Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 29/4/2013 9:56'(GMT+7)

Thành phố mang tên Bác ngày nay

Sau 38 năm giải phóng niềm Nam, thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn từng bước khẳng định vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của khu vực và cả nước, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích 2.095 km2, chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số của Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước. 38 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước” đã nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, hàn gắn vết thương chiến tranh và nhất là khôi phục và phát triển kinh tế ngày càng bền vững với tư duy đổi mới, cách làm mới, vượt qua trở lực nặng nề của cơ chế cũ. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng phát triển.

Kinh tế phát triển năng động:

- Thành phố giữ được mức tăng trưởng cao, từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm (trong giai đoạn 1976-1985), đã vươn lên 10,5% (trong giai đoạn 2005-2010), bình quân 2 năm (2011-2012) kinh tế thành phố tăng gần gấp 1,8 lần so với mức tăng bình quân của cả nước. GDP bình quân đầu người năm 2012 tăng 28,5%, bằng 2,3 lần mức bình quân của cả nước.

- Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Nam và của cả nước. Đây là nơi có nhiều cơ sở công nghiệp khá hiện đại và đa dạng ngành nghề, là nơi xây dựng khu chế xuất đầu tiên của nước ta, nơi đang đi đầu trong công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt trong những năm gần đây, Thành phố đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học cao với 4 nhóm ngành chủ yếu (cơ khí chế tạo; điện tử - viễn thông - tin học; công nghiệp hóa chất và dược phẩm; chế biến lương thực thực phẩm có giá trị tăng cao). Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I-2013 đạt 112.772 tỷ đồng, tăng 7,6% so với quý I-2012. Khu vực dịch vụ tăng 8,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,8%; khu vực nông lâm thủy sản tăng 4,8%.

Với nhiều ưu thế đặc biệt, từ sân bay, bến cảng đến hệ thống tài chính, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn…, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn, là nơi xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ khá lớn của cả nước. Đến tháng 4-2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của Thành phố ước đạt trên 47.323 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng 3-2013 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2012. Như vậy, trong 4 tháng qua, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của Thành phố ước đạt 189.382 tỷ đồng, tăng 10,6%.

Trong tháng 4-2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố ước đạt 2,3 tỷ USD, giảm 12,1% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2012. Ước tính 4 tháng đầu năm, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 9,18 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm, trị giá hàng hóa nhập khẩu đạt 8,04 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của thành phố đã có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhiều nhất nước ta. Trong quý I-2013, tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 234,5 triệu USD, tăng 207,4% so với cùng kỳ năm 2012. Đã có 61 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký 58,9 triệu USD, bình quân mỗi dự án 965,5 ngàn USD.

- Hoạt động du lịch của thành phố phát triển mạnh, trong năm 2012, thành phố đã đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,5% so với năm 2011 và chiếm 56% số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thành phố phấn đấu thu hút được 4,2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2013 và tiếp tục là ngành kinh tế đóng góp 11% GDP cho thành phố.

Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực

Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội, thường xuyên cố gắng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển.

- Vấn đề chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tiến bộ; mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cộng đồng không ngừng được củng cố và phát triển từ nội thành đến ngoại thành. Trong những năm gần đây, thành phố chủ trương thu hút mọi nguồn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển dịch vụ y tế hướng đến y tế chất lượng cao; đa dạng hóa hệ thống bệnh viện, từ bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều trị miễn phí cho người nghèo đến những trung tâm y tế chuyên khoa, trung tâm dịch vụ cao, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho mọi đối tượng.

Ước tổng số lượt người khám chữa bệnh trong quý I-2013 là 7,5 triệu lượt, tăng 12,8 % so với cùng kỳ. Số bệnh nhân điều trị nội trú là 340 nghìn lượt, tăng 9,6% so cùng kỳ; bệnh nhân điều trị ngoại trú là 1,5 triệu lượt, tăng 13,2%.

Hàng năm thành phố đã giải quyết hàng trăm ngàn lao động có việc làm mới, nhờ vậy mà giảm được tỉ lệ thất nghiệp. Trong quý I-2013, thành phố đã thu hút và giải quyết việc làm cho 70,3 nghìn người, đạt 26,5% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, số người đã nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 16,2 nghìn người. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 162,8 tỷ đồng.

- Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo - một chương trình mang ý nghĩa vừa cấp bách vừa chiến lược dài hạn, đã lan tỏa ra cả nước. Đến cuối năm 2012, số hộ nghèo (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm) giảm còn 62.002 hộ, chiếm 3,4% tổng số hộ dân toàn thành phố (kế hoạch là 4,5%); số hộ cận nghèo (thu nhập từ 12 triệu đồng đến dưới 16 triệu đồng/người/năm) giảm còn 90.000 hộ, chiếm 4,93% tổng số hộ dân toàn thành phố.

- Giáo dục - đào tạo và khoa học đạt nhiều kết quả khích lệ.

Qui mô đào tạo các cấp học, từ mẫu giáo, mầm non đến phổ thông, cao đẳng, đại học tăng dần qua từng năm. Năm 2002 thành phố đã hoàn thành giáo dục phổ cập bậc trung học cơ sở và đến 2009 đã hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông, nâng cao mặt bằng dân trí, giảm dần khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành.

Đến nay, số trường mẫu giáo và mầm non trên toàn thành phố là 800 trường, số trẻ em tham gia vào nhà trẻ 39,1 ngàn cháu, giảm 18,9% so cùng kỳ; Số trường phổ thông trên địa bàn thành phố là 917 trường. Hiện có 45.115 giáo viên, tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2012. Tổng số học sinh đang theo học là 1.046,8 ngàn học sinh, tăng 3,2%.rrr

- Khoa học - công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội ngày càng tốt hơn. Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp thiết của xã hội thành phố, tạo lập hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xác định các chủ trương, giải pháp phát triển xã hội và quản lý sự phát triển xã hội thành phố qua các giai đoạn. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỉ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cao nhất. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý Nhà nước được hình thành và ngày càng chặt chẽ hơn; thị trường công nghệ bước đầu được tạo lập.

Gần 4 thập kỷ, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập đã trải qua những bước thăng trầm với nhiều khó khăn thử thách, có những va vấp, khuyết điểm và yếu kém, song nhìn lại kinh tế thành phố sau khi được khôi phục đã không ngừng phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao; việc chỉnh trang đô thị và phát triển các đô thị mới có nhiều tiến bộ, tạo nên dáng vẻ thành phố ngày càng khang trang hơn; các vấn đề văn hóa - xã hội luôn được chủ ý giải quyết đồng bộ với sự phát triển kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị xã hội, kể cả trong những thời kỳ tình hình trong nước có nhiều khó khăn và thế giới có những diễn biến phức tạp, đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chung của đất nước và là điều kiện tiên quyết cho thành phố phát triển không ngừng. Thành tựu ấy thật là to lớn, có ý nghĩa lịch sử!./.

Giao Tuyến (tổng hợp )
[Nguồn: TTTL, TTXVN ].

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất