Thứ Bảy, 23/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 12/8/2013 22:29'(GMT+7)

Hơn 3.000 lượt khách đến với 'Da Cam - Lương tri và Công lý'

Triển lãm đánh thức lương tri nhân loại và kêu gọi thế giới chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Triển lãm đánh thức lương tri nhân loại và kêu gọi thế giới chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Cuộc triển lãm kéo dài từ ngày 23/7 đến ngày 12/8 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân kỷ niệm 52 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961 - 2013) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8. Triển lãm giới thiệu với công chúng hơn 360 hiện vật, tư liệu hình ảnh theo những chủ đề: Thảm họa da cam Việt Nam, Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, Hành trình đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam, Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam...

Đây là cuộc triển lãm có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Nội dung cuộc triển lãm đã nói lên sự thật kinh hoàng và sống động về thảm họa da cam mà quân đội Mỹ đã thực hiện trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phản ánh phần nào về nỗi đau thể xác và tinh thần trong cuộc sống đời thường của các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/diôxin.

Cuộc triển lãm một lần nữa giúp người dân và bạn bè quốc tế nhận thức rõ hơn về hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam cũng như sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ, làm dịu đi phần nào nỗi đau, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống cho nạn nhân, cũng như ủng hộ hành trình đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Đối tượng khách tham quan triển lãm đa dạng các thành phần: cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh... cho đến thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt có nhiều đoàn khách quốc tế đến như: Đoàn khách của tàu Hòa Bình Nhật Bản, Hội nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản, Hội nạn nhân Da cam Hàn Quốc, các đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia, Mỹ, New Zealand...

Đứng trước bức tranh em Phạm Văn Bình (ở xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị dị tật do di chứng chất độc da cam từ bố là chiến sĩ quân giải phóng đã từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Drew Brown (48 tuổi, đến từ nước Mỹ), là thành viên của Hội Cựu chiến binh Mỹ xúc động: “Tôi vốn là phóng viên chiến trường và cũng từng tham chiến ở nhiều nơi. Chiến tranh ở Việt Nam tôi chỉ được biết qua sách báo, ti-vi. Giờ đứng trước những hình ảnh đầy đau thương mà quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, tôi rất buồn. Tôi mong Chính phủ Mỹ sẽ sớm nhận trách nhiệm và đền bù cho các nạn nhân da cam, bởi đó là điều nên làm”.

Ông Brown cũng cho biết thêm, ông đã viết và gửi đăng 3 bài báo ở nước Mỹ nói lên nỗi đau của các nạn nhân da cam để mong Chính phủ sẽ có những động thái tích cực. Và ông Brown khẳng định sẽ tiếp tục viết nữa, cho đến khi nào điều đó thành hiện thực.

Cuộc triển lãm đã gây tiếng vang lớn và mang lại hiệu quả thiết thực. Một lần nữa đánh thức lương tri của nhân loại trên thế giới. Từ đó, chúng ta cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam và góp thêm tiếng nói trong hành trình đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân da cam/dioxin và hy vọng rằng công lý sẽ được thực thi trong tương lai gần nhất./.

Theo thethaovanhoa


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất