Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 19/1/2015 9:8'(GMT+7)

Châu Âu làm gì để đối phó với khủng bố?

Không ít người Hồi giáo tại châu Âu cho rằng họ bị phân biệt đối xử, điều này dễ dẫn tới tư tưởng cực đoan. Ảnh: The Wall Street Journal

Không ít người Hồi giáo tại châu Âu cho rằng họ bị phân biệt đối xử, điều này dễ dẫn tới tư tưởng cực đoan. Ảnh: The Wall Street Journal

Chỉ tính riêng ngày 16-1 vừa qua, cơ quan chức năng Bỉ thông báo đã bắt giữ 13 người, sau khi cảnh sát nước này bắn chết hai nghi phạm lên kế hoạch tấn công khủng bố tại thị trấn phía đông thành phố Verviers vào tối hôm trước. Cơ quan chức năng Pháp cũng thông báo đã tiến hành 12 vụ bắt giữ. Trong khi đó, 250 cảnh sát Đức đã được huy động đột kích 12 địa điểm và bắt giữ 5 người Thổ Nhĩ Kỳ-sau đó thả 3 người, vì nghi ngờ họ tuyển mộ, cấp kinh phí và giúp đỡ những chiến binh Tre-sni-a và Thổ Nhĩ Kỳ đến tham chiến tại Xy-ri.

Không thể phủ nhận việc xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố khiến 17 người tại Pháp thiệt mạng thúc đẩy các nước châu Âu lên kế hoạch hành động kiên quyết với chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố không chỉ gói gọn trong một chiến dịch an ninh và không phải là trách nhiệm của một quốc gia đơn lẻ. Đáng lo ngại hơn khi Giám đốc Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) Rốp Oan-roai (Rob Wainwright) cho biết, có đến 5000 công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) gia nhập hàng ngũ phiến quân thánh chiến. Điều này đồng nghĩa với việc EU đang đối phó với một số lượng lớn các đối tượng chủ yếu là thanh niên có khả năng sẽ quay trở lại để tiến hành những vụ tấn công mà dư luận đã chứng kiến tại Pa-ri hồi đầu tháng này.

“Những mối đe dọa đang gia tăng”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Hà Lan, Rốp Đê Uých (Rob de Wijk) tuyên bố khi chỉ ra sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc bắt giữ nghi phạm khủng bố. Theo thống kê của Europol, năm 2013 có 216 cuộc bắt giữ so với 110 cuộc bắt giữ năm 2009. Còn theo số liệu thống kê của tình báo Mỹ, có khoảng 18.000 người nước ngoài, trong đó có khoảng 3000 người đến từ châu Âu và các nước phương Tây đã đến Xy-ri và I-rắc khi xảy ra cuộc chiến tranh trong khu vực. Trong số này, có hơn 500 chiến binh từng tham chiến đã quay trở về châu Âu, theo nghiên cứu của R.Ba-rét (Richard Barrett), một cựu quan chức tình báo Anh. Cơ quan chức năng Đức cũng công bố số liệu cho thấy trong số 600 người đã di chuyển từ Đức đến Xy-ri và I-rắc, có ít nhất 180 người đã quay trở về Đức. Trong đó có 30 người từng tham gia chiến trường. H.Ma-át-xen (Hans-Georg Maassen), người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa Đức cho rằng, số còn lại đều có kinh nghiệm bạo lực và cần theo dõi sát sao.

Sau những vụ khủng bố gần đây, một loạt nước châu Âu ngay lập tức siết chặt an ninh ở mức cao nhất để đề phòng những sự việc tương tự, cũng như triển khai kế hoạch an ninh đặc biệt với các biện pháp khẩn cấp. Hàng loạt phương án để chống lại các mối đe dọa khủng bố đã được vạch ra: Từ ngăn chặn các thông tin cực đoan trên internet và mạng xã hội đến tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và dữ liệu giữa các chính phủ, đặc biệt là danh sách những đối tượng bị cấm bay và buôn bán vũ khí bất hợp pháp.

Tuy nhiên, khi các chính phủ gia tăng nỗ lực chống khủng bố bằng việc thắt chặt an ninh thì họ lại làm dấy lên các cuộc tranh luận về nguy cơ ảnh hưởng đến các quyền tự do của công dân. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng, các biện pháp nhằm tăng cường trấn áp bạo lực tại châu Âu sẽ dẫn đến việc gia tăng sự bất bình và phản kháng từ những người Hồi giáo trẻ tại đây. Rất nhiều người cho rằng, họ cảm thấy bị đối xử như những người ngoài cuộc, bị nhồi nhét vào những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ phạm tội cao, bị tước bỏ những cơ hội được hưởng một nền giáo dục tốt để phát triển. Chính điều này sẽ dẫn đến những tư tưởng cực đoan và biến họ trở thành những mối đe dọa cho xã hội.

Ngoài ra, các phần tử quá khích đã chuyển hướng hành động sang các vụ việc đơn lẻ, nhằm vào các mục tiêu dễ thực hiện. Do đó, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện hơn. Đó là tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc trong thế giới A-rập, hỗ trợ các quốc gia tại Trung Đông phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, tạo nhiều việc làm cho thanh niên. Những điều này sẽ hạn chế việc những kẻ cầm đầu các tổ chức thánh chiến chiêu mộ thành viên. Điều phối viên chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) G.Cơ-sô-vơ (Gilles de Kerchove) thừa nhận, không có cách nào có thể ngăn ngừa tuyệt đối các vụ tấn công khủng bố như những vụ vừa xảy ra tại Pa-ri. Theo ông Cơ-sô-vơ, câu trả lời không phải là bắt giam những phần tử thánh chiến quay trở về châu Âu từ Xy-ri hay I-rắc, bởi nhà tù được ví von hình ảnh như “những vườn ươm khổng lồ” cho sự cực đoan hóa.

Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất