhiều địa phương số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số
tỷ lệ còn chưa tương xứng với tỷ lệ số dân của các dân tộc. Hệ quả là
một bộ phận cán bộ chưa nắm vững những chủ trương lớn của Đảng và Nhà
nước về gìn giữ, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc,
xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn mê tín dị đoan, từ đó dẫn đến tình trạng một
số biện pháp giáo dục, tuyên truyền về nét đẹp văn hóa, nếp sống văn
minh, xử lý vi phạm về văn hóa còn mang tính cực đoan, thái quá khiến
người dân thiếu hợp tác.
Đồng thời các thiếu sót đó có thể tạo kẽ hở cho thế lực thù địch, cá
nhân, tổ chức thiếu thiện chí xuyên tạc tình hình quyền con người trong
lĩnh vực văn hóa.
Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống là một nhiệm
vụ quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa trở thành nền tảng
tinh thần của xã hội. Công việc ấy càng trở nên cấp thiết hơn khi một số
phong tục, tập quán, lễ hội tốt đẹp của ông cha đã và đang có hiện
tượng, nguy cơ bị mai một, thất truyền. Bên cạnh đó, nhiều phong tục,
tập quán hiện nay cũng không còn giữ chức năng xã hội, không phù hợp với
đời sống đương đại.
Bởi vậy, công tác gìn giữ bản sắc dân tộc, phong tục, tập quán phải
có sự chắt lọc, gạn đục khơi trong để giữ lại tinh hoa, vốn quý mà tổ
tiên gây dựng. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ, đấu tranh đẩy lùi các hủ
tục, tệ nạn, hiện tượng phản văn hóa, lấy cái đẹp của nền văn hóa mới,
con người mới để dẹp đi cái xấu, cái chưa tốt còn bám rễ trong đời sống
cộng đồng./.