Ngày 14/3, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban
về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ
Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và
một số cơ quan có liên quan để xem xét tiến độ xây dựng, ban hành văn
bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong
Luật bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật an toàn, vệ sinh lao động (2015).
Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị các Bộ, ngành chức năng cần phối hợp, rà soát để đảm bảo tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Cục trưởng Cục an toàn lao động- Bộ Lao động- Thương binh và xã hội Hà Tất Thắng cho biết đối với Luật bảo hiểm xã hội (có hiệu lực 1/1/2016), Bộ đã ban hành Thông tư số 01 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật bảo hiểm xã hội, ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội cho biết vẫn còn 1 số nghị định dự kiến ban hành trong năm 2015 nhưng đến nay chưa ban hành được như Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Quốc phòng hay Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.... Các nội dung Luật giao cho Bộ Y tế nhưng đến nay chưa ban hành gồm: quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện, giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng sức khỏe người mẹ sau khi sinh con mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh....
Theo ông Được với tiến độ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội không kịp thời gây áp lực đối với ngành, phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể một số mẫu biểu để áp dụng theo quy định mới chưa thể thực hiện ngay từ ngày 1/1/2016 mà đang sử dụng các biểu mẫu cũ như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện.... Trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; thủ tục khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với người lao động và thân nhân người lao động vẫn đang thực hiện theo quy định trước ngày 1/1/2016 cho đến khi có hướng dẫn mới; chưa có căn cứ để giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần đối với những người đang bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng do chưa có danh mục một số bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế... Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị các bên liên quan cần tuân thủ quy định tại khoản 4, Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: "Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực". Các Bộ, ngành một mặt khi chưa có văn bản hướng dẫn mới vẫn thi hành theo những quy định cũ nếu văn bản đó không trái với quy định pháp luật nhưng phải khẩn trương rà soát để ban hành văn bản hướng dẫn mới, phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với Luật an toàn, vệ sinh lao động (có hiệu wlcj thi hành 1/7/2016) ông Hà Tất Thắng cho biết xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động, nội dung về khái niệm "kiểm định" trong dự thảo vẫn còn ý kiến khác nhau. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương cho rằng "Khái niệm kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gây nhầm lẫn với khái niệm kiểm định an toàn kỹ thuật được quy định tại các luật: Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Hàng hải Việt Nam, Giao thông đường thủy nội địa, Giao thông đường bộ, Đường sắt, Dầu khí và luật chuyên ngành khác". Bộ Lao động có quan điểm đưa ra khái niệm "Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động" như dự thảo Nghị định không đưa ra 1 định nghĩa khác về hoạt động kiểm định mà chỉ giới hạn nội hàm của hoạt động kiểm định phù hợp với nội hàm "an toàn lao động" và áp dụng đối với đối tượng kiểm định cụ thể tại Luật an toàn vệ sinh lao động và quy chuẩn làm căn cứ kiểm định là quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng để thống nhất, đề nghị không đưa khái niệm "kiểm định" vào Nghị định mà quy định cụ thể về chức năng nghiệm vụ của các Bộ, ngành về công tác kiểm định.../.
QH