Thứ Ba, 1/10/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 24/4/2011 20:1'(GMT+7)

Chiến lược mới, bệ phóng mới cho thể dục thể thao

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Thật cảm động và tự hào khi hàng vạn người cổ vũ các cầu thủ thân yêu bằng Quốc ca hay bài ca bất hủ “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Hát hăng say dưới trời mưa tầm tã, cổ vũ với đôi mắt nhòe lệ kèm theo niềm hy vọng Việt Nam chiến thắng.

Bức tranh về thể thao quần chúng ở nước ta hiện nay đáng tự hào. Tỷ lệ dân số tập luyện thể thao ngày càng cao, số lượng gia đình thể thao cũng tăng gấp bội. Riêng về thể thao thành tích cao, nếu tính từ năm 1989,khi Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường SEA Games thì chúng ta đã có sự tiến bộ vượt bậc, từ 3 HCV của năm 1989, đến nay ở SEA Games, chúng ta luôn là một trong ba nước dẫn đầu.

Tại đấu trường ASIAD và Ô-lim-pích, thể thao Việt Nam đều tiến bộ. Tính tổng số huy chương tại ASIAD 16 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Việt Nam đoạt được 33 huy chương, trong đó có 13 chương (9 HCB) của 5 môn thể thao Ô-lim-pích. Tại đấu trường Ô-lim-pích, số lượng VĐV lọt qua vòng loại ngày càng nhiều. Vừa qua ở Ô-lim-pích Bắc Kinh, đoàn thể thao Việt Nam giành được 1 HCB. Từ năm 1989 đến nay, thể thao Việt Nam còn đăng cai rất thành công SEA Games 22 năm 2003; AIG 3 vào năm 2009 và đã trở thành nơi hội tụ của nhiều giải đấu thể thao quốc tế có uy tín.

Việt Nam không những có bước tiến và phát triển số môn thể thao để có hành trang hòa nhập trong các đấu trường quốc tế, từ đó tích lũy những kinh nghiệm, tổ chức những sự kiện lớn. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương qua sự kiện đăng cai tổ chức SEA Games, AIG 3… đã có được một gia tài về cơ sở vật chất (sân bãi, bể bơi, nhà tập…). Đây chính là những “nhà hát giấc mơ” cho những người hâm mộ thể thao sử dụng sau những sự kiện thể thao lớn nói trên.

Tất nhiên trong quá trình vận động và phát triển, công tác TDTT còn va vấp, không tránh khỏi khiếm khuyết, chẳng hạn như tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2010 dài lê thê, thiếu trọng tâm, trọng điểm vừa không hiệu quả mà còn gây lãng phí. Việc chăm lo đến đời sống VĐV cũng chưa chu đáo, hay để phong trào bóng đá nữ mai một là những việc cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc và chấn chỉnh kịp thời.

Một sự kiện quan trọng với ngành thể thao là ngày 3-12-2010, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển TDTT (Quyết định 2198/QĐ-TTg) trong giai đoạn 2010 đến 2020. Chiến lược cũng vạch rõ 10 môn thể thao trọng điểm loại một, 22 môn trọng điểm loại hai. Đây là một sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, giúp cho việc tháo gỡ quan điểm còn bất đồng trong nhiều năm của một số cán bộ lãnh đạo TDTT. Ngoài ra, Chỉ thị cũng định rõ các mốc đại hội mà ngành TDTT phải tham gia, đó là các kỳ SEA Games, các kỳ ASIAD và Ô-lim-pích… Riêng đối với ASIAD, Chính phủ cũng giao chỉ tiêu một cách định hướng để đoàn thể thao Việt Nam phấn đấu có vị trí cao ở các kỳ Đại hội. Đối với Ô-lim-pích, hai tiêu chí được nêu ra mang tính định hướng để phấn đấu là số lượng VĐV vượt qua vòng loại và chỉ tiêu giành huy chương tại các kỳ Ô-lim-pích 2012, 2016 và 2020 (giai đoạn thực hiện chiến lược). Không ít người cho rằng, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là nặng, nhưng tôi cho rằng, Chính phủ đề chỉ tiêu ra không phải để bắt buộc ngành TDTT phải thực hiện bằng được mà đấy là chỉ tiêu phải phấn đấu hết mình. Nhiệm vụ mở mang quan hệ quốc tế và lần đầu tiên trong lịch sử phải chạy đua đăng cai ASIAD vào năm 2019 là việc làm cần được ưu tiên. Cho đến nay, công việc này đang gặp nhiều thuận lợi. Chính phủ đã phê chuẩn thủ tục đấu thầu. Thành phố Hà Nội đã sẵn sàng trở thành thành phố đăng cai ASIAD 2019. Kết quả bầu chọn cuối cùng sẽ được công bố vào một thời điểm không xa. Việc Việt Nam ngày càng tích cực đăng cai các đại hội thể thao là một chủ trương lớn, đồng thời cũng là những thách thức đối với toàn ngành nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, sự tự thân vận động của các tỉnh, thành phố, ngành cũng như hiệu quả từ chính sách xã hội hóa các hoạt động TDTT của Đảng và Nhà nước. Cần nói thêm là ở AIG 3, theo thông lệ nước chủ nhà phải đóng tiền bản quyền và tiếp thị cho OCA nhưng sau khi thị sát, thấy sự nhiệt tình, năng động và sự quan tâm chu đáo của Đảng và Nhà nước ta, OCA đã miễn phí cho nước chủ nhà Việt Nam tới 1,5 triệu đô-la. Và trong tháng 4 tới đây, lãnh đạo của OCA sẽ sang Việt Nam để thị sát công tác chuẩn bị đấu thầu đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019 và công tác chuẩn bị đăng cai hơn 20 môn thể thao bãi biển tại thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa.

Được sự đồng thuận từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Ô-lim-pích quốc gia, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đăng cai SEA Games 2017. Cũng trong năm này, OCA cũng rất ủng hộ nếu Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đăng cai Đại hội thể thao trẻ châu Á. Nếu thành công đó cũng là cơ sở giúp phát triển mạng lưới giao thông, nâng cấp hoặc xây mới các cơ sở phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT.

Hà Nội đã có một trung tâm đào tạo VĐV cấp cao hoành tráng thuộc loại nhất Đông Nam Á với hàng chục nhà tập hiện đại, một loạt sân bóng đá, ký túc xá cho 1.200 VĐV với đầy đủ trường học, bệnh xá, nhà chuyên gia, nhà khách cho VĐV quốc tế đến tập luyện. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có dự án mang tính chất rất chiến lược là xây dựng một trung tâm đào tạo VĐV cấp cao tại địa điểm trường đua Phú Thọ, có diện tích là 25ha. Những công trình này không những chỉ phục vụ cho các VĐV Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, để làm địa điểm đào tạo cho VĐV của các tỉnh, thành phố lân cận. Đó sẽ là các Trung tâm đào tạo VĐV mang tính vùng, miền.

Hy vọng, cùng với Chiến lược phát triển TDTT, mỗi cán bộ, HLV, VĐV và toàn ngành TDTT sẽ nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa sức khỏe cộng đồng, lập được nhiều thành tích, kỷ lục mới trên trường quốc tế./.

Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam

(Nguồn: SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất