Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 27/2/2009 22:40'(GMT+7)

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 - 2020 vẫn chưa hoàn chỉnh

Hội thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 - 2020 được tổ chức theo hình thức qua cầu truyền hình với bốn điểm cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ. Dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 800 đại biểu là hiệu trưởng và đại diện Hội đồng khoa học đào tạo của 250 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, đại diện các bộ, ngành có các trường đại học, cao đẳng.

Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, trước đó, Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 - 2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải trên trang web của Bộ để các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng nghiên cứu đóng góp ý kiến bằng văn bản và chuẩn bị ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo. Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp qua văn bản và tại Hội thảo hôm nay, từ bốn điểm cầu đã có 16 ý kiến phát biểu trực tiếp. Theo nhận xét của Thứ trưởng Bành Tiến Long tất cả các ý kiến đều nhận xét rất sâu sắc, cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao. Các đại biểu đều đánh giá cao sự cơ bản của bản dự thảo chiến lược đồng thời đưa ra những nhận xét, góp ý cần phải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện.

Về thực trạng nền giáo dục Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng cấu trúc dự thảo chưa có gì đột phá, vẫn còn mang tính “truyền thống” của một bản báo cáo thông thường, nặng về kể lể dài dòng, cần phải cô đúc hơn. Khi nêu thực trạng tình hình giáo dục Việt Nam, cần có sự so sánh với chuẩn của UNESCO cũng như với thực trạng của một số nước khác trong khu vực hoặc có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam. Cũng cần nêu lên cả sự yếu kém trong nội dung và phương pháp giảng dạy đại học chứ không chỉ ở các cấp học phổ thông. Nhiều đại biểu kiến nghị dự thảo cũng cần quan tâm đến đời sống của giáo viên mầm non.

Về phần “Các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục”, nhiều ý kiến cho rằng cách viết của dự thảo có phần giống một bản nghị quyết hơn là một bản chiến lược. Trong các nội dung, chiến lược nâng cao dân trí chưa được đề cập một cách rõ ràng. Các đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường yếu tố cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục.

Về phần “Các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2009 - 2020”, có nhiều ý kiến cho rằng chưa đưa ra được mục đích cụ thể; phần xây dựng xã hội học tập còn mơ hồ, chưa được đề cập rõ ràng.

Đa số các đại biểu tán thành việc Dự thảo xác định Đổi mới quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là các giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, trong số các giải pháp khác cũng cần xem xét lại vì có nhiều giải pháp dường như lại trùng lắp, lẫn lộn với phần mục tiêu. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng đã là giải pháp chiến lược mà đề ra đến 11 nhóm giải pháp thì dàn trải quá, cần phải rà soát, gộp các nhóm giải pháp tương đồng lại. Nhiều đại biểu cũng tập trung góp ý vào giải pháp về chính sách của Nhà nước với giáo dục, đặc biệt là đối với các trường ngoài công lập.

Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo này sẽ được tập hợp, nghiên cứu cùng với ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và toàn xã hội để chỉnh sửa, hoàn thiện bản Chiến lược giáo dục Việt Nam 2009 - 2020 trước khi công bố chính thức.

Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 - 2020 được tiến hành xây dựng từ tháng 8-2007, hiện tại đã được bổ sung và chỉnh sửa thành phiên bản thứ 14./.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất