Thứ Ba, 1/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 17/1/2010 15:58'(GMT+7)

Chỉ khoảng 17% trẻ được bú sữa mẹ

Không sữa nào tốt bằng sữa mẹ

Không sữa nào tốt bằng sữa mẹ

 

Nhưng theo một số tài liệu nghiên cứu mới nhất, trên thế giới có chưa đến 1/3 mà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu, còn ở VN tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 17%.

Quy định bất khả thi

Hiện VN vẫn đang là một trong những nước có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao trên thế giới, nguyên nhân một phần là do trẻ không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Theo Luật Lao động hiện hành, LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày để về cho con bú vẫn hưởng nguyên lương. Nhưng số bà mẹ thực hiện thiên chức với 60 phút ấy thì không nhiều.

Khảo sát cho thấy còn không ít DN chưa quan tâm, tạo điều kiện cho LĐ nữ nuôi con nhỏ theo quy định của pháp luật, dẫn tới một tỉ lệ đáng kể LĐ nữ chưa được hưởng đầy đủ những chính sách của nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng trẻ em ít được bú sữa mẹ hiện nay ở VN cũng như ảnh hưởng đến việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ VN và Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi cai  sữa sớm ở nữ CNLĐ. Nguyên nhân trực tiếp được biết là do phải đi làm chiếm tới 49,6%; hết sữa là 20,8%; không có sữa là 10,7% và lý do khác là 6,1%. Phần lớn lý do để LĐ nữ cai sữa cho con hoặc không cho con bú đầy đủ trong 6 tháng đầu là phải đi làm.

Nhiều nữ CNLĐ đang mang thai và đang nuôi con nhỏ đều cho rằng với chế độ  nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay, hầu hết họ bắt buộc phải đi làm thì không thể có điều kiện cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng được. Nếu tiếp tục nghỉ thì một là không có thu nhập, hai là có thể mất việc vì DN phải bố trí LĐ khác thay thế.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho trẻ không được bú  đầy đủ trong 6 tháng đầu vì lý do mẹ ít sữa hoặc mất sữa.  Tình trạng ít sữa hoặc mất sữa ở các bà mẹ là nữ CNLĐ được xác định xuất phát từ một trong những nguyên nhân phải đi làm sớm.

- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Viện Dinh dưỡng VN: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ. Tất cả trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn. Nhưng tỉ lệ bà mẹ cho con bú ngay sau khi sinh hiện chỉ đạt mức 75%, số bà mẹ cho con bú hoàn toàn cho đến 4 tháng tuổi là 18,9%.

- Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, số LĐ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 18-40 tuổi chiếm tỉ lệ trên 60% tổng số CNVC-LĐ, tập trung chủ yếu tại các KCN-KCX, các ngành giáo dục, y tế, dệt may, da giày, làng nghề... Tại TPHCM tỉ lệ này cũng chiếm khoảng 65%. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn nhận thấy không ít nữ CNLĐ nuôi con nhỏ muốn về cho con  bú nhưng "lực bất tòng tâm" vì quy định chỉ được nghỉ 60 phút/ngày (được hưởng nguyên lương theo Luật LĐ hiện hành) không đủ cho những người nhà ở xa. Khó lòng tránh khỏi xót xa khi chứng kiến những người mẹ sữa tiết ướt đầm ngực áo mà vẫn miệt mài bên máy móc chỉ vì không thể về giữa ca.
 
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến người mẹ ít sữa hoặc mất sữa. Việc LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú mà vẫn được hưởng lương hầu như ít được thực hiện ở các DN ngoài nhà nước, nhất là ở các KCN-KCX vì đa số LĐ nữ làm việc theo sản xuất dây chuyền, chỗ ở lại xa nơi làm việc.

Do đó hầu hết các DN bố trí cho LĐ nữ nghỉ dồn vào ngày cuối tuần hoặc nghỉ bù, một số nơi tính lương làm thêm giờ. Nhiều DN tư nhân không áp dụng hình thức nào để LĐ nữ được hưởng quyền lợi của quy định trên.

Thực tế còn cho thấy có trường hợp chị em nghỉ hết 4 tháng đi làm nhưng thời gian đầu đi làm cũng không chất lượng, thường xuyên phải xin nghỉ dài ngày vì con ốm hoặc chưa quen bú sữa ngoài, DN lại phải tiếp tục cho nghỉ thêm để chăm sóc bé song một số DN vì thiếu LĐ nhiều nên không giải quyết nghỉ thêm khi nữ CNLĐ có yêu cầu.

Con khát sữa vì mẹ thiếu thông tin

Một khảo sát được thực hiện trên 10 tỉnh, TP với 34 DN có đông LĐ nữ, trong đó có những TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, có 81,5% nữ CNLĐ cho rằng họ được tư vấn khi sinh con, nhưng số này chỉ tập trung ở đơn vị sự nghiệp; khối DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân chỉ đạt lần lượt là 81,7% và 77,7%.

Khác với số liệu được lấy từ phiếu điều trá cá nhân trên, những người làm công tác nữ của công đoàn khẳng định LĐ nữ trong các DN sản xuất công nghiệp đa phần là không có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin do thời gian làm việc quá căng thẳng.

Các DN dệt may, giày da, chế biến hải sản... đều có thời gian làm thêm giờ cao hơn quy định, khá phổ biến là mức làm thêm 300-400 giờ/năm, không ít DN công nhân phải làm thêm từ 500-600 giờ/năm. Do vậy, nữ CNLĐ khi mang thai chỉ có thể tìm hiểu kiến thức qua kinh nghiệm của mẹ, của bạn bè hoặc từ tư vấn của CB y tế.

Do thiếu kiến thức, có tới 40,9% nữ CNLĐ cho bé ăn sam, ăn giặm (ăn bổ sung) vào tháng thứ 4. Khi được hỏi lý do chọn thời điểm ăn sam, ăn giặm của bé, có tới 54,1% trả lời vì họ phải đi làm; 17,2% nói là có ít sữa; 10,4% là không có sữa.

Trong lúc đó các bà mẹ không hiểu rằng thời kỳ bắt đầu ăn bổ sung cho đến khi cai sữa là thời kỳ đe doạ suy dinh dưỡng nhất với đứa trẻ. Nhiều nữ CNLĐ nuôi con nhỏ không biết điều này nên đã cho con ăn quá sớm trước 3 tháng hoặc quá muộn sau 7 tháng  hoặc không đúng cách dẫn đến trẻ bị thiếu dinh dưỡng, rối loạn về tiêu hoá, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tật.

Mặc dù tỉ lệ nữ CNVC-LĐ nhận thức tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ không thấp nhưng rất nhiều người chưa được trang bị kiến thức đầy đủ để giúp họ có ý thức thực hiện điều đó một cách tốt nhất. Điều này liên quan đến việc cung cấp tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về tầm quan trọng của sữa mẹ đối với bé; việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ phải đảm bảo các yêu cầu sử dụng đúng cách.

Ý kiến từ cơ sở 

Đinh Thị Quy - Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ Hà Nội: Tỉ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trên địa bàn thủ đô vẫn còn thấp. Một phần không nhỏ các bà mẹ không thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan như do mổ khi sinh, dùng kháng sinh nhiều, do đặc điểm ngành nghề phải đi làm sớm... Đây là những cản trở trẻ em không được bú sữa mẹ dẫn đến chậm phát triển, suy dinh dưỡng hay ốm đau vặt.

• Phạm Thị Sa - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-KCX TPHCM: Hạnh phúc của người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ. LĐ nữ, đặc biệt là LĐ nhập cư phải khó khăn lắm mới có được cơ hội ấy thế nhưng sinh con gần hết thời gian nghỉ hộ sản đã đứt ruột gửi con về quê nhờ người chăm sóc bởi lẽ tiền lương không đủ để gửi con, làm sao tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu để con lại cũng rất khó tiếp tục cho con bú hoàn toàn, bởi lẽ nơi gửi con rất xa nơi làm việc, 60 phút chỉ có thể đến muộn hoặc về sớm chứ không thể tranh thủ giữa ca về cho con bú.

Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Cty Cổ phần may Quảng Ninh: Do điều kiện khó khăn của DN cùng với chế độ nữ hiện nay đang áp dụng chưa cải thiện được căn bản nhu cầu chính đáng của LĐ nữ nói chung, đặc biệt là chị em trong thời kỳ thai sản hoặc đang cho con bú. Tại Cty, LĐ nữ sau thời kỳ nghỉ thai sản theo quy định nhà nước, 100% chị em đều có nhu cầu nghỉ thêm từ 2-3 tháng để có thời gian chăm sóc con nhỏ, cho con bú bằng sữa mẹ.


(Theo Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất