Tối 27/2, ông Bô-rít I-ê-phi-mô-vích Nem-sốp (Boris Yefimovich Nemtsov), cựu Phó thủ tướng đồng thời là một nhà chính trị đối lập tại Nga, bất ngờ bị sát hại trong bối cảnh phe đối lập ở nước này đã lên kế hoạch tổ chức cuộc tuần hành quy mô lớn tại Mát-xcơ-va.
Án mạng giữa trung tâm thủ đô
Theo AFP, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga sáng 28/2 cho biết, nhà chức trách nước này đã phát hiện một người đàn ông có giấy tờ tùy thân mang tên Bô-rít I-ê-phi-mô-vích Nem-sốp bị giết hại tại trung tâm Mát-xcơ-va, song không cung cấp chi tiết về vụ việc. Ủy ban Điều tra Nga sau đó đã xác nhận thông tin nói trên, đồng thời cho biết đang mở cuộc điều tra hình sự về vụ án mạng này.
CNN cho hay, theo thông tin ban đầu của các điều tra viên, một kẻ không rõ danh tính trên một chiếc xe hơi đã bắn ông B.I.Nem-sốp ít nhất 7 đến 8 phát đạn khi nạn nhân đi bộ dọc cầu Bolshoi Moskvoretsky ở thủ đô Mát-xcơ-va.
Sau khi xảy ra vụ án mạng, Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Đmi-tơ-ri Pê-xcốp (Dmitry Peskov) cho biết, Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin đã lên án vụ giết hại ông B.I.Nem-sốp và cho rằng, đây có thể là một vụ giết thuê. Tổng thống V.Pu-tin cũng bày tỏ lời chia buồn, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan an ninh ngay lập tức tiến hành điều tra vụ việc.
Nhận được thông tin, lãnh đạo một số quốc gia cũng đã lên tiếng về vụ việc. Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã lên án vụ “giết hại dã man” ông B.I.Nem-sốp. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, Nhà Trắng kêu gọi Chính phủ Nga tiến hành một “cuộc điều tra khẩn trương, vô tư và minh bạch” và “đảm bảo những kẻ chịu trách nhiệm phải được đưa ra trước công lý”. Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Đức, Thủ tướng An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel) cũng lên án "vụ sát hại hèn hạ" nói trên và đề nghị ông V.Pu-tin “phải đảm bảo rằng vụ sát hại này sẽ được làm sáng tỏ và các thủ phạm sẽ phải chịu trách nhiệm".
Về phần mình, trên tài khoản mạng xã hội facebook, Tổng thống U-crai-na, Pi-ốt Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) đã bày tỏ sự thương tiếc ông B.I.Nem-sốp. Tổng thống Pi-ốt Pô-rô-sen-cô gọi ông B.I.Nem-sốp là "cầu nối" giữa U-crai-na và Nga trong những thời điểm bất ổn. Được biết, ông B.I.Nem-sốp bị bắn chết chỉ vài giờ đồng hồ sau khi kêu gọi người dân biểu tình phản đối Tổng thống V.Pu-tin liên quan tới cuộc xung đột ở U-crai-na.
Từ tiến sĩ khoa học thành chính trị gia
Ông B.I.Nem-sốp, năm nay 55 tuổi, tốt nghiệp ngành vật lý phóng xạ tại Đại học Gorki trước khi có bằng Tiến sĩ về Vật lý và Toán học. Ông cũng đã có thời gian làm việc tại Viện nghiên cứu Vật lý phóng xạ Gorki. Ông là một nhà khoa học hạt nhân, một nhà môi trường học và nổi tiếng với tài hùng biện.
Bắt đầu sự nghiệp chính trị trên cương vị Tỉnh trưởng Tỉnh Ni-dơ-nhi Nốp-gô-rốt (Nizhny Novgorod) ở miền Trung nước Nga, ông B.I.Nem-sốp được bổ nhiệm giữ chức Phó thủ tướng Nga vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, dưới thời cựu Tổng thống Bô-rít En-xin (Boris Yeltsin). Sau khi rời chính trường, ông B.I.Nem-sốp đã hỗ trợ thành lập và lãnh đạo một số đảng phái cũng như các nhóm đối lập tại Nga.
Trên thực tế, ban đầu ông B.I.Nem-sốp tỏ ra ủng hộ Tổng thống đương nhiệm V.Pu-tin và thậm chí còn gọi ông V.Pu-tin là một nhân vật trung thực và có trách nhiệm. Tuy nhiên, sau đó ông đã thay đổi quan điểm và trở thành một trong những nhân vật chống đối ông V.Pu-tin mạnh mẽ nhất. Ông B.I.Nem-sốp và một số chính trị gia đối lập khác thậm chí đã từng kiện ông V.Pu-tin ra tòa nhưng không thành công.
Trong vài năm gần đây, ông B.I.Nem-sốp đã dần “lui về hậu trường” để nhường chỗ cho các nhà lãnh đạo đối lập mới nổi, song ông vẫn được coi là người có vai trò quan trọng. Giống như nhiều nhân vật đối lập khác, ông B.I.Nem-sốp rất tích cực sử dụng mạng xã hội. Mới đây, ông đã lên mạng để kêu gọi mọi người tham gia vào các cuộc tuần hành của phe đối lập tại Mát-xcơ-va trong ngày 1-3. Tuy nhiên, ông đã bất ngờ bị sát hại ngay trước khi các cuộc tuần hành này diễn ra./.
Anh Vũ (QĐND)