“Mỗi doanh nghiệp có một cách truyền thông cho thương hiệu của mình, song yếu tố giúp cho một thương hiệu có thể thành công trên thị trường vẫn là nhờ chất lượng” - Giám đốc điều hành toàn cầu về công nghệ Công ty Truyền thông Ogilvy PR - thành viên của tập đoàn truyền thông & tiếp thị WPP, ông Luca Penati đã chia sẻ kinh nghiệm này với các doanh nghiệp ICT Việt...
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thị trường CNTT Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi vượt bậc trong 5 năm tới với các hoạt động sáp nhập - mua lại sôi động cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước tiếp tục gia tăng.
Chia sẻ với lãnh đạo các doanh nghiệp ICT Việt về những xu hướng truyền thông mới nhất trên thế giới đã được áp dụng thành công, ông Luca Penati nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng của các công cụ truyền thông hiện đại và các phương thức để tiếp cận công chúng mục tiêu nhằm phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất.
Theo Luca, doanh nghiệp Việt có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm của các thị trường, quốc gia khác. Ngay cả các tập đoàn CNTT, viễn thông lớn trên thế giới như Microsoft hay Google, Apple… họ đều xây dựng thương hiệu của mình dựa và quan hệ công chúng là chính. Không phải là công ty phát triển đầu tiên nhưng nếu so sánh với các công ty quảng cáo, họ có sự phát triển rất tốt dù đi sau. Hiện nay uy tín của họ với doanh nghiệp và người tiêu dùng rất lớn.
Khi nhìn vào các doanh nghiệp này có thể nói quan hệ công chúng có vai trò rất lớn. Họ cần phải tiếp cận với người tiêu dùng và các truyền thông quan hệ công chúng giúp cho doanh nghiệp tiếp cận mềm mại hơn là quảng cáo trực tiếp.
Lời khuyên như thế nào đối với các công ty của Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu?
Thứ nhất, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị trước tâm lý cho việc khủng hoảng. Vấn đề khủng hoảng có thể là một cú hích khiến xoá sổ toàn bộ một doanh nghiệp. Đây là trường hợp ít người nghĩ có thể xảy ra. Thế nhưng nó lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Từ một vấn đề rất nhỏ, nếu không xử lý triệt để lại đem tới khủng hoảng rất lớn.
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một tiếng nói riêng. Doanh nghiệp có thể xây dựng một trung tâm thông tin cung cấp thông tin riêng của mình. Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với người tiêu dùng và khách hàng để xây dựng thương hiệu. Thương hiệu của một doanh nghiệp không chỉ do doanh nghiệp xây dựng mà còn do cả khách hàng góp phần không nhỏ tạo nên.
Thứ ba đó là con người, nhân tài đóng vai trò then chốt. Mỗi một nhân viên của một doanh nghiệp cũng chính là đại sứ thương hiệu cho công ty đó. Đặc biệt là trong ngành CNTT, Viễn thông. Chúng ta cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao rất gay gắt. Việc tìm kiếm, phát triển con người và giữ người tài cũng rất quan trọng.
Thị trường thông tin di động Việt hiện có 7 nhà khai thác đang hoạt động. Có những mạng di động làm thương hiệu rất tốt, nhưng vẫn không có được sự phát triển khả quan. Lý do vì sao?
Một thương hiệu về nguyên tắc phải được xây dựng qua 4 tầng. Tầng đầu tiên là nhận biết, làm cho người dùng biết về mình. Sau đó chuyển sang tầng thứ hai, làm cho người dùng hiểu được thương hiệu có gì liên quan đến đời sống của họ.
Tầng thứ ba liên quan đến cuộc sống của mình rồi, phải tương tác như thế nào và tầng cuối cùng là làm sao phải trung thành với thương hiệu đó?
Phải trải qua đủ bốn giai đoạn tương đương với 4 tầng như vậy thì doanh nghiệp mới có thể thành công.
Một số doanh nghiệp di động mới trên thị trường Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở thành công trong vấn đề nhận biết thương hiệu. Việc người dùng và khách hàng nhận biết thương hiệu của họ thì rất tốt, nhưng nếu chỉ dừng lại ở nhận biết thì chưa phải xây dựng được thương hiệu mà phải đáp ứng được cả ba yếu tố kia. Khi doanh nghiệp đã có được sự nhận biết nhưng do vấn đề về thị trường hay dịch vụ khiến ba tầng còn lại không triển khai tốt thì sẽ không thể xây dựng được thương hiệu mạnh.
Với những thương hiệu ICT Việt muốn ra nước ngoài, cần phải làm sao để xây dựng được thương hiệu tốt?
Quan điểm của tôi là, với những loại hàng hoá phổ thông, hầu như loại hàng hoá nào cũng giống nhau, quan trọng là người dùng thấy yêu mến loại hàng hoá nào để lựa chọn. Nhưng với thị trường dịch vụ viễn thông thì có điểm hơi khác biệt. Chẳng hạn như khi người dùng muốn liên lạc điện thoại nhưng gọi tới 5-7 lần mà cứ rớt mạng, không liên lạc được thì tất nhiên, người dùng khó có thể muốn sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp đó nữa.
Để xây dựng được một thương hiệu ICT tốt, trước hết phải quan tâm tới vấn đề đảm bảo chất lượng thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới để phát triển dịch vụ của họ tốt nhất. Liên quan đến thương hiệu của các nhà mạng, phải xây dựng thương hiệu tạo nên sự khác biệt, tuy nhiên sự khác biệt đó lại phải được dựa trên nền tảng dịch vụ chất lượng mới thu hút được người dùng.
Xin cảm ơn ông!
Hiền Mai - VnMedia