Bất chấp thực trạng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định các nền kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tăng trưởng tiếp tục thể hiện sức chống đỡ và phát triển dẻo dai.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia dẫn Báo cáo công bố ngày 19/12 của WB cập nhật kinh tế châu Á – Thái Bình Dương cho biết thể chế tài chính này dự báo khu vực đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,5% năm 2012, thấp hơn mức 8,3% của năm 2011, nhưng sẽ tăng trở lại và đạt 7,9% vào năm 2013.
Báo cáo nhận định những nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á, trừ Trung Quốc, đạt mức tăng trưởng bình quân 5,6% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,4% năm ngoái. Đáng chú ý là sự phục hồi tại Thái Lan sau trận lụt lịch sử năm 2011, tăng trưởng mạnh mẽ ở Philippines, mức suy giảm chút ít ở Việt Nam và Indonesia đóng góp quan trọng cho sự phục hồi nói trên của kinh tế Đông Á.
Thời gian tới, đà phát triển nhanh tiếp tục tại ba nền kinh tế ở Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đông Á, ngoại trừ Trung Quốc, lên 5,7% vào năm 2013 và 5,8% năm 2014.
Đối với Trung Quốc, WB cho rằng kinh tế của nước này đạt mức tăng trưởng 7,9% năm 2012, giảm so với mức tăng 9,3% của năm 2011, và là mức thấp nhất kể từ năm 1999. Xuất khẩu yếu và nỗ lực của chính phủ hạ nhiệt đà phát triển quá nóng ở khu vực bất động sản đã kéo sụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Sang năm tới, kinh tế nước này có thể sẽ tăng trưởng 8,4%, do tác động từ các gói kích thích tài chính và tiến độ triển khai các dự án lớn được đẩy nhanh hơn.
Theo báo cáo nói trên, do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá xuất khẩu yếu, nhu cầu nội địa vẫn là động lực chủ đạo cho sự tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế tại khu vực. Dù chịu tác động bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên quan trọng đối với kinh tế thế giới, và được kỳ vọng đóng góp tới 40% tăng trưởng kinh tế thế giới. Cùng với đánh giá này, nhà kinh tế trưởng của WB phụ trách châu Á-Thái Bình Dương Bert Hofman nhấn mạnh do tỷ lệ tăng trưởng được duy trì như vậy, tỷ lệ đói nghèo tại các nước trong khu vực sẽ tiếp tục giảm và tới năm 2014, số người có mức sống dưới 2 USD/ngày tại khu vực có thể sẽ giảm từ 28,8% năm 2010 xuống 23,3%.
Báo cáo chỉ ra các nguy cơ có thể cản trở động lực tăng trưởng kinh tế của toàn khu vực, như khả năng trì hoãn các cuộc cải cách ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), vấn đề “vách đá tài chính” ở Mỹ, hay khả năng suy giảm mạnh về tăng trưởng đầu tư ở Trung Quốc. Các chuyên gia của WB cũng đề cập một số quan ngại đang gia tăng liên quan đến việc nhóm các nước G-3 (gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước Eurozone) điều chỉnh chính sách tiền tệ sẽ đẩy lượng vốn ồ ạt vào khu vực, từ đó có thể dẫn đến tình trạng bong bóng bất động sản và tăng trưởng tín dụng quá mức, cũng như hậu quả “hụt hẫng” của việc rút vốn bất ngờ trong tương lai.
Nhà kinh tế trưởng Hofman khuyến cáo vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào khu vực, kể cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm và tăng trưởng sức sản xuất. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tiền tệ mỗi nước cần phải giám sát chặt chẽ tình hình tài chính-tiền tệ và ngân hàng tại nước mình. Những điều tiết về tỷ giá hối đoái hợp lý và phát triển thị trường vốn phù hợp có thể giúp làm dịu bớt những tác động không mong muốn của hiện tượng vốn chảy vào ồ ạt, trong khi các biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng có ngăn ngừa sự tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Trong khi đó, nhà kinh tế cao cấp của WB Heiko Kubota – tác giả chính của bài báo - nhấn mạnh trong trường hợp xảy ra sự cố tăng trưởng, hầu hết các nước có thể chống đỡ bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương gặp khó khăn về quản lý ngân sách, các can thiệp tài chính nhằm mục tiêu tăng nhu cầu của khối tư nhân nội địa, như hỗ trợ xã hội có chọn lọc hay tín dụng thuế đầu tư đóng vai trò rất quan trọng./.
Theo TTXVN