Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 15/11/2011 12:33'(GMT+7)

Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

 

Được đồng tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội thảo hướng tới mục tiêu chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và phát triển thị trường sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam từ thực tiễn thực hiện của một số dự án. Bên cạnh đó, giới thiệu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực liên quan đến chính sách thể chế, chuyển giao công nghệ, phát triển công ty dịch vụ năng lượng và nguồn tài chính cho các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng; thu hút sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt Nam…

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam cao

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, các tham luận của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, một số đơn vị tư vấn tiết kiệm năng lượng cho thấy, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên năng lượng đa dạng về chủng loại nhưng không nhiều về trữ lượng; trình độ công nghệ và trình độ quản lý thấp, nên việc sử dụng năng lượng còn lãng phí, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt cao. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem xét như là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng là một trong những vấn đề trọng tâm, bảo đảm cho sự thành công trong công cuộc phát triển đất nước. Hiện nay, việc tiết kiệm năng lượng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập có tính hệ thống, thể hiện ở việc sử dụng năng lượng thiếu hiệu quả, không tiết kiệm. Vấn đề không chỉ tồn tại trong sản xuất với công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng không cao mà còn trong ý thức và phương thức sử dụng năng lượng của người dân… Do đó, giải quyết vấn đề này cần cả xã hội chung tay với một hệ thống giải pháp toàn diện.

Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như Nghị định 102/2003/NĐ-CP về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị quyết số 18/NQ-TƯ ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa trong Chiến lượng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ ban hành; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình tiết kiệm điện năng với mục tiêu giảm được 3 - 5% tổng nhu cầu năng lượng thương mại giai đoạn 2006 – 2010 và từ 5 - 8% giai đoạn 2011 – 2015. Việc thực hiện Chương trình đã đem lại nhiều kết quả và bài học quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra.

Nhiều kinh nghiệm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, hiện Việt Nam có nhiều dự án, chương trình tiết kiệm năng lượng được thực hiện. Trong đó, dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu và UNDP được đánh giá là chương trình hợp tác thành công nhất với UNDP của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010.

Trong 5 năm (2006 - 2010), dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần quan trọng vào việc hình thành và thúc đẩy thị trường tiết kiệm và hiệu quả năng lượng phát triển. Không những thế, việc tiết kiệm năng lượng còn giúp giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường. Đã thực hiện được 543 dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong 5 ngành công nghiệp (sản xuất gạch, gốm sứ, giấy và bột giấy, dệt may và chế biến thực phẩm). Hỗ trợ hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Tổng mức năng lượng tiết kiệm được là 232 ngàn tấn dầu tương đương, giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính 944 ngàn tấn CO2. Chi phí năng lượng giảm trung bình trên giá thành sản phẩm là 24,3%.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia dự án đã giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 50%, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đển 30%. Việc thực hiện thành công dự án đã góp phần quan trọng vào giảm ô nhiễm môi trường trong ngành gạch và gốm sứ, tạo ra gần 10 ngàn việc làm cho khu vực nông thôn làng nghề.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và UNDP, dự án thành công là nhờ các văn bản của dự án được nghiên cứu thiết kế một cách bài bản, tính khoa học và thực tiễn cao, thiết kế và vận hành thành công Quỹ bảo lãnh vay vốn với sự tham gia của hệ thống ngân hàng thương mại, lựa chọn và giới thiệu các công nghệ phù hợp để giới thiệu cho doanh nghiệp áp dụng…

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trong khu vực giới thiệu nhiều kinh nghiệm hay như Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Trung Quốc, kinh nghiệm của Thái Lan phát triển dịch vụ hiệu quả năng lượng và cấp vốn cho các dự án, kinh nghiệm của Hàn Quốc về phổ biến các công nghệ hiệu quả năng lượng, Nhật Bản phổ biến nhân rộng các công nghệ hiệu quả năng lượng…

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất