Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các
nước châu Phi đã không ngừng được mở rộng và với tiềm năng của mình,
châu Phi tiếp tục là một thị trường đầy tiềm năng đối với Việt Nam.
Trên đây là đánh giá của ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại tại
Algeria kiêm nhiệm các nước Senegal, Mali, Niger và Gambia.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Algeria nhân dịp Chủ tịch Nước Trần
Đại Quang vừa kết thúc chuyến công du hai nước Ai Cập và Ethopia với
việc mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển thương mại và đầu tư giữa
Việt Nam với hai nước châu Phi này nói riêng và với châu Phi nói chung,
ông Hoàng Đức Nhuận cho biết nhiều hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp Việt
Nam-châu Phi và giữa Việt Nam với từng nước ở lục địa này đã được các cơ
quan hữu quan tổ chức.
Ngày càng có nhiều đoàn doanh nghiệp hai bên sang gặp gỡ, tiếp xúc và
tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế để tìm hiểu cơ hội kinh doanh, hợp
tác.
Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hầu hết 55 nước châu Phi.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi đã tăng từ 5,2
tỷ USD năm 2015 lên 6,7 tỷ USD năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam
đạt 2,7 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay,
kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 723,7 triệu USD, tăng
20% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu đạt 212,7 triệu USD,
giảm 67%.
Các đối tác thương mại chính của Việt Nam tại châu Phi gồm Côte
d'Ivoire, Nam Phi, Ghana, Ai Cập, Algeria, Maroc, Nigeria, Cameroon,
Benin...
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm hàng
công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện,
hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm
dừa, hạt điều nhân), hàng thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), hàng vật liệu
xây dựng...
Về nhập khẩu, Việt Nam mua từ châu Phi chủ yếu là hàng nguyên liệu thô
như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... phục vụ các
ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh thương mại, doanh nghiệp hai bên cũng tăng cường đầu tư vào thị
trường của nhau. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết
tháng 8/2018, đã có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi đầu tư vào
Việt Nam với tổng số 247 dự án, giá trị 1,562 tỷ USD.
Các nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam là Seychelles, Mauritius, Angola
và Swaziland. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm công nghiệp chế biến, chế
tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ,
dịch vụ lưu trú và tư vấn.
Theo chiều ngược lại, tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã đầu tư 33 dự án
sang 12 nước châu Phi, chủ yếu là Algeria, Tanzania, Mozambique,
Cameroon, Burundi trong các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, viễn
thông, thủy điện, chế biến gỗ… với tổng số vốn 2,597 tỷ USD.
Đề cập đến những lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh có thể thúc đẩy phát
triển hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi
trong thời gian tới, Tham tán Hoàng Đức Nhuận cho hay châu Phi gồm 55
nước với dân số hơn 1,2 tỷ người, kinh tế khu vực này tăng trưởng nhanh
trong những năm gần đây kéo theo nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo.
Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Lục địa Đen đạt khoảng 480 tỷ USD. Dự
báo đến năm 2020, khu vực này sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa
các loại.
Thị trường châu Phi được đánh giá là “dễ tính” đối với hàng hóa của Việt Nam.
Hiện có 43/55 nước châu Phi đã tham gia vào WTO, do đó, các nước này đã
dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu. Do thường xuyên
chịu hạn hán, thiên tai, biến động chính trị nên sản xuất lương thực của
châu Phi không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Chẳng hạn, năm 2016, những nước trên nhập khẩu hàng nông sản trị giá 35 tỷ USD, ước tính sẽ lên tới 110 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp tại nhiều nước châu Phi còn kém phát triển nên phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng tiêu dùng.
Hiện gạo, càphê, hạt tiêu, cơm dừa, thủy sản, điện thoại di động, hàng
điện tử, sản phẩm dệt may, giày dép các loại… của Việt Nam đã có chỗ
đứng tại thị trường châu Phi và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Về đầu tư, các nước châu Phi có nguồn nguyên liệu dồi dào như bông,
điều, gỗ, dầu khí, kim loại quý…, trong khi trình độ khai thác, chế biến
tại nhiều nước còn hạn chế. Vì vậy, chính phủ các nước châu Phi luôn
kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, liên doanh liên kết,
chuyển giao công nghệ.
Việc đầu tư tại châu lục này không những tận dụng được nguồn nguyên liệu
sẵn có, lực lượng lao động địa phương để sản xuất, tiêu thụ tại chỗ mà
còn được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước trong khu
vực cũng như sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Đặc biệt, ngày 21/3/2018, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi
(AU) diễn ra ở Kigali, Rwanda, 44 quốc gia châu Phi đã chính thức ký
thỏa thuận thương mại tự do châu Phi (CFTA). Hiệp định CFTA sẽ chính
thức có hiệu lực trong vòng 180 ngày, sau khi có ít nhất 22 quốc gia ký
kết phê chuẩn. Các nước thành viên cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn
90% các mặt hàng trong tương lai.
Vì vậy, việc đầu tư vào khu vực này sẽ là cơ hội để cung cấp hàng hóa
cho một thị trường rộng lớn 1,2 tỷ dân với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
2.500 tỷ USD.
Một lợi thế khác trong hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi là hai bên có
mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ những năm kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ. Chính phủ và người dân nhiều nước châu Phi luôn
ngưỡng mộ và dành cho Việt Nam những tình cảm tốt đẹp đối với những
thắng lợi trong quá khứ cũng như về những thành tựu kinh tế hiện tại.
Về những khó khăn đối với phát triển việc hợp tác thương mại và đầu tư
giữa Việt Nam và các nước châu Phi hiện nay, Tham tán thương mại Hoàng
Đức Nhuận cho biết qua tìm hiểu tình hình thực tế, có thể thấy một số
khó khăn đang cản trở sự phát triển hợp tác thương mại và đầu tư giữa
Việt Nam và các nước châu Phi.
Trước tiên, đó là tình hình chính trị-xã hội ở một số nước châu Phi vẫn
còn chưa ổn định, gây bất lợi cho quan hệ kinh tế và hợp tác. Ngoài ra,
sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật, tập quán kinh
doanh, điều kiện đi lại khó khăn… cũng tạo ra những rào cản hạn chế sự
phát triển quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các
nước trong khu vực.
Ví dụ như Algeria chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO) nên để giảm thâm hụt thương mại, nước này thường đưa ra các
chính sách hạn chế nhập khẩu như ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với gần
900 mặt hàng kể từ đầu năm 2018, tăng thuế quan, áp dụng hạn ngạch đối
với ôtô nhập khẩu.
Về đầu tư, Algeria vẫn duy trì quy định 51/49, trong đó nhà đầu tư nước
ngoài phải liên doanh với đối tác Algeria và chỉ được nắm giữ phần vốn
thiểu số (49%).
Còn tại Mali và Niger, tình hình chính trị vẫn còn bất ổn. Bên cạnh đó,
Algeria, Mali, Niger, Senegal đều là những quốc gia Hồi giáo và nói
tiếng Pháp nên doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ tập quán kinh doanh
để có cách thức giao dịch phù hợp.
Thứ hai, mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của Việt Nam ở
châu Phi còn mỏng. Trên tổng số 55 nước châu Phi mới chỉ có 8 Đại sứ
quán và 5 cơ quan Thương vụ, do đó việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông
tin thị trường và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn
chế, các hoạt động quảng bá và giao lưu văn hóa còn ít.
Bên cạnh đó, việc làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh còn khó khăn do
thiếu các cơ quan ngoại giao thường trú tại thủ đô mỗi nước. Các doanh
nghiệp Việt Nam thường xin thị thực tại cửa khẩu sân bay nơi đến.
Ví dụ để nhập cảnh Gambia, Mali, Niger, Senegal, các doanh nghiệp phải
có thư mời của đối tác và thư chấp thuận của Cục Xuất nhập cảnh của
những nước này.,… hoặc phải xin thị thực tại một nước thứ ba nơi có đại
sứ quán các nước trên.
Thứ ba, vẫn tồn tại tình trạng lừa đảo và gian lận thương mại tại một số
nước Tây Phi (Benin, Cameroon, Mali, Togo). Hơn nữa, về thanh toán, các
doanh nghiệp châu Phi thường đề nghị phương thức trả chậm, ít sử dụng
thư tín dụng L/C (trừ Algeria).
Điều này tạo tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với
các đối tác ở khu vực này. Vì vậy, trước khi giao dịch, doanh nghiệp cần
liên hệ với các Thương vụ tại châu Phi cũng như Vụ Thị trường châu
Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương để được tư vấn, hỗ trợ thẩm tra đối tác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên tích cực tham gia các sự kiện thương
mại như hội chợ, triển lãm quốc tế, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp,
các chương trình xúc tiến thương mại để tìm được những đối tác uy tín.
Thứ tư, mặc dù có những nỗ lực của hai bên, song khuôn khổ pháp lý tạo
điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính,
ngân hàng… giữa Việt Nam và các nước châu Phi vẫn còn chưa hoàn thiện.
Việt Nam và nhiều nước châu Phi hiện đang thúc đẩy việc đàm phán và ký
kết các hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực này.
Cuối cùng, việc trao đổi các đoàn các cấp sang thăm lẫn nhau vẫn còn hạn
chế. Số lượng các doanh nghiệp có quy mô tài chính lớn sang kinh doanh
và đầu tư tại thị trường của nhau chưa nhiều. Hoạt động xuất nhập khẩu
phần lớn vẫn phải thực hiện qua trung gian là các doanh nhân châu Âu,
châu Mỹ./.
(TTXVN)