Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 28/11/2011 22:18'(GMT+7)

Chị Lùng giỏi làm "dân số"

Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà - Lào Cai. (Ảnh minh hoạ)

Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà - Lào Cai. (Ảnh minh hoạ)

Chị Giàng Thị Lùng, 44 tuổi, dân tộc Phù Lá, cộng tác viên dân số thôn Nậm Khắp Trong, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà (Lào Cai) sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, không có điều kiện ăn học, học hết lớp 3 chị Lùng phải ở nhà lao động. Năm 1986, khi bước sang tuổi đôi mươi, chị Lùng lập gia đình. Chị sinh được 2 cháu đều bị mất vì bệnh tật, ngheò đói. Sau đó, năm 1992 và 1996, gia đình chị sinh thêm được 2 con, một cháu trai và một cháu gái. Trải qua nỗi đau của người mẹ khi mất đi 2 người con vì bệnh tật, đói, nghèo lại chứng kiến nhiều gia đình sống trong cảnh tay bồng tay bế với nhiều đứa con nheo nhóc thèm ăn, khát sữa cùng nỗi nhọc nhằn, lo âu cho đàn con ăn học... nên khi được cán bộ dân số vận động, chị Lùng đã đình sản, tập trung nuôi dạy 2 con, phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo. Năm 1996, chị Lùng tình nguyện trở thành cộng tác viên dân số (CTVDS).

Thôn Nậm Khắp Trong là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông, Phù Lá, Tày… Những ngày đầu làm CTVDS, chị Lùng gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân vẫn còn thấp trong việc thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ). Tư tưởng trọng nam khinh nữ, tư tưởng muốn "có nếp, có tẻ'' vẫn còn tồn tại trong đời sống nhiều gia đình... Với sự nhiệt huyết, yêu nghề, say mê công việc, cùng sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, chia sẻ động viên của gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho chị tự tin vững bước, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày này qua tháng khác, chị Lùng không quản đường xá xa xôi, đồi núi cao đi bộ vất vả, băng đèo lội suối để đến với các hộ gia đình, những cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động chị em thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; cấp phát và hướng dẫn chị em cách sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai đúng cách; vận động chị em đặt vòng sau khi sinh nhằm đảm bảo an toàn trong quan hệ vợ chồng... Đặc biệt, chị Lùng quan tâm tuyên truyền, vận động các hộ gia đình người dân tộc Mông ở xóm Làng Bò- xóm ở trên đồi cao, xa xôi, có nhiều hộ nghèo, trình độ dân trí thấp, sinh nhiều con. Nhờ sự tận tình vận động, bà con người Mông trong xóm Làng Bò ưng cái bụng lắm! 3 năm qua, trong xóm không có gia đình nào vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc trẻ em, các cặp vợ chồng trẻ sinh đẻ 1-2 con, các hộ trung niên sinh đẻ 3 con từ trước tự nguyện đình sản không đẻ con thứ 4 nữa…

Chị Thào Thị Tùng, 37 tuổi, dân tộc Mông ở xóm Làng Bò kể; “nhà mình còn nghèo, lập gia đình song sinh được “min say” (con gái) đầu lòng, sau đó sinh được thêm  một “min tu” (cháu trai) nhưng vợ chồng chưa yên tâm muốn thêm “min tu” nữa, cách đây 6 năm, sinh đứa thứ 3 là “min say’, muốn sinh nữa bao giờ được con trai thì thôi, chị Lùng đến nhà mình nhiều lần nói cho vợ chồng mình hiểu ra cái nghèo là do đẻ nhiều, đẻ nhiều con cái không được chăm sóc tốt… nên mình không đẻ nữa và đi đặt vòng”.

Hằng năm, Chị Lùng đã vận động thu hút hàng trăm lượt chị em tích cực tham gia các chương trình, chiến dich chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được tổ chức hàng năm trên địa bàn.

Hiện thôn Nậm Khắp Trong là nơi chị Lùng phụ trách có nhiều cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ, nhưng đã 5 năm liền đều đạt danh hiệu ''thôn không sinh con thứ 3''.

Từ những khó khăn ban đầu khi làm CTVDS, đến nay chị Lùng đã nhận được sự tin yêu, ủng hộ của các hội viên và các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là bà con nhân dân trong thôn, xã. Chị được tín nhiệm bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân xã, được tặng nhiều bằng, giấy khen của các cấp, các ngành. Chị Lùng tâm sự điều mà mình mừng nhất là chị em phụ nữ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số Mông, Phù Lá… trong thôn, xã đã nhận thấy rằng việc sinh con đông sẽ khổ, nên họ tích cực thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, chăm lo đời sống nhân dân, đời sống chị em phụ nữ được cải thiện, không còn khổ như ngày xưa nữa, con em được đến trường học, được khám chữa bệnh miễn phí, chăm sóc sức khỏe tốt.../.

Tráng Xuân Cường

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất