Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 4/1/2015 20:44'(GMT+7)

Chiến thắng của “con tim và khối óc”

Các cửa hàng bán nông sản của tiểu thương ở Cu-ba phát triển mạnh mẽ từ khi có đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế.

Các cửa hàng bán nông sản của tiểu thương ở Cu-ba phát triển mạnh mẽ từ khi có đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế.

Ngày 17/12/2014 vừa qua, việc Mỹ - Cu-ba tuyên bố thỏa thuận về tiến trình bình thường hóa quan hệ đã mở ra một thời kỳ mới với nhiều thời cơ và động lực để các mục tiêu “cập nhật hóa” trở thành hiện thực. Nhưng có một nguyên tắc mà Cu-ba không bao giờ thay đổi, đó là cập nhật hóa mô hình kinh tế gắn liền với hiện thực hóa lý tưởng XHCN.

Cập nhật hóa mô hình kinh tế là bài toán hóc búa nhất đối với Cu-ba trong quá trình tìm tòi mô hình phát triển theo định hướng XHCN. Trong lộ trình đó, Cu-ba coi trọng việc học tập kinh nghiệm ở các nước có chung lý tưởng XHCN trên thế giới như Trung Quốc, Việt Nam…

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Cu-ba tháng 4/2012 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Cu-ba đã mời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm và nói chuyện tại Trường Đảng cao cấp Ni-cô Lô-pết. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ của nhà trường. Đội ngũ giáo sư, nhà khoa học trong lĩnh vực lý luận của nước bạn tề tựu đông đủ khiến hội trường ước khoảng 500 chỗ ngồi chật kín.

Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH-nhìn từ thực tiễn Việt Nam”, không khí hội trường “nóng” hẳn lên ở phần trao đổi. Các nhà khoa học của bạn, hẳn đã chuẩn bị rất kỹ cho buổi trò chuyện vì biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc của Việt Nam. Ngay khi đồng chí Hiệu trưởng Ra-sa-ri-ô Pen tôn Đi-át nói: “Bây giờ là phần trao đổi, ai có câu hỏi thì xin mời”, lập tức hàng chục cánh tay đã giơ lên. Nhiều đại biểu hăng say đặt câu hỏi, trao đổi cùng đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà quên cả giới thiệu tên của mình.

Cu-ba là đất nước gặp nhiều khó khăn kinh tế do chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ nhưng những thông tin về quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam thì phía bạn vẫn cập nhật khá nhiều. Chúng tôi cảm nhận được điều đó khi những câu hỏi của các giáo sư, nhà khoa học của nước bạn đặt ra toàn những vấn đề nóng hổi tính thời sự của Việt Nam, như: Việt Nam làm thế nào để kiểm soát được nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN khi phát triển kinh tế tư nhân và hợp tác với các tập đoàn nước ngoài? Làm thế nào để phát triển bền vững khi sức ép dân số, nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường đang hoành hành? Có một đại biểu khá trẻ, khi hỏi đồng chí Tổng bí thư đã cẩn thận nói rằng: “Vấn đề tôi hỏi có thể chưa có ở Việt Nam nhưng phòng trước vẫn hơn, hiện nay, ở nước các đồng chí, khu vực kinh tế nào bị ảnh hưởng rõ nét nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay?”.

Hôm đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vui vẻ trả lời từng vấn đề các học giả Cu-ba đặt ra. Cả hội trường say sưa lắng nghe và thi thoảng lại cười tán thưởng cách nói ví von “Đổi mới thì đổi mới đi/Cứ tư duy mãi lấy gì mà ăn” của Tổng bí thư. Đặc biệt, khi nghe Tổng bí thư nói về chính sách quản lý đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân, về nâng cao chất lượng chất vấn-trả lời chất vấn của Quốc hội, về tổ chức chất vấn trong từng cấp ủy Đảng, rất nhiều học giả đã ghi chép rất cẩn thận… Buổi nói chuyện kết thúc, Tổng bí thư tặng nhà trường cuốn sách “Việt Nam trong tiến trình đổi mới” do Tổng bí thư làm chủ biên đã khiến các học giả đặc biệt quan tâm. Ông Ác-man-đô Hét-nan-đét, một giảng viên lý luận của Trường chính trị thuộc Hiệp hội những người tiểu nông Cu-ba nói với tôi rằng, ông đã đọc rất kỹ cuốn sách này (bản dịch Tây Ban Nha), đây là cuốn sách quý hiếm ở Cu-ba và mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam là tấm gương gần gũi nhất để Cu-ba học tập.

Dư âm buổi nói chuyện của Tổng bí thư lan tỏa rất sâu rộng trong dư luận nước bạn. Tất cả các cơ quan báo chí của bạn, từ truyền hình, phát thanh đến báo in đều dành thời lượng lớn đưa tin về buổi nói chuyện này. Báo Gran-ma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba, khi phỏng vấn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập lại rất nhiều nội dung của buổi nói chuyện. Đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô, lãnh tụ Phi-đen và các nhà lãnh đạo Cu-ba khác, trong các cuộc hội đàm, hội kiến sau đó đều nhắc lại ấn tượng về buổi nói chuyện. Riêng đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô, phát biểu mở đầu cuộc hội đàm đã nói: “Tôi xem bài giảng của đồng chí qua báo chí và thấy rất hay, rất tốt, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của đồng chí”. Đồng chí Ra-un trao đổi cởi mở, vượt qua các nghi lễ ngoại giao: “Công cuộc xây dựng CNXH ở Cu-ba có nhiều kẻ thù nhưng kẻ thù lớn nhất nằm ở trong đầu chúng tôi, đó là tư duy chậm đổi mới. Có những việc, chúng tôi đang “cắt trước, đo sau”, chúng tôi đang rất cần xây dựng hệ thống lý luận cho con đường phía trước của mình. Cuốn sách của đồng chí tặng Cu-ba, nếu đồng chí đồng ý, tôi sẽ cho tái bản. Tôi đã hỏi ý kiến một số đồng chí trong Bộ Chính trị (Cu-ba), phần lớn các đồng chí này đều đã đọc và cho rằng, cuốn sách của đồng chí đã đề cập đến những vấn đề mà đường lối cập nhật hóa mô hình kinh tế của Đảng Cộng sản Cu-ba đang đặt ra”.

Hôm sau (10/4/2012), trên đường tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm tỉnh Pi-na đen Ri-ô, đồng chí Hô-xê Ra-môn Ba-la-ghê, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Cu-ba cho biết, câu chuyện đổi mới ở Việt Nam đang là vấn đề được thảo luận rộng rãi ở Cu-ba. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với đồng chí Hô-xê: “Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang thu được kết quả tốt đẹp bước đầu nhưng là hành trình đầy gian khổ. Chúng tôi cũng trải qua quá trình đấu tranh với chính mình, đấu tranh với các trở lực để giành con tim, khối óc cho CNXH. Khi chúng tôi mới bắt đầu đổi mới, nội bộ cũng rất nhiều người lo chúng tôi chệch hướng. Phải 5 năm sau đổi mới, chúng tôi mới công khai nói về nền sản xuất hàng hóa, 10 năm sau chúng tôi mới nói về kinh tế thị trường… Nói chung, đó là quá trình đấu tranh rất gian khổ”./.

Hồng Hải (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất