Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 21/12/2014 10:1'(GMT+7)

Chất lượng tư tưởng và nghệ thuật là căn cứ chủ yếu để trao giải thưởng văn học

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Hiện nay, các giải thưởng và cuộc thi văn học ở Việt Nam khá đa dạng, nổi lên vẫn là giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, của các hội văn học, nghệ thuật địa phương; các cuộc thi thường kỳ do một số tờ báo, tạp chí chuyên về văn học tổ chức (như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội), hoặc cuộc thi do các nhà xuất bản phát động; thậm chí, một số tờ báo vốn chỉ dành số ít trang cho văn hóa - văn nghệ cũng tổ chức thi sáng tác văn học. Ðó là cuộc thi và giải thưởng do một số cơ quan, đoàn thể, báo chí, xuất bản tổ chức. Nhưng các năm gần đây, từ chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đã ra đời một số cuộc thi và giải thưởng văn học do tư nhân tổ chức. Có thể liệt kê một số cuộc thi và giải thưởng tiêu biểu như: Giải thưởng văn học (điện ảnh) xuất sắc do Trung tâm Văn hóa doanh nhân tổ chức lần 1 năm 2005, lần 2 năm 2007; năm 2007, quỹ Lời vàng Eva tổ chức giải Lá trầu (dành cho tập thơ của các tác giả nữ); cùng năm này, trang web thotre.com tổ chức cuộc thi thơ online; năm 2008, cuộc thi Thơ ca và nguồn cội Làng Chùa lần thứ nhất được phát động (lần hai phát động năm 2011); năm 2008, Công ty Bách Việt tổ chức giải thưởng thơ Bách Việt lần một; năm 2009, công ty này tổ chức tiếp giải thưởng tiểu thuyết; năm 2011, mạng xã hội Yume tổ chức thi truyện ngắn Yume lần thứ nhất; năm 2013, cộng đồng mạng lại tiếp tục rôm rả với cuộc thi thơ Lời tỏ tình đầu tiên trên facebook; năm 2014, Công ty sách Mardibooks tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn trên mạng; một cuộc thi trên mạng khác đã được tổ chức là Kim Bút (bắt đầu từ năm 2009, và tiến hành hằng năm cho đến nay)...
Một số người lo ngại giải thưởng văn học tư nhân chỉ là sân chơi của tác giả nghiệp dư, ít có sức lan tỏa trong cộng đồng. Thế nhưng số lượng tác phẩm tham dự các cuộc thi này lại chứng minh điều ngược lại: cuộc thi thơ tình trên facebook, chỉ sau một tháng phát động đã nhận được hơn 10.000 bài thơ của hơn 3.000 tác giả; cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần một nhận được hơn 3.000 bài dự thi, lần hai nhận hơn 6.000 bài dự thi; cuộc thi thotre.com, sau hơn ba tháng phát động nhận được 1.806 bài dự thi; giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ nhất sau một năm phát động, đã nhận được 315 tập thơ dự thi; giải thưởng văn Bách Việt sau một năm nhận được 36 tiểu thuyết; giải thưởng Lá trầu trong vòng một năm đã nhận được 27 tập thơ... Trong số tác giả tham dự các cuộc thi, có nhiều người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ðáng chú ý là giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi này không phải lúc nào cũng thuộc về tác giả là hội viên Hội Nhà văn. Như giải Lá trầu thuộc về Trang Thanh (Nam Ðịnh); Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thotre.com thuộc về Huỳnh Thúy Kiều (Cà Mau); giải nhất cuộc thi truyện ngắn Yume thuộc về Võ Diệu Thanh (Tiền Giang); giải nhất cuộc thi Lời tỏ tình đầu tiên thì thuộc về Sâm Cầm (TP Hồ Chí Minh). Họ phần lớn là tác giả trẻ, ở thời điểm đoạt giải, họ chưa được nhiều người biết đến. Phải chăng, đó là một dấu hiệu về sự sòng phẳng của giải thưởng văn học tư nhân, bởi không có sự câu nệ tác giả mới hay cũ, thành danh hay nghiệp dư?
Không chỉ thu hút người dự thi đông đảo, trị giá một số giải thưởng tư nhân cũng khá hấp dẫn, thậm chí còn "đình đám" hơn giải thưởng của các hội đoàn có tính chính thống. Chẳng hạn: Giải thưởng tác phẩm văn học xuất sắc của Trung tâm Văn hóa doanh nhân lên tới 50 triệu đồng; giải thưởng Lá trầu trị giá 25 triệu đồng trao cho tập thơ duy nhất; Giải thơ Bách Việt trị giá 30 triệu đồng; giải văn Bách Việt trị giá 40 triệu đồng; giải nhất của cuộc thi truyện ngắn Yume nhận số tiền là 15 triệu đồng và một Kindle DX (máy đọc sách) trị giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên có thể thấy, giá trị giải thưởng cao hay thấp không phải là lý do quan trọng nhất thu hút số người tham dự đông đảo, vì nếu như thế, có cuộc thi có giải thưởng chỉ từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng sẽ khó thu hút người tham gia. Nhưng trên thực tế, các cuộc thi có giá trị giải thưởng thấp như vậy vẫn diễn ra sôi nổi, như cuộc thi thơ Lục bát Trường Sơn do Hội truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh tổ chức; cuộc thi thơ Thuyền về bến Giác do Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Ðác Nông tổ chức...
Vậy tại sao, những giải thưởng văn học tư nhân, dù đều rất mới mẻ (hầu hết đều được tổ chức lần đầu tiên) lại có sức hút với các tác giả chuyên, không chuyên đến vậy? Có ý kiến cho rằng, các giải thưởng văn học tư nhân này hấp dẫn người viết bởi lẽ hứa hẹn giúp người dự thi sẽ được tham gia một "sân chơi" vô tư, lành mạnh; giải thưởng không bị chi phối bởi các yếu tố ngoài văn chương, không phân biệt các tác giả nổi tiếng hay mới viết. Bên cạnh đó, tác giả mới thường có tâm thế e ngại khi tham gia các cuộc thi do Hội Nhà văn, Báo Văn nghệ tổ chức, vì lo chưa đủ sức tham gia "sân chơi lớn", nhưng họ lại mạnh dạn tìm đến với các giải thưởng văn học tư nhân. Còn với một số tác giả thành danh, họ tham dự giải thưởng, dù của tư nhân hay chính thống với tâm thế hoàn toàn thoải mái, như là một cơ hội cọ xát, thử sức mình. Họ không câu nệ việc phải xuất hiện tại một cuộc thi "tầm cỡ" hay chỉ là một cuộc thi trên mạng, do một cá nhân đứng ra tổ chức. Bởi dù cuộc thi nào, giải thưởng nào thì chất lượng tác phẩm vẫn là điều quan trọng nhất. Ðáng tiếc là hầu hết các cuộc thi và giải thưởng văn học tư nhân tổ chức đều có tuổi thọ ngắn, thường dừng lại sau một mùa tổ chức đình đám. Chưa kể có giải thưởng đã không đi đến cuối chặng đường, vấn đề nan giải nhất mà Ban tổ chức vấp phải là tài chính. Năm 2008, bắt đầu khởi động giải thơ Bách Việt, đơn vị này xác định rõ: "Giữa lúc cơn bão giá lạm phát đang "càn quét" và chúng tôi đã tính đến phương án hoạt động trong tình huống xấu nhất về tài chính". Thực tế là Bách Việt đã phải sử dụng nguồn thu từ kinh doanh sách để "nuôi" giải thơ. Tuy nhiên một năm sau, giải thưởng văn của công ty này đã không được trao. Các giải văn học dịch, phê bình được Bách Việt nêu ý tưởng từ trước đó đều buộc phải dừng lại, vì "không có thực làm sao vực được đạo"!
Dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, song rõ ràng sức lan tỏa của giải thưởng tư nhân trong đời sống văn học là khó có thể phủ nhận. Sau các giải thưởng này, một số tác giả trẻ đã từng bước trưởng thành, từng bước khẳng định được tiếng nói riêng trong đời sống văn học, có thể kể đến các tác giả Ðinh Thị Như Thúy, Ðỗ Doãn Phương, Nguyễn Quang Hưng... Tuy nhiên, cũng lại có ý kiến cho rằng: giải thưởng văn học tư nhân, xã hội hóa còn non trẻ, mới chỉ dừng lại ở mức độ "thăm dò"; tính độc lập trong thẩm định tác phẩm chưa cao, định hướng giải thưởng chưa rõ rệt. Ðúng là các giải thưởng tư nhân hiện còn mới mẻ, non trẻ, nhưng không chỉ dừng ở mức "thăm dò dư luận xã hội". Căn cứ vào thể lệ, tiêu chí của các cuộc thi, giải thưởng văn học tư nhân tổ chức thời gian qua có thể thấy ước muốn của người tổ chức trong việc tìm kiếm tác phẩm văn học có chất lượng, cũng như có phong cách, giọng điệu mới mẻ. (Thể lệ Giải thơ Bách Việt nêu rõ: Tác phẩm không giới hạn đề tài, nhưng phải hướng đến những giá trị nhân bản và sáng tạo, ưu tiên những giọng thơ mới, những phong cách mới, những khám phá mới; Thể lệ cuộc thi thơ trên website thotre.com: Cuộc thi chấp nhận mọi sự thể hiện, đặc biệt khuyến khích những cách thể hiện sáng tạo độc đáo). Việc thẩm định tác phẩm cũng được thực hiện bởi các nhà văn, nhà thơ có uy tín như: Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà...
Sự nghiêm cẩn trong nghề nghiệp, sự độc lập trong việc thẩm định cũng như sự công tâm của Ban giám khảo là một trong các yếu tố quan trọng góp phần xác lập uy tín cho giải thưởng văn học tư nhân. Vậy tại sao giải thưởng tư nhân, dù đã được tổ chức thành công, bước đầu tạo được uy tín trong đời sống văn học đều sớm tàn lụi? Thiết nghĩ, một nguyên nhân quan trọng nhất, chính là tài chính. Nói đơn giản, nếu không có tiền, thì các cuộc thi và giải thưởng này khó có thể diễn ra, dù trên thực tế có giải thưởng được tổ chức không hướng đến giá trị tiền mặt lớn (như giải thưởng của trang trannhuong.com, người đoạt giải được nhận 1 VND bằng kim loại đựng trong túi gấm mầu đỏ và một kỷ niệm chương ngôi sao pha lê). Nhưng đó chỉ là trường hợp cá biệt. Ðể tổ chức một cuộc thi, ngoài tiền giải thưởng, còn cần kinh phí cho Hội đồng thẩm định, hỗ trợ in ấn tác phẩm, công tác truyền thông, đón tiếp tác giả, tổ chức công bố. Những cá nhân hoặc đơn vị đứng ra tổ chức các giải thưởng văn học có tính xã hội hóa, dù muốn hay không, cũng không thể cứ mãi phiêu lưu với đồng tiền của mình. Yếu tố kinh doanh, hiệu quả về tài chính là điều họ không thể không tính đến. Nếu không thể cân đối được thu chi trong quá trình tiến hành cuộc thi và trao giải thưởng, hoặc không thể huy động tài trợ thì việc chấm dứt các cuộc thi, các giải thưởng là điều họ buộc phải làm, và có lẽ cũng cần chia sẻ.
Văn chương là một hành trình rất dài. Giải thưởng, dù là của tư nhân, cũng không thể trao "vương miện suốt đời" cho tác giả, mà chỉ ghi nhận thành công nhất định, tạo động lực giúp tác giả trên con đường sáng tạo. Giải thưởng văn học của tư nhân ít nhiều cho thấy một nhu cầu của công chúng và giới sáng tác về xu hướng xã hội hóa trong văn học. Uy tín giải thưởng tùy thuộc vào chất lượng tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm được trao giải. Vì thế cần ghi nhận vai trò của một số giải thưởng văn học tư nhân và nếu có thể, cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật nên có biện pháp hỗ trợ, phát huy, hoặc tham khảo ưu điểm từ giải thưởng tư nhân để làm cho các cuộc thi và giải thưởng văn học hiện nay tiếp tục nâng cao giá trị, ý nghĩa.

NAM THÀNH/Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất