Cơ sở thực tiễn
Trong những năm qua, ngành BHXH đã có nhiều nghiên cứu, cải tiến hệ thống tổ chức và hoạt động chi trả, đồng thời tìm kiếm một phương thức chi trả an toàn, tiện lợi và đảm bảo được các yêu cầu của ngành trong công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. BHXH Việt Nam đã làm việc với các ngân hàng có quy mô lớn và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Bưu điện Việt Nam - BĐVN) để nghiên cứu phương án hợp tác thực hiện công tác chỉ trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Với mạng lưới rộng khắp được Nhà nước đầu tư, BĐVN là doanh nghiệp bưu chính lớn nhất tại Việt Nam, là thành viên của tổ chức Liên minh Bưu chính Thế giới, Liên minh Bưu chính Châu Á - Thái Bình Dương, có quan hệ hợp tác với Bưu chính của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực kinh doanh chính của BĐVN là cung cấp các dịch vụ bưu chính; các dịch vụ tài chính bưu chính; hợp tác kinh doanh dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin; phân phối truyền thông.
Ở trong nước, BĐVN có 71 đơn vị trực thuộc, bao gồm 63 bưu điện tỉnh, thành phố, 8 công ty thành viên. Mạng lưới điểm phục vụ của BĐVN có 14.911 điểm (gồm bưu cục, đại lý Bưu điện, Kiot, điểm Bưu điện - Văn hóa xã). Mạng vận chuyển được tổ chức thành 3 cấp, gồm 4.977 tuyến đường thư trong nước và 92 tuyến đường thư quốc tế. Hệ thống khai thác có 3 bưu cục khai thác quốc tế, 5 trung tâm khai thác chia chọn liên tỉnh, 3 trung tâm khai thác báo chí liên tỉnh, 683 bưu cục khai thác cấp tỉnh và cấp huyện. BĐVN có lợi thế trong việc cung cấp các dịch vụ công đến với người dân. Bán kính phục vụ bình quân đạt 2,66 km2/điểm; số dân phục vụ bình quân đạt 5.837 người/điểm. Các cơ sở Bưu điện từ lâu đã trở nên quen thuộc, gắn kết mật thiết với cộng đồng dân cư. Hệ thống các điểm phục vụ được xây dựng khang trang tại các vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại, giao dịch của người dân, được trang bị các trang thiết bị như máy tính, máy in, két sắt; các bưu cục có lượng giao dịch tiền mặt lớn còn được trang bị thêm máy đếm tiền, máy soi kiểm tiền..., đảm bảo các giao dịch được an toàn, chính xác.
Như vậy, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống, BĐVN cũng có kinh nghiệm phát triển các dịch vụ tài chính bưu chính như: dịch vụ tiết kiệm bưu điện, mỗi năm nhận và trả hơn 30.000 tỷ đồng; dịch vụ chuyển tiền trong nước và quốc tế, mỗi năm phát trả hơn 25.000 tỷ đồng; dịch vụ thu hộ, chi hộ, mỗi năm nhận và chuyển hơn 8.000 tỷ đồng...Tổng công ty cũng đã xây dựng được một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ để quản lý, vận hành các dịch vụ. Trong hệ thống các điểm giao dịch của BĐVN có trên 3.000 điểm giao dịch có kết nối mạng online. Hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ và mạng kết nối có tính sẵn sàng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh doanh, nhu cầu quản lý các dịch vụ mới. Hệ thống mạng tin học luôn được mở rộng theo nhu cầu cung cấp dịch vụ và được nâng cấp dung lượng phục vụ. Đa số cán bộ công nhân viên trong tổng số hơn 42.000 lao động của BĐVN được đào tạo cơ bản, có kỹ năng giao tiếp, giao dịch với khách hàng tốt, có kinh nghiệm lâu năm trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính và dịch vụ tài chính bưu chính, thường xuyên được đào tạo, bổ sung kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Qua xem xét, đánh giá các phương án đề xuất, năng lực của các đơn vị, BHXH Việt Nam đã lựa chọn hợp tác với BĐVN để triển khai công tác chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Sau khi báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, báo cáo Chính phủ, BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện.
Sau 3 tháng triển khai thí điểm lần đầu tiên từ 01-9-2011 tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Phú Yên BHXH Việt Nam và BĐVN đã tổ chức sơ kết tình hình thực hiện và thống nhất đánh giá công tác chi trả đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Trên cơ sở này, hai bên đã quyết định mở rộng phạm vi triển khai thí điểm tại 8 địa phương là Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Long An, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Tuyên Quang từ 01-4-2012.
Trong giai đoạn triển khai thí điểm, hai bên đã từng bước chuyển giao công tác chi trả từ các cơ quan BHXH cho Bưu điện các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tăng cường đào tạo tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhờ đó công tác thí điểm đã đạt được các kết quả:
- Việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đã được thực hiện theo đúng quy định của BHXH Việt Nam, đảm bảo yêu cầu chi trả đúng người, đủ số tiền và kịp thời đến tay người hưởng. Bình quân một tháng, Bưu điện phục vụ 216.692 người hưởng, chiếm 6% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của cả nước, số tiền chi trả gần 600 tỷ đồng/tháng (tỷ lệ chi trả đạt 99%). Bưu điện các địa phương đã thực hiện chi trả miễn phí tại nhà đối với nhiều trường hợp người hưởng già yếu, người có công, chi trả tại bệnh viện đối với nhiều trường hợp ốm đau, nằm viện không đi lại được, tạo điều kiện để người hưởng chế độ kịp thời nhận được các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
- Trong thời gian triển khai thí điểm, công tác an toàn tiền mặt đã được đặc biệt chú trọng. Ngay khi bắt đầu triển khai, các đơn vị đã xây dựng và ban hành các quy trình tạm ứng tiền chi trả và thanh quyết toán; quy định bảo quản tiền trước và sau khi chi trả. Công tác vận chuyển, bảo vệ tiền thực hiện theo đúng phương án đã xây dựng và được BHXH Việt Nam và BĐVNphê duyệt. Các điểm chi trả là bưu cục của Bưu điện được trang bị két sắt đầy đủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn phù hợp với quy mô tiền mặt, chống trộm, chống cháy nổ. Tiền mặt chưa chi trả hết trong ngày phải lưu giữ tại kho quỹ theo đúng quy định quản lý của Tổng công ty. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai đến nay, chưa xảy ra tình trạng mất an toàn về tiền mặt tại tất cả các địa phương thí điểm. Việc thanh quyết toán giữa Bưu điện và BHXH cũng được thực hiện theo đúng quy định của ngành BHXH.
- Về công tác quản lý đối tượng, Bưu điện các tỉnh, thành phố đã thiết lập các kênh thu thập, cung cấp thông tin qua cán bộ trực tiếp chi trả, qua bưu tá, nhân viên điểm Bưu điện - Văn hóa xã là những người rất gần gũi với dân, sinh sống cùng nhân dân trong các thôn bản. Tại mỗi Bưu điện cấp huyện đều có bố trí nhân viên đầu mối phụ trách công tác quản lý đối tượng để phối hợp cùng cơ quan BHXH thực hiện công tác này. Bưu điện các huyện cũng đã phối hợp xây dựng lực lượng cơ sở xã/phường để thu thập thông tin quản lý đối tượng gồm cán bộ tư pháp phường/xã, tổ hưu trí, Hội Người cao tuổi, nhân viên thu bảo hiểm y tế tự nguyện… Một số đơn vị đã xây dựng và triển khai chương trình phần mềm quản lý đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống Bưu điện như Long An, Phú Yên. Đây là một điểm khác biệt rõ nét của công tác quản lý người hưởng qua Bưu điện với các hình thức khác, làm tăng tính hiệu quả, chính xác trong việc quản lý người hưởng.
Công tác tổ chức chi trả được người hưởng, các tầng lớp nhân dân đón nhận và ủng hộ bởi sự thuận tiện, nhanh chóng và thái độ phục vụ văn minh, chuyên nghiệp. Người hưởng nhận đủ số tiền, đúng thời gian quy định; hệ thống điểm phục vụ, cơ sở vật chất đồng bộ và thống nhất, thuận tiện cho việc đi lại; Thời gian chi trả ổn định kéo dài theo giờ phục vụ của Bưu điện. Ngoài ra , người hưởng còn được tiếp cận tiện ích, được hưởng các điều kiện chăm sóc khách hàng theo tiêu chuẩn của Bưu điện trước, trong và sau thời gian nhận các chế độ BHXH. Trong tổng số người hưởng được thăm dò lấy ý kiến, 93% cho rằng Bưu điện làm tốt và rất tốt, 3,8% đạt yêu cầu, 0,05% chưa đạt yêu cầu, còn lại không có ý kiến.
Đối với cơ quan BHXH đã góp phần đảm bảo sự minh bạch giữa công tác quản lý và chi trả BHXH; Đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả do BHXH quản lý; thanh quyết toán kịp thời; giảm thời gian phục vụ công tác chi trả, cán bộ BHXH không phải làm ngoài giờ, có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, giải quyết các chế độ chính sách đối với người hưởng.
Đối với BĐVN, đã tận dụng và phát huy được nguồn lực con người và mạng lưới được nhà nước đầu tư; từng bước thể hiện vai trò của Bưu chính quốc gia trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ công của nhà nước đến cộng đồng, góp phần nâng cao công tác an sinh xã hội.
Với kết quả đó, UBND của 12 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm đã đánh giá cao công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXHhàng tháng qua hệ thống Bưu điện và có văn bản gửi BHXH Việt Nam và BĐVN đề nghị chỉ đạo BHXH và Bưu điện tỉnh tiếp tục thực hiện công tác quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua Bưu điện trên địa bàn năm 2013 và các năm tiếp theo.
Trong quá trình triển khai, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn công tác liên ngành khảo sát thực tế chi trả tại Lâm Đồng. Đoàn công tác đã ghi nhận kết quả đạt được của mô hình thí điểm này và đánh giá công tác tổ chức chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua Bưu điện đã đạt được kết quả tốt, tạo được thiện cảm và sự đồng tình đối với người hưởng; cách thức triển khai của Bưu điện và BHXH phù hợp và hiệu quả, bước đầu vượt qua được rào cản là thói quen của người hưởng; mô hình thí điểm mang lại nhiều lợi ích cho Bưu điện, cơ quanBHXH và người hưởng, có triển vọng triển khai mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước...
Ngày 25/4/2013, BHXH Việt Nam và BĐVN đã có buổi báo cáo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện. Tại buổi báo cáo, Thường trực Ủy ban về các về đề xã hội của Quốc hội đã đánh giá tốt và ủng hộ cách tổ chức chi trả của BHXH Việt Nam và BĐVN, đồng thời sẽ xem xét đề nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật để đảm bảo công tác chi trả qua hệ thống Bưu điện.
Kết quả của việc triển khai thí điểm đã được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đánh giá cao và kiến nghị với Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi triển khai trên toàn quốc. BHXH Việt Nam không chỉ hợp tác BĐVN trong công tác chi trả mà còn tin tưởng giao cho BĐVN nghiên cứu đề xuất phương án triển khai thu BHXH, BHYT tự nguyện.
Bộ Lao động - Thương binh và xã hội trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đang xem xétđể BĐVN xây dựng phương án thử nghiệm công tác chi trả các chế độ chính sách đối với người có công.
Cơ sở Pháp lý:
Ngày 17-4-2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3069/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý cho BHXH Việt Nam thực hiện mở rộng việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua Bưu điện từ năm 2013 trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 06-5-2013, BHXH Việt Nam và BĐVN tổ chức Hội nghị hai ngành thông báo kế hoạch triển khai, các nội dung cần quan tâm trong công tác tổ chức quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua hệ thống Bưu điện;
Ngày 06-6-2013, BHXH Việt Nam và BĐVN ký hợp đồng dịch vụ quản lý người hưởng và chi trả các chế độ BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện.
Trên đây là những cơ sở quan trọng để BHXH Việt Nam và BĐVN xây dựng lộ trình và triển khai công tác chi trả đạt kết quả tốt nhất.
Lộ trình triển khai:
BHXH Việt Nam và BĐVN thống nhất lộ trình triển khai:
- Đối với 12 địa phương đã triển khai thí điểm: Tiếp tục triển khai và điều chỉnh theo các nội dung của hợp đồng mẫu doBHXH Việt Nam và BĐVN thống nhất ban hành. Riêng Bưu điện tỉnh Nghệ An (hiện nay đang thực hiện tại 11 huyện) tiếp tục triển khai tại các địa bàn còn lại trong quý III-2013.
- Đối với 49 địa phương triển khai mới trong năm 2013, trừ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh:
+ Từ 01-7-2013, triển khai tại 15 tỉnh, thành phố: Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Định, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kiên Giang, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Tiền Giang. Tùy theo từng địa phương sẽ triển khai tại toàn bộ địa bàn hoặc một vài quận, huyện.
+ Từ 01-8-2013, triển khai thêm từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố.
+ Từ 01-9-2013, triển khai các tỉnh còn lại.
+ Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (có số lượng người hưởng, số tiền chi trả lớn nhất trong cả nước),BHXH Việt Nam và BĐVN thống nhất lùi thời điểm triển khai muộn hơn các tỉnh khác. Tuy nhiên, phương án thực hiện phải hoàn thành trong tháng 7/2013.
|
Phương Vinh