Chủ Nhật, 8/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Ba, 3/5/2022 16:0'(GMT+7)

Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước đại diện chủ sở hữu ở Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

ĐẤT ĐAI THUỘC SỞ HỮU TOÀN DÂN, GIAO CHO NHÀ NƯỚC LÀ ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU, THỐNG NHẤT QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ

Vấn đề sở hữu đất đai là vấn đề hệ trọng được các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học và nhân dân đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn về quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý để có những chủ trương, chính sách đất đai đúng đắn, phù hợp với tình hình mới nhằm quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

V.I.Lênin cho rằng: “Ruộng đất phải là sở hữu của toàn dân, và một chính quyền có tính chất toàn quốc phải quy định điều đó”(1). Song “Người nông dân muốn sử dụng có hiệu quả đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì phải có điều kiện, như phải có vốn và tư liệu sản xuất (TLSX) khác, phải có chuyên gia kỹ thuật và cuối cùng phải có tổ chức”(2). Sở hữu là một phạm trù lịch sử, xu hướng khách quan của sở hữu là vận động theo hướng xã hội hóa và quyền sở hữu tách rời quyền sử dụng...

Quan điểm của Đảng ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và sử dụng hiệu quả. Quan điểm này được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nuyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều 54 quy định: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”. Và Điều 4 Luật đất đai năm 2013 quy định: “ Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều này thể hiện sự vận dụng sảng tạo, đúng đắn các quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về vấn đề đất đai vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, bởi đất đai là tài sản cực kỳ quý báu, là một nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay...

Theo Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất đều là các hoạt động trao quyền sử dụng đất từ Nhà nước cho người sử dụng hoặc cho phép người sử dụng đất chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo cho đất đai được phân phối và phân phối lại cho các đối tượng sử dụng được sử dụng hợp pháp, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, thúc đẩy nền kinh tế phát triển; đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng sử dụng đất cả trong nước và nước ngoài. Có thể thấy, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là một trong những chế định quan trọng nhất; thể hiện tính đặc thù của pháp luật đất đai Việt Nam. Chế định này ra đời trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai...

Nhà nước ta với tư cách là cơ quan quyền lực, đại biểu cho lợi ích của Nhân dân, đóng vai trò người đại diện cho chủ sở hữu toàn dân. Nhà nước có quyền và trách nhiệm tổ chức quản lý, giao cho các chủ thể khác sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn và phát triển các nguồn lực thuộc đối tượng của sở hữu toàn dân. Trong tiến trình phát triển của nền kinh tế cần nhận thức rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Khẳng định như vậy là phù hợp với bản chất của đất đai là lãnh thổ, là tài nguyên và tài sản chung vô cùng quý giá của quốc gia, được tạo nên bởi công sức và xương máu của toàn dân tộc qua nhiều thế hệ. Đa dạng hóa, tư nhân hóa sở hữu đất đai có thể gây ra những rối ren chính trị - xã hội khó lường trước hậu quả, đe dọa mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thu ngân sách thông qua việc thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, các loại thuế liên quan đến đất đai và các loại phí, lệ phí quản lý và sử dụng đất,…tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các TPKT và các vùng kinh tế phát triển, tạo cơ sở điều tiết phân phối thu nhập, đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế.

Trong điều kiện kiện hiện nay thực hiện nhất quán quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Để đảm bảo chủ sở hữu đất đai là toàn dân, những trường hợp quan trọng như phân bổ sử dụng đất có ảnh hưởng lớn, cho nước ngoài thuê đất để đầu tư với quy mô lớn, hoặc ban hành những chính sách lớn về đất đai... cần phải trưng cầu ý dân. Mặt khác, mỗi người dân cụ thể phải được quyền sử dụng và hưởng lợi ích từ đất; người sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất với diện tích phù hợp từng địa phương hoặc được chuyển nhượng không phải nộp thuế; đồng thời phải có nghĩa vụ đầu tư bồi bổ đất đai, bảo vệ và sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT SINH TRONG THỰC TIỄN

Trong những năm qua, thực tiễn đã những mâu thuẫn phát sinh liên quan quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng quyền của chủ sở hữu đại diện, nhất là quyền định đoạt và quyền hưởng lợi từ đất đai chưa được định rõ. Người được Nhà nước giao đất (người sử dụng) tự coi như người chủ sở hữu, tùy tiện mua bán, chuyển nhượng, trên thực tế Nhà nước phải mặc cả với người sử dụng đất khi thu hồi đất sử dụng vào các mục đích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…Mặc dù đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước rất khó khăn để thu hồi đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội…Nội dung kinh tế trong sử dụng và quản lý đất đai cần phải được thể hiện rõ hơn. Công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và nhiều vấn đề bức xúc, cần tiếp tục đột phá giải quyết nhằm ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Làm thế nào để đất đai và các tài nguyên quốc gia được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng quy hoạch, tiết kiệm và hiệu quả. Chính sách hạn điền triển k hai như thế nào để đáp ứng yêu cầu tích tụ tập trung ruộng đất, đi lên sản xuất lớn...

Những hạn chế, yếu kém trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ; quản lý đất đai chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, làm cho đất đai từ là hiện vật trở thành nguồn lực, từ đó đặt ra nhiều vấn đề mới nhưng thiếu kiến thức và kinh nghiệm để xử lý.

Thứ hai, chưa giới định hợp lý, rõ ràng quyền sở hữu toàn dân, quyền quản lý nhà nước và quyền sử dụng của các tổ chức, cá nhân đối với đất đai; chưa minh định rõ các quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm giữa các chủ thể sở hữu, quản lý và sử dụng.

Xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với đất đai, nhưng chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai, chưa xác định rõ chủ thể cụ thể đại diện chủ sở hữu ở từng cấp, từng ngành.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng chưa phát huy tốt vai trò của Nhân dân, chưa thực hiện tốt công khai, dân chủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai. Từ đó, ở chừng mực nhất định đã biến sở hữu toàn dân về đất đai trở thành sở hữu danh nghĩa, biến quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trở thành hình thức và biến sở hữu đất đai trở thành sở hữu thực chất của một số cá nhân trực tiếp nắm quyền quản lý, định đoạt đối với đất đai, những cá nhân này lợi dụng sơ hở cấu kết với các nhà đầu tư trục lợi, tiêu cực, tham nhũng, gây bất bình trong Nhân dân và dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất chưa tốt, nhiều khu công nghiệp, dự án đầu tư, đất của cơ quan, doanh nghiệp chậm đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí lớn. Việc chấp hành pháp luật đất đai chưa nghiêm, nhất là trong việc thực hiện quy hoạch, chuyển đổi mục đích và chuyển quyền sử dụng đất. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để làm rõ nhiều vấn đề lý luận về quản lý đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và tháo gỡ các vướng mắc trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai chưa được triển khai kịp thời.

TẬP TRUNG TRIỂN KHAI MỘT SỐ NỘI DUNG TRỌNG TÂM

Để nhận thức rõ quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân, đưa việc quản lý, bảo vệ và sử dụng đất đai vào quy chế chặt chẽ, khai thác tài nguyên đất hợp lý và có hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), đô thị hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:

Một là, phải có quan điểm thực tiễn trong nhận thức và giải quyết vấn đề sở hữu.

Điều này đòi hỏi việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề về sở hữu phải xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn lịch sử - cụ thể của đất nước, của từng lĩnh vực ngành nghề; phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chí để xem xét, giải quyết và nhằm phục vụ những yêu cầu của thực tiễn.

Hai là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về tầm quan trọng của nguồn lực đất đai.

Cần nhận thức rõ đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn vốn nội lực to lớn của đất nước, là tư liệu sản xuất đặc biệt. Các quan điểm, chủ trương, chính sách và pháp luật về đất đai phải nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ và khai thác, sử dụng đất tiết kiệm, đạt hiệu quả tối ưu.

Theo quan điểm của V.I. Lê-nin, thể hiện trong Sắc lệnh về ruộng đất, Nhà nước xô-viết cũng như tất cả mọi nhà nước không có quyền sở hữu đất đai. Nhà nước xô-viết chỉ là người quản lý, người giám đốc điều hành nhằm bảo vệ lợi ích của chủ thể sở hữu là Toàn Dân_Ảnh: Tư liệu

Theo quan điểm của V.I. Lê-nin, thể hiện trong Sắc lệnh về ruộng đất, Nhà nước xô-viết cũng như tất cả mọi nhà nước không có quyền sở hữu đất đai. Nhà nước xô-viết chỉ là người quản lý, người giám đốc điều hành nhằm bảo vệ lợi ích của chủ thể sở hữu là toàn dân_Ảnh: Tư liệu

Điều này đòi hỏi phải có quan điểm, chính sách đúng đắn, chú ý đầy đủ tới các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh; phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phù hợp, khoa học và quản lý, sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch; phải phân phối hợp lý, đáp ứng yêu cầu tích tụ và tập trung đất ngày càng cao; phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng, trong đó phải đặc biệt chú ý đến lợi ích của xã hội và người sử dụng có hiệu quả.

Ba là, cần làm rõ hơn nội hàm về quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai, cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất công, đất giao cho cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì cần có cơ chế quản lý và phân định các quyền, đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia và người sử dụng. Xác định rõ, cụ thể cơ quan Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân là ai; khắc phục tính chất danh nghĩa của sở hữu toàn dân, hình thức của quản lý nhà nước và sở hữu thực chất của một số cá nhân lạm quyền, đầu cơ trục lợi.

Cần xác định rõ, cụ thể cơ quan nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai, có quyền sử dụng, định đoạt, hưởng lợi từ đất và Nhà nước là cơ quan công quyền thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, đại diện chủ sở hữu đất đai phải là Quốc hội. Quốc hội ban hành pháp luật về đất đai, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước; quyết định việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định khung giá đất và việc sử dụng nguồn tài chính thu được từ đất; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; Quốc hội cũng phải có nghĩa vụ bảo đảm đầu tư nâng cao chất lượng, giá trị và sử dụng có hiệu quả quỹ đất quốc gia. Do vậy cần chế định rõ vai trò của chủ sở hữu toàn dân; làm rõ quyền lực của Nhân dân, quyền lực của Quốc hội và quyền lực của Chính phủ.

Bốn là, cần thay đổi cơ chế giao đất, cho thuê đất; thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất; việc quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp, Nhà nước chủ yếu thực hiện theo cơ chế “xin - cho”. Thực chất là chưa chú trọng các yếu tố kinh tế của đất đai, chưa thực sự thấy được đất đai là hàng hóa đặc biệt trong cơ chế thị trường. Việc giao đất không thu tiền sử dụng đất cũng tạo điều kiện cho tham nhũng, hối lộ gia tăng trong khi Nhà nước không thu được thuế cho ngân sách. Cần xác định hợp lý, rõ ràng quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng đất. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế.

Chủ thể sử dụng đất được quyền tham gia góp ý kiến vào việc quy hoạch sử dụng đất, được công khai phổ biến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền chính thức thông qua; được giao quyền sử dụng đất lâu dài, chỉ có thời hạn đối với đất thuê; được giao sử dụng không hạn mức, nhưng phải nộp thuế sử dụng đất đối với phần diện tích vượt quy định như hiện nay; được quyền cho thừa kế; được quyền bảo vệ lợi ích chính đáng từ đất, đảm bảo lợi ích thu được phải lớn hơn và chổ ở từ bằng đến tốt hơn trước khi bị thu hồi.

Đất đã được giao chỉ bị thu hồi theo quyết định hành chính nhằm mục đích công ích, hoặc phục vụ những dự án có ý nghĩa lớn đối với quốc kế dân sinh, khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết nghị, nhưng phải được bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng để đảm bảo có cuộc sống từ bằng đến tốt hơn trước khi bị thu hồi.

Hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tính toán một cách căn cơ, giải quyết từ gốc là trả đủ thu nhập, đảm bảo an sinh người có đất bị thu hồi cũng như cơ chế giải quyết chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài; tiếp tục thể chế rõ hơn vai trò giám sát của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất. Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và đa dạng sinh học” (3).

(Còn tiếp)

PGS.TS. Vũ Văn Phúc

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

----------------------------- 

(1) I.Lênin (1981), Toàn tập, tập 32, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.220

(2) V.I.Lênin (1981), Toàn tập, tập 31, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.227-230

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H., 2021, tập 1, tr. 152-153

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất