Thứ Sáu, 20/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 6/5/2009 9:2'(GMT+7)

Chìa khoá thành công cho 3G đang bị bỏ rơi?

Download nhạc, game, e-mai và các tiện ích khác của Internet băng thông rộng đều có thể triển khai trên nền tảng công nghệ 3G

Download nhạc, game, e-mai và các tiện ích khác của Internet băng thông rộng đều có thể triển khai trên nền tảng công nghệ 3G

Trong cuộc toạ đàm "Triển vọng 3G" mới được tổ chức gần đây, tất cả các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép triển khai 3G đều nêu lên một trong những khó khăn lớn là các dịch vụ nội dung cho 3G chưa sẵn sàng.

Đại diện Viettel đưa ra ví dụ rằng những trang web hiện nay chưa được thiết kế để phù hợp với màn hình ĐTDĐ, đại diện MobiFone cũng nhấn mạnh yếu tố then chốt là các dịch vụ nội dung số để khai thác được những tính năng khác biệt của công nghệ 3G so với nền tảng 2G hiện tại.

Đại diện của EVN Telecom cũng bày tỏ lo ngại về các dịch vụ của các nhà cung cấp nội dung số hiện còn quá đơn sơ, chủ yếu trên SMS và MMS, còn đại diện VinaPhone cũng nhấn mạnh sự khác biệt so với 2G chính là dữ liệu và tiện ích được cung cấp trên nền tảng 3G.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, khái niệm 3G chính là kết nối băng thông rộng di động. Nhưng kinh nghiệm từ các nước đã triển khai 3G trên thế giới đã cho thấy, để 3G thành công thì phải có các dịch vụ dữ liệu, nội dung để tận dụng được sức mạnh băng thông rộng này với mức cước phí phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng. Nếu không, 3G sẽ trở thành một thất bại và thua lỗ khổng lồ như đã từng xảy ra ở châu Âu.

Yếu tố then chốt nhưng chưa được quan tâm

Tuy nhiên, hiện trạng của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ nội dung cho ĐTDĐ,  lại đang còn rất sơ khai. Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp nội dung số (Content Provider -CP) đều mang tính tự phát và chưa có được sự hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan quản lý về chiến lược phát triển, tạo cơ chế thuận lợi.

Yếu tố tự phát và đơn lẻ dẫn tới việc các CP luôn bị các doanh nghiệp viễn thông (Telco) áp đặt về cơ chế tính cước, không được bảo vệ về quyền lợi và doanh thu, dẫn tới việc các CP chỉ có thể hoạt động cầm chừng bằng các dịch vụ đơn giản, không đủ lợi nhuận để tái đầu tư vào các dịch vụ nội dung có chất lượng cao, mang tính xã hội hoá và lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng:"Có thể hiểu khái niệm 3G chính là kết nối băng thông rộng di động."

Theo bản thuyết trình tại buổi toạ đàm Triển vọng 3G của ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng GĐ công ty cổ phần truyền thông VMG, hiện tại Việt Nam có 137 CP, trong đó có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tổng số lao động trực tiếp của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam khoảng 4000 người, và khoảng 2400 người tại các doanh nghiệp gián tiếp có liên quan.

Tuy nhiên, các dịch vụ nội dung đều chỉ dừng lại ở mức đơn giản như nội dung text, nhạc chuông, hình nền, game nhập ngoại nhưng không có kinh phí bản địa hoá nội dung... Dịch vụ Internet di động cũng không phát triển được vì CP không được các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ doanh thu cước đường truyền và hạ tầng 2G hạn chế về băng thông.

Mặc dù vậy, theo nội dung trình bày của ông Hà, ngành công nghiệp nội dung tại Việt Nam vẫn đang có tốc độ phát triển khá nhanh. Năm 2007, doanh thu của toàn ngành cung cấp nội dung đạt 53,4 triệu USD, tức khoảng 911 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu từ dịch vụ gia tăng của các mạng di động. Năm 2008, doanh thu toàn ngành đạt 1500 tỷ đồng sau khi đã phân chia lợi nhuận cho các mạng di động, đạt mức tăng trưởng 50%/năm.

Những rào cản "vô hình"

Nội dung số tại Việt Nam chưa được quan tâm và có chiến lược đầu tư phát triển cụ thể.

Tại buổi toạ đàm về triển vọng 3G, trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về phương án chuẩn bị nội dung số khi cung cấp dịch vụ 3G trong thời gian tới, đại diện MobiFone chỉ đưa ra phương án chung chung rằng "với băng thông tốt hơn, dịch vụ tốt hơn của 3G, MobiFone sẽ có phương án phân chia doanh thu làm sao để các CP cảm thấy "hài lòng hơn" so với như 2G hiện nay".

Trả lời cùng câu hỏi này của VietNamNet, đại diện Viettel cho biết: "Về cơ chế phân chia doanh thu với các CP, Viettel thấy số lượng các CP hiện nay cũng khá lớn và trùng nhau về loại hình dịch vụ khá nhiều. Viettel sẽ ưu tiên các CP có cách tiếp cận dịch vụ nội dung mới và có cơ chế ăn chia khác so với các CP chỉ thuần tuý sao chép nội dung".

Vẫn với phần trả lời cho câu hỏi trên của VietNamNet, đại diện VinaPhone cho biết "đã có chủ trương xã hội hoá việc cung cấp nội dung cho 3G để mọi CP đều có thể tham gia, CP nào được khách hàng sử dụng nhiều thì sẽ có doanh thu cao. Từ phía VinaPhone cũng sẽ tạo điều kiện trong vấn đề ăn chia, nhằm tạo ra sự phong phú trong các dịch vụ nội dung 3G và tạo được hiệu quả cho CP hứng khởi và tập trung đầu tư. Phía VinaPhone rất mong tiếp xúc với các CP để bàn thảo về vấn đề này".

Tuy nhiên, để thúc đẩy được ngành công nghiệp nội dung số phát triển, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các CP và các mạng di động về phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nội dung, phát triển thị trường bằng quảng cáo, truyền thông. Nhưng quan trọng hơn cả là cơ chế phân chia doanh thu giữa CP và các mạng di động cần phải phân định rõ ràng và hợp lý.

Điển hình như tại thị trường 3G phát triển nhất thế giới là Nhật Bản, các CP được Telco như NTT Docomo chia lại tới 85% doanh thu từ dịch vụ nội dung, còn Telco chỉ lấy 15% doanh thu. Nhưng đáng chú ý hơn là các CP tại Nhật không hề phải trả chi phí quảng cáo, mà là mạng di động hoàn toàn chịu trách nhiệm tiếp thị, quảng cáo dịch vụ.

Nếu các Telco tại Việt Nam không thay đổi về chính sách phân chia lợi nhuận dịch vụ nội dung theo hướng tương tự như tại Nhật Bản, thì viễn cảnh về một ngành công nghiệp nội dung số phát triển bùng nổ cho công nghệ di động 3G sẽ vẫn sẽ xa vời. Do lợi nhuận không đủ để tái đầu tư vào các dịch vụ nội dung có giá trị gia tăng cao hơn, không ít CP hiện tại ở Việt Nam đang thua lỗ và hoạt động cầm chừng.

Đại diện công ty truyền thông GAPIT dẫn chứng tại buổi toạ đàm 3G về kinh nghiệm phát triển nội dung số của NTT DoCoMo tại Nhật Bản, cùng đề xuất tỉ lệ phân chia lợi nhuận ở mức Telco thu về trong khoảng 30-40% cước phí nội dung sẽ vừa giúp công nghiệp nội dung số phát triển, vừa đảm bảo lợi nhuận cho Telco.

Cơ hội đột phá về phát triển kinh tế

Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng nhấn mạnh tại buổi toạ đàm: "Việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng rộng chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển GDP của đất nước. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy tăng trưởng 10% dân số băng rộng sẽ mang lại mức tăng trưởng GDP 0,6%."

Công nghiệp nội dung số đóng vai trò then chốt trong việc đưa công nghệ 3G tới người dân, là cơ hội quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào những phương án cơ chế chung chung, không mang tính cam kết như các các nhà mạng 3G đưa ra, ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam sẽ khó có thể cất cánh bay lên được.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp CP và ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam đang rất cần vai trò trọng tài của cơ quan quản lý nhà nước về điều tiết cơ chế phân chia doanh thu giữa CP và Telco, đảm bảo một mức tỉ lệ "sàn" để doanh thu CP không "thủng đáy", tạo điều kiện kích thích các dịch vụ nội dung phát triển. Có như vậy, ngành công nghiệp nội dung số và kết nối băng rộng di động mới có cơ hội trở thành bước đột phá để phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước.

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất