Dù thỏa thuận ngừng bắn ở Đông U-crai-na bắt đầu có hiệu lực, nhưng Mỹ và Nga vẫn chỉ trích nhau dữ dội.
Ngày 26/2, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) đã chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đô-nan Tu-xcơ (Donald Tusk) về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mát-xcơ-va là mưu toan làm sao nhãng việc thực hiện thỏa thuận hòa bình Min-xcơ. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, đằng sau hành động (kêu gọi xem xét áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Nga) của Mỹ và phương Tây là nhằm làm gia tăng căng thẳng và không muốn đạt được việc thực hiện thỏa thuận mà các bên đã nhất trí ngày 12/2 tại Min-xcơ, Bê-la-rút.
“Đằng sau những lời kêu gọi này là việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không muốn thực hiện thỏa thuận Min-xcơ”, ông La-vrốp cáo buộc. “Họ đang tìm cách đổ dầu vào lửa để ngăn chặn sự chú ý đối với việc thực hiện thỏa thuận Min-xcơ”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh. Ngoại trưởng Nga cho rằng, Mỹ và EU đã đưa ra những đòi hỏi quá đáng về việc thực thi lệnh ngừng bắn. “Tất cả mọi người đều hiểu rằng, không có một thỏa thuận hòa bình hoàn hảo, không có một lệnh ngừng bắn hoàn hảo. Trên thực tế, thỏa thuận hòa bình Min-xcơ đang đem lại kết quả tốt. Những kẻ muốn phản đối thỏa thuận Min-xcơ sẽ đưa ra quan điểm trái ngược”, ông La-vrốp cho biết.
Ngoại trưởng La-vrốp khẳng định, đối với Nga, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Mát-xcơ-va là bảo đảm hòa bình và giải pháp chính trị bền vững cho cuộc khủng hoảng U-crai-na chứ không phải làm thỏa mãn các nhà hoạt động hay các nước phương Tây, những người đe dọa trừng phạt Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các bên xung đột cần tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực chiến tuyến.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ G.Ke-ri chỉ trích Tổng thống Nga V.Pu-tin (V. Putin) “thực hiện các chính sách vi phạm mọi quy định quốc tế về chủ quyền lãnh thổ”. Ông Ke-ri còn tố Tổng thống Nga V.Pu-tin "đang gây bất ổn ở miền Đông U-crai-na”, AFP đưa tin. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ X.Rai-xơ (Susan Rice) cũng cho rằng, Mát-xcơ-va không trung thực về vấn đề U-crai-na. Tướng Mỹ Ph.Brít-lơ (Philip Breedlove), tư lệnh NATO ở châu Âu, cáo buộc Nga đã triển khai rất nhiều vũ khí hạng nặng ở miền Đông U-crai-na như tên lửa phòng không, pháo kích...
Trước đó, ông Ke-ri từng tuyên bố Oa-sinh-tơn đang chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt “nặng nề” đối với Nga. Trong buổi điều trần thứ hai trước Quốc hội hôm 25/2, ông Ke-ri còn thông báo quyết định tăng cường biện pháp trừng phạt sẽ sớm được đưa ra. "Kế hoạch B là các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Nga và gia tăng hỗ trợ cho U-crai-na", ông Ke-ri nói. Theo Ngoại trưởng Ke-ri, Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama) đang đề nghị đội ngũ nhân viên của mình đánh giá một số lựa chọn và ông sẽ ra quyết định phù hợp với các cuộc thảo luận cùng Thủ tướng Đức A. Méc-ken (Angela Merkel).
Liên minh châu Âu (EU) cũng đe dọa sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông U-crai-na, nếu thỏa thuận hòa bình đạt được gần đây thất bại. Phát biểu trước cơ quan lập pháp của EU ngày 25/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt bổ sung vẫn nằm trên bàn nghị sự và Liên minh châu Âu phải luôn trong tư thế sẵn sàng dù tình hình tiến triển tốt hay xấu. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Đ.Ca-mơ-rôn (David Cameron) yêu cầu EU xem xét những đòn cấm vận như trục xuất Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.
Bà Méc-ken, Tổng thống Pu-tin, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) cùng Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) có cuộc gặp tại Min-xcơ, Bê-la-rút, hôm 12/2 với kết quả đạt được là một lệnh ngừng bắn có hiệu lực ba ngày sau đó. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn vẫn chưa giúp chấm dứt hoàn toàn giao tranh ở miền Đông U-crai-na. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ cho biết, kể từ ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 15/2, các bên đã vi phạm thỏa thuận này khoảng 800 lần.
Dù vậy, cũng có tin vui là 24 giờ qua, lần đầu tiên không có thông tin về thương vong trong giao tranh từ hai phía, quân đội U-crai-na và lực lượng đòi độc lập. Thêm một tin lạc quan nữa là phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại miền Đông U-crai-na hôm 25/2 ghi nhận lực lượng đòi độc lập đã rút một số đoàn xe chở vũ khí hạng nặng ra xa khu vực giao tranh. Cũng theo OSCE, trong vài ngày qua số vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại vùng Đôn-bát đã giảm một nửa. Trong khi đó, ngày 26/2, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang U-crai-na tuyên bố Ki-ép bắt đầu rút vũ khí hạng nặng ra khỏi đường giới tuyến ở khu vực chiến sự theo đúng thỏa thuận Min-xcơ.
Ngoại trưởng Xéc-bi-a đồng thời cũng là Chủ tịch luân phiên OSCE, I-vi-xa Đa-trích (Ivica Dacic) cho rằng, lệnh ngừng bắn tại miền Đông U-crai-na dù rất mong manh, nhưng nhìn chung vẫn được duy trì./.
Ngọc Hà (QĐND)