Thứ Ba, 19/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 16/6/2009 15:51'(GMT+7)

“Chiếc ô hạt nhân” che phủ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn

Tổng thống Hàn Quốc đến Washington.

Tổng thống Hàn Quốc đến Washington.

Cuộc gặp giữa ông Lee Myung-bak với người đồng cấp Mỹ Obama dự kiến diễn ra ngày hôm nay (giờ Việt Nam). Hai bên sẽ tìm kiếm những phương cách để đối phó với những mối đe dọa thật sự về an ninh và sẽ có những tuyên bố quan trọng được thông báo sau cuộc họp này, trong đó đặc biệt là về “chiếc ô hạt nhân” - một tuyên bố có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

“Chiếc ô hạt nhân” là sự bảo đảm của một quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân bảo vệ một quốc gia đồng minh không sở hữu vũ khí hạt nhân. “Chiếc ô hạt nhân” thường được dùng cho các liên minh an ninh giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Australia.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn lần này, hai nguyên thủ sẽ trao đổi về những động thái gần đây của Triều Tiên như vụ thử hạt nhân cũng như dấu hiệu phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và thảo luận các biện pháp cùng đối phó với vấn đề này. Sau cuộc hội đàm, Hàn Quốc và Mỹ sẽ thông qua “Kế hoạch tương lai cho đồng minh Hàn-Mỹ” nhằm tăng cường quan hệ đồng minh giữa 2 nước.

Những tuyên bố quan trọng đó có thể bao gồm một sự cam kết trên văn bản là Mỹ sẽ cung cấp cho Hàn Quốc “chiếc ô hạt nhân”, theo đó Mỹ sẽ ''đánh trả” nước nào thực hiện tấn công hạt nhân đối với Hàn Quốc. Báo chí Hàn Quốc dẫn lời các quan chức chính phủ nói rằng Tổng thống Lee Myung Bak sẽ yêu cầu Washington cam kết trên giấy tờ là Mỹ sẽ bảo đảm với Hàn Quốc “sự răn đe hạt nhân nới rộng”.

Các nhà phân tích cho rằng sự bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc mà Mỹ đã thực hiện trong nhiều thập niên qua bao hàm việc phòng thủ hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc họp trong tuần này có thể mang lại kết quả là Mỹ sẽ ghi rõ điều này trên văn bản.

Vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được đưa ra khỏi Hàn Quốc từ năm 1991. Nhưng “chiếc ô hạt nhân” vẫn được duy trì trên các tàu ngầm của hải quân Mỹ Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đã khẳng định Mỹ muốn nối lại thương lượng với Triều Tiên, nhưng cũng nói Washington sẽ giúp bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp “có hành động gây hấn từ Bình Nhưỡng”. Hiện Mỹ có 28.500 quân ở Hàn Quốc. 

Cuộc gặp giữa ông Obama và người đồng cấp Lee diễn ra trong bối cảnh dư luận ở Hàn Quốc, và kể cả Nhật Bản, đang nghi ngờ về hiệu quả “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ.

Báo chí Hàn Quốc cho rằng khi nói đến "chiếc ô hạt nhân", ông Obama phải đưa ra thông điệp nhắm đến ba đối tượng: trước tiên đối với Hàn Quốc, bảo đảm nước này sẽ được bảo vệ. Đối tượng thứ hai là Nhật Bản, thuyết phục Tokyo không nên chế tạo vũ khí hạt nhân. Đối tượng thứ ba là Triều Tiên, với thông điệp thật rõ ràng là họ sẽ bị đánh trả.

Hôm qua, tờ Rodong Sinmun, nhật báo chính thức của Triều Tiên, đã đả kích chính phủ của ông Lee Myung Bak và nói rằng việc tìm kiếm sự bảo đảm từ “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ là nhằm “khởi động một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai với vũ khí hạt nhân” và là “một tội ác không thể tha thứ”. Như vậy, câu trả lời về “chiếc ô hạt nhân” của Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ có tác động rất lớn đến tình hình căng thẳng hiện nay ở Triều Tiên./.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất