Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 25/12/2011 16:36'(GMT+7)

Chất lượng dân số - nội dung quan trọng để đất nước phát triển bền vững

 Thưa Phó Thủ tướng, cách đây 50 năm, ngày 26/12/1961 Chính phủ ban hành Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Đây cũng được coi là mốc Việt Nam chính thức tham gia Chương trình dân số toàn cầu. Xin Phó Thủ tướng cho biết đánh giá của mình về công tác DS-KHHGĐ của nước ta trong nửa thế kỷ qua.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Qua thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ). Trong 50 năm qua chúng ta đã tích cực triển khai công tác này, ngay cả thời gian đất nước trải qua chiến tranh, công tác này vẫn luôn nhận được quan tâm. Đặc biệt là trong 36 năm qua (từ sau năm 1975), công tác DS – KHHGĐ đã được tập trung triển khai trên cả nước.

Ý nghĩa quan trọng của công tác này chính là ở chỗ chúng ta cần phải có sự kiểm soát nhất định sự phát triển dân số quốc gia.

Dân số bao gồm các yếu tố như quy mô, cơ cấu, giới tính, là nền tảng cực kì quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nếu dân số tăng quá nhanh, vượt khả năng xã hội có thể đáp ứng về việc làm, sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp, mức sống sẽ giảm, phát sinh các vấn đề xã hội. Sự mất cân bằng về giới tính của trẻ mới sinh (thừa trai, thiếu gái) sẽ dẫn tới hậu quả xã hội to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Song, nếu dân số tăng chậm quá, sẽ gây bất hợp lý về cơ cấu (như ở một số nước Bắc Âu hoặc Nhật Bản đã gặp phải) dẫn tới việc thiếu lao động thì đất nước lại không có điều kiện phát triển.

Vì vậy, chúng ta phải coi công tác dân số như một nội dung quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Từ sau năm 1975 công tác này đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đó là tạo được sự chuyển biến về nhận thức chung của toàn xã hội, của lãnh đạo các cấp về vấn đề phải có sự kiếm soát phát triển dân số, mà trước hết là giảm tốc độ gia tăng và nâng cao chất lượng dân số. Trong vòng 10 năm (từ 1979- 1989), tốc độ dân số tăng bình quân là 2,1%. Đến 10 năm gần đây (1999 – 2009) chỉ còn 1,2% và năm 2010 là 1,05%. Đó là sự giảm tốc độ hợp lý, kéo theo đó là mức sinh của một bà mẹ trong tuổi sinh cũng giảm mạnh: năm 1975 bình quân một bà mẹ trong tuổi sinh đẻ có 5,2 con, đến năm 1999 còn 2,33 con, năm 2009 là 2,03 con và đến năm 2010 là 2 con.

Với những thành tựu đạt được, năm 1999 Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc tặng thưởng Giải thưởng Quốc tế về dân số.

Xin Phó Thủ tướng cho biết, từ những thành công trên có thể rút ra được bài học thực tế nào? Công tác DS-KHHGĐ và trong thời gian tới phải tập trung giải quyết vấn đề gì?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo các địa phương và sự đóng góp tích cực của đội ngũ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ. Bài học này phải được phát huy trong 10 năm tới.

Thay mặt cho Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đóng góp của lực lượng chuyên trách làm công tác dân số cơ sở.

Tuy đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhưng bên cạnh đó, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế thứ nhất, tuy tốc độ sinh có giảm nhưng chưa đồng đều. Ở các vùng miền núi, một bà mẹ bình quân vẫn sinh từ 2 – 3 con hoặc hơn. Còn ở các đô thị thì sinh trên dưới 1,5 con. Tức là nơi có điều kiện tốt thì sinh ít, nơi khó khăn vẫn sinh nhiều.

Hạn chế thứ hai là đã xuất hiện sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vấn đề này về lâu dài sẽ tác động xấu tới sự phát triển của đất nước. Cụ thể trong giai đoạn 1979, bình quân 100 cháu gái ra đời có 105 cháu trai – Điều đó là phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên. Nhưng đến năm 1999, tỉ số tăng lên là 107, đến năm 2009 tỉ số này tăng lên 110,5 cháu trai được sinh ra trên 100 cháu gái, năm 2010 con số này là 111,2.  Dự báo sẽ tăng lên 117 sau năm 2015. Có nghĩa là sau 20 đến 25 năm nữa, hàng triệu thanh niên Việt Nam sẽ không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ.

Từ thực tiễn nêu trên, chúng ta phải tập trung phát huy thành quả đạt được, khắc phục khó khăn, tiến tới mức tăng sinh hợp lý ở các vùng miền, đưa tỷ lệ giới tính trở về với quy luật tự nhiên và tăng tỷ lệ kiểm soát nguy cơ bệnh tật.

Vậy để phát huy được thành tựu và khắc phục được những hạn chế của công tác DS-KHHGĐ, thưa Phó Thủ tướng, vấn đề nào cần được ưu tiên trong thời gian tới? 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: Phát triển nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá - nhân lực là nền tảng giúp chúng ta phát triển nhanh và bền vững. Trong phát triển nhân lực, yếu tố đầu tiên là phải làm tốt công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó là phát triển công tác giáo dục đào tạo đồng bộ từ hệ mầm non, phổ thông đến đào tạo nghề nghiệp. Cao hơn nữa là phát huy, bảo tồn và xây dựng giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam và hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình Việt Nam.

Công tác DS-KHHGĐ là 1 trong 5 nội dung cơ bản của chiến lược phát triển nhân lực. Trong thời gian 10 năm tới, ngành DS-KHHGĐ phải tập trung vào 4 vấn đề từ đó mà nâng cao chất lượng dân số: đảm bảo cơ cấu dân số hợp lý, mức sinh thấp hợp lý, tăng sàng lọc bệnh trước khi sinh và giảm suy dinh dưỡng và kiểm soát tình trạng mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh.

Để làm được điều  đó, cần phải có những giải pháp gì để giải quyết khó khăn, thách thức thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Để làm được điều đó, giải pháp đầu tiên là các cấp ủy, chính quyền phải luôn quan tâm tới vấn đề DS-KHHGĐ, coi đây như một giải pháp quan trọng nhằm góp phần tạo sức mạnh về nhân lực cho địa phương, làm nền tảng đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Về mặt tổ chức, cần xác định chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ không chỉ cho quốc gia mà đến từng địa phương. Các chỉ tiêu này cần hợp lý theo tình hình phát triển của mỗi vùng miền và phải được giám sát hàng năm.

Giải pháp thứ hai đó là cần tăng cường đội ngũ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ cơ sở, tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ này. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý xung quanh công tác DS-KHHGĐ.

Giải pháp thứ ba đó là phải tăng cường công tác truyền thông - giáo dục. Từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, công tác truyền thông - giáo dục về DS-KHHGĐ không chỉ cho người lớn tuổi mà cho các em ngay từ bậc học phổ thông. Cần tuyên truyền cho các cặp nam nữ trước khi kết hôn về các vấn đề dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Giải pháp thứ tư, chúng ta phải tăng cường đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ từ nguồn ngân sách nhà nước, từ vận động xã hội cũng như huy động sự đóng góp của các tổ chức quốc tế.

Với những thành quả đạt được của công tác này trong 50 năm qua, đặc biệt là 36 năm sau ngày đất nước thống nhất, với nhận thức mới về vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển của đất nước, nhất định công tác DS-KHHGĐ sẽ đạt được nhiều thành tích tốt đẹp hơn nữa, góp phần làm đất nước phát triển bền vững, mỗi gia đình Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất