Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 1/3/2009 9:8'(GMT+7)

Chiến lược giáo dục: Nhiều ý kiến “ngược” với Bộ

Theo dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 - 2020, tất cả học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày vào năm 2020
 

Một số giải pháp chưa mang tính khả thi
 
PGS. TS. Thái Bá Cần - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM nêu quan điểm, chiến lược thì phải có những giải pháp cụ thể, các giải pháp được hiểu là hành động để thực hiện các mục tiêu. Nhưng điều “lạ” ở trong Chiến lược này thì một số mục tiêu đưa ra nhưng không thấy có giải pháp cụ thể gì để thực hiện. Nhiều giải pháp đề ra trong thực tế không phải là giải pháp mà chỉ là sự lặp lại của các chỉ tiêu, tất yếu dẫn đến tính khả thi của Chiến lược giáo dục sẽ thấp.

Theo ông Thái Bá Cần, ngay giải pháp đầu tiên đã chưa đủ. Chưa kể, một số mục tiêu trong Chiến lược đưa ra không có giải pháp thực hiện như: chỉ tiêu đến 2010 giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống 10%; thu hút khoảng 15.000 sinh viên nước ngoài tới học tại Việt Nam nhưng trong mục giải pháp lại không đề cập tới. Và để thực hiện được điều này cần một loạt các giải pháp như mở rộng, giao lưu... nhưng Chiến lược chưa thấy thể hiện rõ.
 
Ngược lại, trong phần mục tiêu không đề cập đến “đổi mới quản lý để nâng chất lượng” nhưng ở phần giải pháp lại coi đó là “mấu chốt” quan trọng thực hiện thành công đổi mới. Đặc biệt, một số giải pháp được xếp vào giải pháp mang tính đột phá trong Dự thảo Chiến lược là vấn đề đổi mới giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý... nhưng lại chưa được phản ánh một cách đầy đủ. Cụ thể như Dự thảo Chiến lược đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 80% giáo viên mầm non và 100% giáo viên tiểu học đạt trình độ cao đẳng trở lên; 100% giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trình độ đại học trở lên... 
 
Tương tự, PGS. TS. Trương Ngọc Thục - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ Viễn Đông cho rằng, mấu chốt để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục là phải nhanh chóng cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân thành một hệ thống thống nhất, tập trung đầu mối quản lý nhà nước về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chiến lược phát triển là phải xây dựng cho được sứ mạng và tầm nhìn của giáo dục Việt Nam đến năm 2020. Từ đó mới xây dựng được mục đích và mục tiêu lâu dài của nền giáo dục. Và hơn hết, mục tiêu chiến lược phải đi kèm với các giải pháp hữu hiệu.
 
Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, những giải pháp dự thảo Chiến lược vạch ra vẫn theo lối viết kinh điển. Từ những ý đồ, ý tưởng và kế hoạch đặt ra phải có “gói” giải pháp thực hiện đồng bộ, tổng thể, nhất quán và khách quan. “Gói” giải pháp ở chiến lược 14 này vẫn chưa rõ.
 
Chưa xứng tầm chiến lược Quốc gia
 
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - Võ Văn Sen đã rất thẳng thắn: “Nếu Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam 2009 - 2020” là kế hoạch dài hạn thì ổn. Còn là “Chiến lược quốc gia” thì tiếp tục phải điều chỉnh nhiều mới có thể công bố. Vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, trong khi nhiều chỉ số đưa ra không sát thực. Kế hoạch phát triển giáo dục ĐH đến 2020 trong chiến lược chưa đề ra được giải pháp đột phá, đón đầu.
 
Cùng quan điểm như trên, Phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, Đỗ Văn Xê cho rằng, với những giải pháp nêu trong bản dự thảo thì chưa thể khiến cho giáo dục Việt Nam có những bước đột phá. Đơn cử ngay việc đề cập đến tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường, ông thẳng thắn, Bộ GD&ĐT còn chưa tự chủ được thì làm sao giao quyền tự chủ cho các trường được.
 
Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội - Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, phải có bổ sung, điều chỉnh để Chiến lược không chỉ cho ngành Giáo dục thực hiện mà tất cả các cấp, bộ ngành khác đều thực hiện thì mới thành công, đưa giáo dục thực sự là “quốc sách hàng đầu”. Chiến lược này mới khoanh vùng ở ngành Giáo dục chưa phải ở tầm Quốc gia nên khó giải quyết được những tồn tại của ngành đang đặt ra.  
 
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM Nguyễn Kim Phúc cho rằng: "Với mục tiêu xã hội học tập, học tập suốt đời thì vai trò của ĐH mở rất quan trọng, quy mô đào tạo của các nước ở hình thức này cũng rất lớn. Ở Việt Nam quy mô đào tạo của ĐH mở gấp 3 lần ĐH chính qui, do đó rất cần sự quan tâm của Nhà nước. Trong khi đó Chiến lược chưa nêu ra được những giải pháp cụ thể. 
 
Theo PGS. TS. Thái Bá Cần, mục tiêu chiến lược là phần quan trọng nhất của dự thảo. Tuy nhiên, trước tiên cần phải nêu được mục đích của chiến lược sau mới đến các mục tiêu cụ thể, nhưng trong dự thảo chưa nêu được mục đích cụ thể mà mới chỉ là tầm nhìn đến năm 2020. Vì vậy, nên chăng xây dựng lại mục đích của chiến lược?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Trần Thị Hà: Nên rút bớt mục tiêu trong Dự thảo: “...từ nay tới năm 2020 có ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học hàng đầu trong khối ASEAN”, vì đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào so sánh giáo dục Việt Nam với các nước trong khối ASEAN nên rất khó đánh giá.
 
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT - Bành Tiến Long thừa nhận, những ý kiến nêu: Chiến lược chưa làm rõ được những chủ trương, những tư tưởng lớn và chưa có sức nặng. Cách viết phù hợp với một nghị quyết hơn là 1 chiến lược quốc gia… là rất xác đáng và sẽ có điều chỉnh phù hợp.

(Theo VnMedia)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất