Thứ Ba, 19/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 12/8/2013 17:6'(GMT+7)

Chỉ số cải cách hành chính - công cụ khách quan

Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới công tác quản lý theo dõi, đánh giá để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng về mặt thực tiễn, chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý mới có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chỉ số này sẽ đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố; trong đó, coi trọng việc tự đánh giá của cơ quan quản lý hành chính và đánh giá của các cơ quan, tổ chức bên ngoài, nhất là những doanh nhân, doanh nghiệp, người dân - những đối tượng trực tiếp thụ hưởng sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Thông qua chỉ số cải cách hành chính có thể đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của việc thực hiện cải cách hành chính, qua đó sẽ giúp các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố có cơ sở xem xét, đánh giá điều chỉnh mục tiêu, nội dung cải cách hành chính hàng năm; đồng thời đề ra các giải pháp thích hợp đảm bảo ngày càng nâng cao kết quả của công tác cải cách hành chính của bộ, ngành địa phương. Xác định chỉ số cải cách hành chính theo các tiêu chí, định lượng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có thể so sánh, đánh giá, xếp loại kết quả cải cách hành chính hàng năm của mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, thời gian qua, công tác đánh giá, theo dõi cải cách hành chính còn nặng về định tính, chủ quan, chưa có những tiêu chí định lượng cụ thể, chưa tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức người dân và xã hội. Do vậy, rất khó xác định được kết quả cải cách hành chính trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến khó khăn trong đánh giá, xếp loại về kết quả cải cách hành chính.

Áp dụng chỉ số cải cách hành chính, các tiêu chí đánh giá sẽ được thực hiện theo 2 phương thức: các cơ quan hành chính tự đánh giá kết quả cải cách hành chính của mình và thông qua điều tra xã hội học đối với người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan hành chính phải thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, đánh giá chấm điểm kết quả công tác cải cách hành chính của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: Nếu các cơ quan hành chính tự đánh giá một cách trách nhiệm, thực chất, khách quan; điều tra xã hội học đạt kết quả tốt, chắc chắn khi công bố bộ chỉ số cải cách hành chính sẽ tạo được sự nhất trí trong nội bộ, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân và toàn xã hội./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất