Thứ Bảy, 21/12/2024
Thế giới
Thứ Tư, 17/3/2010 9:41'(GMT+7)

Chiến lược nước lớn hòa bình của Trung Quốc

Trước cải cách mở cửa, Trung Quốc vẫn chưa có chiến lược nước lớn theo đúng nghĩa hiện đại. Nhìn từ góc độ toàn cầu, phạm vi tiếp xúc của chiến lược đối ngoại Trung Quốc rất hạn chế. Trung Quốc trong thời cận đại là nước yếu, nằm ngoài hệ thống chính, do vậy không phải là nước lớn trong hệ thống quốc tế. Trong suốt thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ 2, Trung Quốc là nước yếu trên trường quốc tế. Thời kỳ đầu khi Trung Quốc mới ra đời, do các nguyên nhân bên trong và bên ngoài, Trung Quốc đã lựa chọn chính sách nhất biên đảo, mất đi tính tự chủ của mình, nên không đưa ra chiến lược nước lớn. Sau năm 1953, Trung Quốc đã tăng dần tính tự chủ, duy trì tôn trọng và chủ quyền dân tộc, địa vị đất nước được nâng lên, không phải là một lực lượng phụ thuộc vào nước lớn, mà đã trở thành một lực lượng quan trọng bình đẳng trong hệ thống chiến lược quốc tế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Trung Quốc vẫn chưa phải là nước lớn, bởi vì khi đó Trung Quốc vẫn tách rời với thể chế quốc tế chính, cộng thêm sự yếu kém về thực lực quốc gia.

Cùng với việc Trung Quốc quay trở lại Liên Hợp Quốc, địa vị quốc tế của Trung Quốc dần được nâng cao. Sau cải cách mở cửa, đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, Trung Quốc đã trở thành một thành viên quan trọng của hệ thống thương mại quốc tế, cùng tạo ra và chia sẻ lợi ích thu được từ thị trường thế giới. Song song với thực lực đất nước đang tăng lên, Trung Quốc đang từng bước hình thành ngoại giao tự chủ rõ ràng và đặc sắc, chẳng hạn như nỗ lực duy trì uy tín của Liên Hợp Quốc, tích cực phối hợp với các nước lớn, coi trọng và ủng hộ các nước đang phát triển; có địa vị độc lập tự chủ, không lôi kéo bè cánh, không khuất phục, không đi đầu, phán đoán vấn đề hoàn toàn dựa trên thực tế. Trung Quốc không vì làm vừa lòng bất kỳ thế lực nào mà chấp nhận hy sinh lợi ích quốc gia, đồng thời cũng không lấy quan niệm giá trị và tiêu chuẩn của phương Tây quyết định đường lối chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Vì vậy, hình ảnh Trung Quốc hấp dẫn mọi người, mô hình Trung Quốc làm cho mọi người tỉnh ngộ, ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng lên, Trung Quốc đã có đầy đủ cơ sở để đưa ra chiến lược nước lớn của mình.

Thế giới hô hào chiến lược nước lớn của Trung Quốc

Trong thế giới hiện nay, quyền lực chính trị vẫn chưa bị loại ra khỏi lịch sử. Các quốc gia đứng đầu vẫn có ý đồ lấy quyền lực chính trị chỉ đạo tiến trình phát triển của thế giới; và chiến lược nước lớn lấy quyền lực chính trị làm chủ đạo đã kéo dài mấy trăm năm qua, đã làm nảy sinh rất nhiều hậu quả xấu. Bên cạnh các cuộc chạy đua vũ trang, đối kháng quân sự, xung đột, khủng hoảng, chiến tranh và các mối đe doạ dưới nhiều hình thức, đa dạng, các cuộc chiến tranh nhỏ lẻ, chiến tranh cục bộ, xung đột ở các điểm nóng với nhiều loại hình phức tạp vẫn diễn ra liên tục, vì thế cục diện thế giới vẫn chưa hoà bình, ổn định.

Nguyên tắc đạo lý trong chính trị quốc tế đang gặp nhiều thách thức, niềm tin vào tổ chức quyền lực quốc tế bị lung lay. Quan niệm về giá trị và quyền bình đẳng của con người đang bị chia rẽ, quyền lựa chọn tín ngưỡng đang mất đi, tính đa dạng của văn minh đang dần biến mất do tính đơn nhất, thế giới tinh thần bị kiểm soát ở một không gian nhất định, điều này làm cho nhân dân tất cả các nước mất đi tự do. Hiện nay, mức độ tin cậy giữa các quốc gia trên thế giới đang yếu, sự nghi ngờ và đối lập nhau ngày càng tăng, thậm chí có khả năng dẫn đến đối kháng quân sự mới, nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng lòng tin và sự hợp tác giữa các nước còn nặng nề và xa xôi. Tuy trên thế giới không tồn tại tranh chấp sâu sắc và vĩnh cửu, nhưng làm thế nào để tiến hành hợp tác trên các mặt khác biệt và làm thế nào cùng tồn tại trong thế giới đa dạng hoá đã trở thành một chủ đề cấp bách. Kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà giải, thương lượng; phản đối tiêu chuẩn lợi ích song trùng và nhiều tầng; làm theo sức mình và làm việc thực chất; kiên trì hoà hợp mà không đồng nhất; quan hệ với các nước không dựa vào tiêu chí ý thức hệ; tìm kiếm các giải pháp hoà bình và lâu dài; biến cuộc chạy đua vũ trang trở thành cạnh tranh hoà bình; chuyển từ đe doạ sang cơ hội hợp tác; đó là trách nhiệm chung mà các nước yêu chuộng hoà bình trên thế giới phải gánh vác. Những trách nhiệm chung này cũng đã là vấn đề khó của lịch sử trong mấy thế kỷ trở lại đây, và cho đến nay về cơ bản vẫn chưa giải quyết được.

Thế giới đang trong thời kỳ quá độ, vẫn chứa nhiều nhân tố bất ổn và ở ranh giới giữa hoà bình hơn và bất ổn hơn. Hoà bình vẫn là một vấn đề, trở ngại về phát triển ngày càng nhiều. Nguy cơ và thách thức mới do phát triển đem lại cũng đang không ngừng tăng lên; vấn đề mới nhiều hơn và khó khăn hơn so với vấn đề cũ. Các vấn đề môi trường, dịch bệnh lan truyền, chủ nghĩa khủng bố, năng lượng đều là vấn đề rất cấp bách. Trong bối cảnh trào lưu thời đại toàn cầu hoá, không có nước nào có thể đứng ngoài cuộc chơi. Là một quốc gia có sức ảnh hưởng trong tiến trình toàn cầu hoá, Trung Quốc cũng đặt mình trong đó và đang đứng trước hiện thực cơ hội và thách thức tồn tại song hành, không thể trốn tránh hoặc từ bỏ nhiệm vụ lịch sử của mình, nhất thiết cùng với các nước khác nhìn thẳng vào vấn đề này và nỗ lực tìm kiếm biện pháp giải quyết. Dân tộc Trung Hoa đã có lịch sử mấy nghìn năm, mang cho mình sứ mệnh lịch sử rất lớn và tinh thần thời đại trách nhiệm vì tương lai.

Trung Quốc là một nước lớn đặc biệt, do vậy phải có chiến lược nước lớn đặc biệt. Tuy Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, nhưng đã trở thành một nước lớn đang phát triển có sức ảnh hưởng toàn cầu, và là một thành viên quan trọng trong quần thể các nước lớn đang phát triển. Chiến lược nước lớn hoà bình của Trung Quốc là chiến lược của nước đang phát triển, là chiến lược phát triển nhằm cổ vũ, sát cánh và thúc đẩy quần thể các nước đang phát triển.

Qua sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong thể chế quốc tế, có thể thấy thực lực sức mạnh mềm của Trung Quốc đã đủ tư cách trở thành nước lớn. Là nước đang phát triển có ảnh hưởng đối với toàn cầu, vì thế, trách nhiệm và nghĩa vụ của Trung Quốc cũng có sự thay đổi. Về mặt khách quan, việc tăng sức ảnh hưởng sẽ mang lại nhiều yêu cầu cao đối với chiến lược đối ngoại của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, khả năng nhận thức về thế giới của Trung Quốc đã được nâng cao. Sự tiếp xúc và va chạm giữa Trung Quốc với thế giới phương Tây hoặc giữa khu vực phát triển và khu vực kém phát triển cũng thể hiện rõ những hạn chế trong trình độ và khả năng nhận thức về thế giới của Trung Quốc, bao gồm việc nhận thức khác biệt, hiểu sai, thậm chí có cả cách nghĩ chủ quan đối với các quốc gia khác nhau và các nước có lịch sử, tôn giáo, trình độ phát triển khác nhau. Tất cả điều đó chỉ ra rằng Trung Quốc cần phải tăng cường liên hệ với thế giới hơn nữa và từng bước nâng cao địa vị nước lớn của mình.

Trung Quốc không phải là quốc gia trung tâm của thế giới, cũng không phải là quốc gia yếu kém bị gạt ra bên ngoài. Trung Quốc đã là một trong những nước lớn có khả năng ảnh hưởng lớn trên thế giới. Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc nhất thiết phải đặt trong mô hình của thế giới, tính toán đầy đủ sự thay đổi của mô hình thế giới. Chiến lược nước lớn của Trung Quốc cần chú ý đến sự thay đổi không ngừng của cơ cấu quốc tế và cũng cần hết sức coi trọng việc cùng nhau hành động trong quan hệ với các nước, đặc biệt là các quan hệ chủ đạo.

Trung Quốc là một nước lớn như vậy, đang nỗ lực vượt qua giai đoạn lịch sử đi theo, học tập và bắt chước; tích cực bước vào giai đoạn sáng tạo và nhảy vọt. Từ đi theo trào lưu thời đại đến dẫn dắt trào lưu thời đại, điều này về mặt khách quan, yêu cầu Trung Quốc cần có tiếng nói của chính mình, mở rộng quyền phát ngôn của mình, phát huy khả năng ảnh hưởng của mình. Tổng công trình sư về công cuộc cải cách của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói, Trung Quốc lớn mạnh thêm một chút, hoà bình thế giới sẽ an toàn thêm một chút.

Trung Quốc đang tích cực khởi xướng quan niệm về thiên hạ mới, tức là chuyển đổi từ cộng đồng quốc tế theo kiểu thoả thuận, ký kết sang thành cộng đồng quốc tế theo kiểu đảm bảo và hạnh phúc. Trung Quốc nên dựa trên việc lấy danh nghĩa hoà bình an ninh nhân loại, động lực phát triển xã hội quốc tế hài hoà, phương pháp khoa học, cầu thị và tinh thần dũng cảm, sáng tạo để đổi mới xã hội quốc tế hiện có; nắm bắt xu thế phát triển trong tương lai; thúc đẩy sự bắt đầu của thời đại văn minh chính trị quốc tế mới.

Trung Quốc cần phải phát huy ưu thế phát triển sau, đẩy mạnh tinh thần tiến thủ, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy liên kết, cùng mưu cầu phát triển, lấy hình thức hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện phát triển chung, lấy tinh thần cống hiến và từ thiện để xoá bỏ những vấn đề về phát triển không bình đẳng và khó khăn. Trung Quốc cần tạo ra cơ hội, nắm bắt cơ hội, duy trì cơ hội, đem lại đóng góp mới cho quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa và văn minh thế giới.

Ý tưởng cơ bản trong chiến lược nước lớn hoà bình của Trung Quốc

Theo cách nói của Lương Khởi Siêu, vị trí của Trung Quốc được chia thành 3 giai đoạn: Trung Quốc trong Trung Quốc, Trung Quốc trong Châu Á, Trung Quốc trong thế giới. Ba giai đoạn này thực chất không tách rời nhau và được đặt ở vị trí khác nhau trong các thời kỳ khác nhau. Hơn ai hết, hiện nay, Trung Quốc càng cần phải coi trọng vị trí của mình trong thế giới.

Trải qua quá trình nỗ lực không ngừng, Trung Quốc đã đạt được những thành tích đáng tự hào, một quốc gia với tổng sản phẩm quốc dân đứng thứ 4 thế giới, giá trị sản xuất bình quân tăng gấp đôi so với 10 năm trước, đã đứng vào hàng ngũ các quốc gia trung bình. Sự ổn định và phát triển phồn vinh của quốc gia chiếm ¼ dân số thế giới này là đóng góp quan trọng cho thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đang muốn thúc đẩy một thế giới phồn vinh, vì thế Trung Quốc vẫn chưa hài lòng với các con số trên. Mô hình phát triển của Trung Quốc đang thể hiện sức sống của nó, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới khi bước vào giai đoạn khó khăn hơn.

Nhìn chung, hiện nay, quan hệ giữa các nước lớn đều dựa trên kiểu hình thức cạnh tranh cùng tồn tại, do vậy, Trung Quốc cần phải có tầm nhìn toàn cầu hơn, phải nắm sâu sắc hơn tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước, tính toán đến những ảnh hưởng của khu vực khác tới tình hình trong nước, đồng thời phải coi trọng hơn nữa mức độ ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu. Trung Quốc là một bộ phận cấu thành hữu cơ tạo nên thế giới, là lực lượng cân bằng không thể thiếu trong kết cấu lực lượng của thế giới, vì thế, trong giai đoạn hiện nay ảnh hưởng và sức bật của Trung Quốc trên thế giới được tăng lên chưa từng có.

Trung Quốc đưa ra chiến lược hoà bình nước lớn, có nghĩa là phải gánh vác những trách nhiệm tương ứng của một nước lớn. Đối với các vấn đề chung mà loài người đang đối mặt, Trung Quốc không chỉ xuất phát từ lợi ích riêng của mình, mà cần tính đến mức độ cấp bách và nghiêm trọng trong từng vấn đề; cần phải quan tâm đến lợi ích của nhân loại, không rũ bỏ trách nhiệm của mình; góp sức với các nước có mong muốn gánh vác trách nhiệm của thế giới, cùng nhau đảm nhiệm sứ mệnh và chia sẻ trách nhiệm. Chiến lược hoà bình nước lớn của Trung Quốc có khác với chiến lược trỗi dậy của bất cứ nước lớn nào trong lịch sử, vì chiến lược nước lớn của các nước thường liên quan nhiều đến âm mưu bá quyền và hợp tác với các nước bá quyền, và Trung Quốc cũng đã nghiêm chỉnh cam kết quyết không mưu cầu bá quyền dưới bất cứ hình thức nào. Trung Quốc sẽ không quay lại con đường trỗi dậy bằng ngoại giao cây gậy lớn hoặc ngoại giao tiền tệ giống như các nước lớn trước đây. Trung Quốc chú ý đến mối quan hệ hữu cơ và lợi ích tổng thể của thế giới, nâng cao quan niệm lý luận hệ thống thế giới. Trung Quốc tin tưởng rằng, chỉ dựa vào thực lực của một nước, cho dù có lực lượng quân sự lớn mạnh cũng không thể duy trì hoà bình dài lâu trên thế giới.

Quả thật, trong thế giới hiện nay, chỉ có mong ước hoà bình là chưa đủ, mà phải cần có ý chí hoà bình và khả năng thực hiện ý chí đó. Cần có chính nghĩa, dũng khí và không sợ hiểm nguy. Chỉ có như vậy, sự nghiệp hoà bình mới có thể thành công. Chiến lược nước lớn hòa bình của Trung Quốc đang tuân theo những nguyên tắc sau:

Một là, giương cao ngọn cờ đạo đức chính trị quốc tế, chủ trương phát triển cân bằng, cùng có lợi, công bằng và bình đẳng. Giương cao ngọn cờ đạo đức là nhiệm vụ chính của ngoại giao Trung Quốc, bảo vệ nguyên tắc đạo đức quốc tế giao lưu giữa các quốc gia là trách nhiệm thiêng liêng của ngoại giao Trung Quốc. Cường quyền không phải là công lý. Chiến lược hoà bình của Trung Quốc không chỉ tuân thủ nguyên tắc pháp luật của chính trị quốc tế, mà còn nỗ lực tìm kiếm biện pháp chính nghĩa và công bằng.

Trong chính trị quốc tế, nỗ lực sẽ bổ sung vào chỗ đạo đức còn thiếu, lấy chính nghĩa thắng ác, thúc đẩy phát triển sức mạnh chính nghĩa, bình đẳng xã hội quốc tế, tạo dựng lại địa vị chính thống của đạo đức chính trị quốc tế. Kiên trì công bằng và chính nghĩa, theo đuổi mục tiêu chính đáng và biện pháp chính đáng, duy trì sự thống nhất giữa mục tiêu và biện pháp. Chủ trương ngoại giao đạo lý, kiên trì ý thức pháp luật, thực hiện tự do dưới sự ràng buộc của luật pháp quốc tế, tuân thủ nghiêm túc các điều ước và cam kết, quyết không lấy mạnh ép yếu và lấy thế bắt nạt người; tăng cường đóng góp và trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Trong chính trị quốc tế, kiên trì tinh thần dân chủ, khiêm nhường và kiềm chế. Bậc tiên nhân thời cổ đại Mạnh Tử Nhật đã nói: “Sự phục hưng của Trung Quốc là một quá trình thiết lập hình tượng nước lớn mới trỗi dậy, hình tượng hoà bình chính nghĩa là điểm cơ bản mà Trung Quốc đứng với các quốc gia dân tộc trên thế giới”.

Hai là, trong vấn đề thúc đẩy phát triển trật tự quốc tế, chủ trương thay đổi hoà bình, phản đối giải quyết vấn đề bằng bạo lực và xung đột bạo lực. Tích cực tham gia xây dựng và cùng xây dựng chế độ quốc tế, nâng cao khả năng đưa ra các chương trình nghị sự và khả năng động viên trong xây dựng thể chế quốc tế, chủ động đưa ra ý tưởng về trật tự thế giới trong tương lai bao gồm trật tự an ninh quốc tế, thương mại quốc tế và trật tự tài chính tiền tệ, duy trì hiệu quả và thúc đẩy hơn nữa ý tưởng về thể chế hoà bình quốc tế, thúc đẩy phát triển văn minh và dân chủ chính trị quốc tế.

Ba là, tích cực phát huy năng lực hài hoà trong chiến lược. Là bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược đối ngoại, năng lực hài hoà trong chiến lược của Trung Quốc đang phát huy vai trò đặc biệt của nó trong việc duy trì trật tự hài hoà, trật tự quốc tế. Ngoại giao Trung Quốc đang ngày càng phát huy chức năng ngoại giao hài hoà của nó. Tăng cường năng lực hài hoà là bước đi quan trọng nâng cao ảnh hưởng ngoại giao của Trung Quốc. Ngoại giao Trung Quốc đang bước vào giai đoạn ngoại giao năng động mới. Đối thoại chiến lược trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc là điểm sáng tạo của Trung Quốc, là hình thức đối thoại mở, đối tác chiến lược vừa không nhằm vào những nước đã định, vừa không nhằm vào mục tiêu đã chọn, mà là hy vọng nỗ lực cùng với tất cả các nước trên thế giới đạt được nhiều nhận thức chung trong các vấn đề toàn cầu, giảm bớt những hiểu lầm, gánh vác nhiều trọng trách lớn. Trung Quốc mong muốn đạt được nhận thức chung về chiến lược với các nước trên thế giới, kết thành đối tác chiến lược, cùng bảo vệ sự yên bình của mỗi bên, cùng xây dựng thế giới hài hoà.

Bốn là, kiên trì cùng tồn tại trong sự khác biệt, phản đối định kiến chính trị, sai lệch chính trị; cố gắng giao lưu đối thoại và hoà hợp tự nhiên giữa các nền văn minh, kiên trì cạnh tranh lành mạnh giữa chế độ khác nhau, cùng tồn tại phát triển. Trung Quốc không định kiến chính trị với tất cả các nước trên thế giới, không có tư tưởng giấu mình báo thù, không bao giờ nghĩ dùng vũ lực khuất phục nước khác, cũng không dùng vũ lực để đe doạ nước khác. Trung Quốc tôn trọng đặc tính và truyền thống tôn giáo văn hoá lịch sử của các nước, không lấy hình thức cực đoan như vũ lực và cưỡng chế áp đặt quan niệm và thể chế với các nước. Phản đối một nước nhất định thúc đẩy chính sách “chủ nghĩa áp đặt” trong bất cứ thời kỳ nào.

Năm là, nỗ lực chủ trì chương trình cơ chế phối hợp với các nước lớn, đồng thời chủ trương hoàn thiện chế độ pháp luật và chế độ giám sát của nước lớn trong chính sách đối ngoại. Không làm trọng tài trong các cuộc tranh giành giữa các nước lớn, mà là người thực hiện và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Trong cơ chế phối hợp với các nước lớn, phát huy ảnh hưởng đặc biệt của mình, cơ chế phối hợp với các nước lớn là cần các nước có chế độ và quan niệm khác nhau, từ đó tăng cường tính đại diện và tính bao dung của cơ chế. Lời phát biểu của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton trong bài diễn văn nhậm chức của ông đã trở thành nguyên tắc cho hành vi của nước lớn: “theo đuổi chính nghĩa mà không tự cho mình là đúng; theo đuổi đoàn kết mà không nhẫn nhục chịu đựng; lớn mạnh mà không khoe khoang; dám nói thật và duy trì chính nghĩa”.

Sáu là, phát huy vai trò cầu nối và liên kết đặc biệt. Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển, nhưng cũng là một nước lớn. Bên cạnh, việc phát huy vai trò đặc biệt của mình trong cơ chế phối hợp với các nước lớn, Trung Quốc cũng cần nỗ lực thúc đẩy liên hệ và hợp tác với các nước phát triển và đang phát triển, thúc đẩy triển khai từng bước đối thoại Nam Bắc. Ngoại giao của Trung Quốc là ngoại giao toàn phương vị (toàn diện), điều mà Trung Quốc mong muốn chính là cùng nhau phát triển.

Bảy là, nỗ lực duy trì vai trò của tổ chức quốc tế. Duy trì vai trò của Liên hợp quốc và thúc đẩy quá trình cải tổ Liên hợp quốc. Kiên trì thông qua biện pháp hoà bình để giải quyết vấn đề. Thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc, làm cho nó vượt khỏi khuôn khổ chỉ đưa ra các chương trình nghị sự, thực sự trở thành một diễn đàn có hiệu quả trong quản lý xung đột quốc tế và công việc quốc tế.

Tám là, kiên trì kết hợp hữu cơ nguyên tắc lợi mình và lợi người, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Đứng từ góc độ liên hệ và tính chỉnh thể để nhìn nhận vấn đề, quan tâm đến đại cục và nhận biết tổng thể thế giới. Quan niệm phát triển quan khoa học và quan điểm thế giới hài hoà của Trung Quốc có sự tương phụ tương thành (hỗ trợ lẫn nhau và phối hợp với nhau). Quan niệm quốc gia của Trung Quốc cũng đang được mở rộng, tức là không tính toán hẹp hòi, ích kỷ, chỉ tính đến lợi ích riêng của nước mình, Trung Quốc còn tin tưởng vào một đạo lý, đó là tiến bộ, phồn vinh và phát triển của Trung Quốc có mối liên hệ với tiến bộ, phồn vinh và phát triển của toàn thể nhân loại. Cùng với việc thúc đẩy phát triển đất nước, Trung Quốc cần phải thúc đẩy phát triển của toàn thể nhân loại, như vậy mới có thể duy trì cục diện phồn vinh và bền vững. Cơ sở của tư tưởng phục hưng Trung Quốc không phải là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mà là sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế. Một dân tộc mong muốn đóng góp cho hoà bình, phát triển thế giới tất nhiên là một dân tộc nhận được sự tôn trọng.

Tóm lại, chiến lược nước lớn của Trung Quốc là một chiến lược được hình thành từ 3 chiến lược: hoà bình, ổn định và phát triển, nhấn mạnh thực chất, tăng cường hướng ngoại, nhiều chế độ pháp luật và trách nhiệm; là cân bằng tổng hợp toàn phương vị. Đầu tiên là chiến lược không có chiến tranh: nhấn mạnh hoà bình, trọng đức khinh võ; trọng đức khắc phục bản thân; không thù địch, không bè phái; nhấn mạnh tính tổng thể, ngăn chặn chia rẽ. Hai là chiến lược không bá quyền: nhấn mạnh tính dân chủ, tôn trọng ý kiến khác, cùng quyết định, coi trọng chính nghĩa, không quan tâm đến bá quyền, duy trì nguyên tắc tập trung của Liên hợp quốc. Ba là chiến lược không tấn công: nhấn mạnh tính phòng ngừa, đánh đòn phủ đầu dưới bất cứ tình huống nào không phải là lựa chọn ưu tiên của Trung Quốc. Bốn là chiến lược hài hoà: nhấn mạnh tính không áp đặt. Không khuyến khích tranh chấp, không tạo ra khoảng trống, không xúi giục mâu thuẫn, lợi dụng mâu thuẫn, càng không tạo ra các vụ tranh chấp.

Người dịch:
Phạm Thị Lan Hương (Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất