Thứ Hai, 7/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 15/12/2009 16:39'(GMT+7)

Chèo Hà Nội tưng bừng tham gia Hội diễn toàn quốc

Hội diễn nghệ thuật chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tiếp tục được diễn ra tại thành phố Hạ Long - Quảng Ninh, sau thành công của mùa Hội diễn trước (năm 2005) cũng được tổ chức tại đây. Hội diễn lần này thu hút được 17/18 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia với 19 vở diễn, trong đó chỉ có 4 vở hiện đại, còn lại là các vở chèo cổ và lịch sử. Các vở diễn có nội dung phản ánh tinh thần đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Những vở chèo hiện đại phản ánh những mặt trái của xã hội bên cạnh nêu những tấm gương người tốt việc tốt.
 
Nét mới của Hội diễn năm nay là quy chế giải thưởng cho các hạng mục sẽ được nới rộng hơn so với các mùa Hội diễn trước. Các đoàn nghệ thuật tham gia Hội diễn sẽ đi biểu diễn phục vụ các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh trong suốt 10 ngày diễn ra sự kiện này.
 

 Ảnh minh họa

Cảnh trong vở Oan khuất một thời


Nhà hát Chèo Hà Nội tham gia Hội diễn năm nay với 2 vở: Oan khuất một thời và Ngọc Hân công chúa. Đây là 2 vở diễn đã được Ban lãnh đạo Nhà hát lựa chọn trong hàng loạt vở  mà Nhà hát đã dàn dựng và đi biểu diễn liên tục trong thời gian qua.
 
“Oan khuất một thời” phỏng theo “Đêm Ức Trai” (Lưu Quang Hà) đã được nhiều đoàn kịch và nghệ thuật Chèo dàn dựng nhưng đây là lần đầu tiên, Nhà hát Chèo Hà Nội bắt tay dựng vở.  Vở diễn ca ngợi nhân vật Nguyễn Trãi qua vụ án oan “giết vua” của do âm mưu thâm độc của Thị Anh, người muốn trừ khử Nguyễn Trãi, Thị Lộ (vợ Nguyễn Trãi) cũng như hoàng hậu Ngọc Giao để âm mưu chiếm đoạt ngôi Vua. Đây là một vụ án lịch sử vẫn còn gây nhiều tranh cãi về môi quan hệ giữa Vua và Thị Lộ nên các nghệ sỹ có nhiều “đất” để khai thác câu chuyện lịch sử này.
 
Đạo diễn – NSND Doãn Hoàng Giang, người trực tiếp dàn dựng vở diễn khẳng định, “Oan khuất một thời” vẫn làm theo “công thức”: làm cho giới trẻ. Có nghĩa là vở diễn đã trẻ hóa đội ngũ diễn viên, hiện đại hóa với mức đầu tư lớn về sân khấu và trang phục. Để thực hiện “Oan khuất một thời”, Nhà hát chèo Hà Nội đã “nghiến răng” chi gần 1 tỷ đồng đầu tư, trong đó riêng tiền trang phục là hơn 300 triệu cho 99 bộ do nhà thiết kế Sỹ Hoàng thực hiện... (được biết, bộ trang phục của Nguyễn Trãi và vua là gần 10 triệu đồng/bộ).

“Tiền nào của nấy cả, vở diễn tiền tỷ khác hẳn với những vở diễn khác. Sân khấu hoành tráng, sang trọng hơn, trang phục diễn viên đẹp lộng lẫy, quý phái chứ không xanh đỏ như ta thường gặp. Ánh sáng không phải là mấy ngọn đèn mà được chiếu bởi một hệ thống lazer hiện đại. Vở chèo thu hút được công chúng đi xem, nhất là giới trẻ, âu cũng đáng đồng tiền bát gạo”, NSND Doãn Hoàng Giang hào hứng.
 
Một yếu tố mới trong vở “Oan khuất một thời” của Nhà hát chèo Hà Nội là đã mạnh dạn đưa một dàn diễn viên trẻ trung, tươi tắn, đa phần là thế hệ 8X đảm nhiệm. Ngoài vai Nguyễn Trai do NSƯT Quốc Anh hóa thân, vai vua Lê Thái Tôn do NSƯT Đức Thuận đảm nhiệm thì những vai diễn quan trọng khác là sự thể nghiệm của những diễn viên trẻ như Thị Lộ (Thuý Lành - sinh năm 1985), Tráng (Quang Dương), Thị Anh (Thanh Hiền - sinh năm 1981), Hoạn quan (Quang Huy), Lê Thánh Tông (Quốc Phòng)…
 
Có thể nói, đây là một cách tân “mạnh tay” của Nhà hát Chèo Hà Nội khi trẻ hóa đội hình diễn viên đã mang một "làn gió mới" cho chèo. Vở chèo vì thế vừa giữ được tính truyền thống vốn có, vừa mang yếu tố mới, trẻ trung, hiện đại nhưng không kém phần tinh tế. Sau khi dựng xong, Nhà hát Chèo đã cho “Oan khuất một thời” du Nam để phục vụ khán giả TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, Nhà hát đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của giới làm nghề cũng như khán giả yêu chèo, thậm chí, Oan khuất một thời đã phải diễn thêm 2 suất tại Vũng Tàu thay vì 1 suất diễn không đáp ứng đủ lượng khán giả của Chèo Hà Nội tại địa phương này.
 

 Ảnh minh họa

Một cảnh táo bạo trong Oan khuất một thời


Nếu như Oan khuất một thời mang nhiều yếu tố hiện đại trong dàn dựng và cả ngôn ngữ Chèo thì Ngọc Hân công chúa lại là một vở diễn đề cao tính truyền thống trong Chèo. Ngọc Hân công chúa (tác giả Lưu Quang Vũ) là một vở diễn từng được Nhà hát chèo Hà Nội dựng cách đây 23 năm qua phần dàn dựng của đạo diễn - NSND Dương Ngọc Đức - một trong những “cây đa cây đề” của làng Chèo Việt Nam. Vở diễn này đã từng một thời là một trong 2 vở diễn “đinh” của Chèo Hà Nội (cùng với Nàng Sita). Lần này, Ngọc Hân công chúa được NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội trực tiếp dàn dựng. Điều mới mẻ của vở diễn này là hai nhan vật chính (Ngọc Hân và Quang Trung) được giao cho 2 diễn viên trẻ đảm nhiệm. Nhệ sỹ Thu Hằng từng được khán giả biết đến với các vai diễn hài trong các album diễn cùng Xuân Hinh, Quốc Anh nhưng ít ai biết được chị cũng là một “đào thương” khá nổi trội của Nhà hát chèo Hà Nội. Đặc biệt, vai diễn Quang Trung được giao cho một chàng trai đang được đánh giá là diễn viên trẻ có giọng hát hay nhất làng Chèo Việt Nam hiện nay - nghệ sỹ Quốc Phòng. Anh sinh năm 1988, mới tốt nghiệp và về Nhà hát Chèo Hà Nội chưa tròn 2 năm. Quốc Phòng có gương mặt điển trai, giọng hát ngọt ngào và kỹ thuật điêu luyện, đây là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chiếc Huy chương vàng của Hội diễn năm nay.
 
Theo NSƯT Thúy Mùi, Nhà hát chèo Hà Nội phục dựng vở diễn Ngọc Hân công chúa vẫn giữ được nét tinh túy của người đi trước nhưng sẽ lồng vào đó hơi thở của cuộc sống đương đại. Vở diễn được gọt rũa lại để cho “gọn gàng” hơn cùng với thời lượng cũng sẽ ngắn hơn.

Với sự đầu tư công phu và lực lượng hùng hậu, Nhà hát chèo Hà Nội chắc chắn sẽ mang điễn Hội diễn một làn gió mới, trẻ trung và mang đậm chất “Thăng Long” qua các vở diễn, tạo nên sức hút cho khán giả Quảng Ninh yêu Chèo.

Nhật Anh - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất