(TCTG) - Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan và Công nghệ sản xuất Alginate từ bã thải rong nâu” của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đã thành công sau 6 năm nghiên cứu. Đây là quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan đạt tiêu chuẩn chất lượng thương phẩm, có thể triển khai sản xuất thử nghiệm và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất dược liệu ở quy mô bán công nghiệp.
* Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (NC&ƯDCN) đã thực hiện thành công dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan và Công nghệ sản xuất Alginate từ bã thải rong nâu” sau 6 năm nghiên cứu. Đây là quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan đạt tiêu chuẩn chất lượng thương phẩm, có thể triển khai sản xuất thử nghiệm và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất dược liệu ở quy mô bán công nghiệp. Viện cũng hoàn thiện công nghệ sản xuất Alginat từ bã thải rong nâu trong quá trình sản xuất Fucoidan. Rong nâu có chứa hàm lượng đáng kể chất Alginate, Fucoidan và Laminaran. Đây là những Polysacarit có nhiều hoạt tính sinh học hữu ích như: chống đông tụ máu, chống ung thư, chống ôxy hóa, chống virut, bảo vệ dạ dày, trị bệnh gan…
TS.Trần Thị Thanh Vân, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Sản lượng rong nâu ở nước ta ước tính lên đến 10.000 tấn khô/năm. Nghiên cứu ban đầu cho thấy rong nâu Việt Nam có hàm lượng Fucoidan dao động (0,7- 2,7 %) và trong số 8 mẫu Fucoidan chiết xuất từ các loài rong Mơ (Sargassum, một chi thuộc ngành rong nâu) có đến 6 mẫu có hoạt tính chống ung thư. Hàm lượng Alginat trong rong nâu dao động từ 15 đến 40 %. Vì vậy rong nâu là nguồn dược liệu quý cần được khai thác và sử dụng. Hiện nay, những nghiên cứu về Fucoidan và Alginate chỉ công bố dưới dạng sáng chế, được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, do đó quy mô thực hiện rất nhỏ. Chính vì vậy, để sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra quy mô bán công nghiệp đòi hỏi phải có bước nghiên cứu hoàn thiện từng giai đoạn nhỏ trong quy trình sản xuất”.
Quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan của Viện NC&ƯDCN Nha Trang có công suất 4 kg/ ngày. Qua thời gian sản xuất thử nghiệm theo đúng công suất 4 kg/ngày, Viện thu được 1.200 kg Fucoidan thô, từ đó tinh chế được 300 kg Fucoidan tinh chế và 1.120 kg Alginate natri, vượt mức về sản phẩm đã đăng ký của dự án. Quy trình này hiện đã đăng ký giải pháp hữu ích và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
TS. Thanh Vân cho biết thêm: Theo số liệu phân tích của Viện Kiểm nghiệm thực phẩm Trung ương, một số chỉ tiêu chính sản phẩm Fucoidan của Viện NC&ƯDCN Nha Trang đạt chất lượng thương phẩm cao hơn so với Fucoidan thô của Nga và tương đương chất lượng với Fucoidan sản xuất ở Mỹ, Nhật và giá thành rẻ hơn khoảng 25%. Dự án đã chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Fucoidan Việt Nam để đưa vào sản xuất thực phẩm chức năng đầu tiên với tên thương mại là Fucogastro phục vụ nhu cầu phòng chống bệnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Công ty này đã cung cấp cho thị trường hơn 5.000 hộp Fucogastro thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ phòng chống, ngăn ngừa ung thư dạ dày, tá tràng. Công ty đang tiếp tục sản xuất sản phẩm bán ra thị trường trong nước”. Kết quả nghiên cứu của dự án còn là cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu về xây dựng quy trình công nghệ chế biến rong nâu bao gồm các bước công nghệ sau: thu hoạch nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu, đánh giá chất lượng nguyên liệu, quy trình sản xuất fucoidan, alginate và cuối cùng là đánh giá chất lượng sản phẩm và tính chất dược lý của các sản phẩm thu được từ rong nâu Việt Nam, mở ra khả năng xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ rong nâu. Với những thành công trên, đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Fucoidan và Công nghệ sản xuất alginate từ bã thải rong nâu” của Viện đạt giải nhì trong Hội thi sáng tạo Khoa học công nghệ tỉnh Khánh Hòa năm 2011.
* Từ khi tách tỉnh đến nay, Hậu Giang đã xét duyệt được 147 đề tài khoa học cấp tỉnh và ký hợp đồng triển khai được 124 đề tài, dự án, trong đó có 69 đề tài được nghiệm thu, có 60 đề tài được đánh giá từ loại khá trở lên. Tuy nhiên, khá nhiều đề tài khoa học sau khi nghiệm thu đến khi triển khai thực hiện đã không mang lại kết quả như mong muốn.
Điển hình như đề tài nghiên cứu sản xuất gạch thứ cấp từ chất bã bùn thải của nhà máy đường Vị Thanh. Đề tài này có ý nghĩa rất lớn vì nó giúp giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do bã bùn tồn đọng từ việc sản xuất đường. Việc sử dụng bã bùn thải để sản xuất vật liệu nhẹ sẽ góp phần tiêu thụ, giảm ô nhiễm môi trường cho các nhà máy. Đề tài đã được nghiệm thu với loại khá mà vẫn không ứng dụng được vì không có hiệu quả kinh tế và lượng bã bùn tồn đọng tại các nhà máy đường đến nay vẫn cứ tiếp diễn, gây bức xúc trong nhân dân.
Còn đề tài nuôi cá đồng dưới tán rừng tràm ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ cũng được triển khai nhưng kết quả thực hiện hoàn toàn trái ngược với kết quả đánh giá nghiệm thu của đề tài. Nghịch lý ở đây là cả 4 hộ dân tham gia thực hiện đề tài thu hoạch cá vào thời điểm đầu năm 2008 nhưng mới đến ngày 30/8/2007, đề tài đã được nghiệm thu với kết quả đánh giá loại khá. Điều đáng nói là kết quả của 4 hộ dân thực hiện đề tài trái ngược hoàn toàn với kết quả đánh giá của đề tài là: đầu tư 100 kg cá giống với kết quả thu lại được là 100 kg cá thịt thương phẩm.
Giải thích về tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học, Ông Nguyễn Văn Ngẫu, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Hậu Giang cho biết: Sở KH-CN chỉ làm đầu mối về công tác quản lý, còn các đề tài khoa học là do các sở, ngành trong tỉnh tự đăng ký và nghiên cứu. Vào khoảng tháng 9 hàng năm, Sở KH-CN có thông báo cho các sở, ban, ngành trong tỉnh đăng ký đề tài và liên hệ với các viện, trường để thực hiện. Sở KH-CN chỉ làm đầu mối quản lý tiền. Khi có kết quả nghiệm thu xong, Sở sẽ lấy kết quả đó và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đưa các đề tài về cho sở, ngành chủ quản triển khai thực hiện.
* Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần II (2010-2011) đã kết thúc với kết quả: Trong 10 giải pháp tham dự Hội thi có 6 giải pháp đoạt giải gồm: Một giải nhất được trao cho đề tài: “Cải tiến lò đốt rác thải y tế” của tác giả Trịnh Đình Năng, phường Sông Cầu (thị xã Bắc Kạn); giải nhì là giải pháp “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào (Invitro) để nhân giống khoai môn Bắc Kạn”, của 3 tác giả Đặng Trọng Lương, Trịnh Thị Thanh Hương, Đỗ Tuấn Khiêm. Ngoài ra còn có 3 giải Ba và một giải khuyến khích.
Hội thi xác định yêu cầu các tổ chức, cá nhân tiếp tục phát huy tính sáng tạo, có đầu tư cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong những năm tới để có được những đề tài thiết thực hơn trong sản xuất nông-lâm nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản vốn là thế mạnh của Bắc Kạn./.
Theo TTXVN